(GLO)- Ở miền Trung quê tôi, vào tháng Chạp, mỗi từ đường đều quy định một ngày tảo mộ, còn gọi là dẫy mả. Đó có thể là ngày giỗ cụ tổ-người sáng lập ngôi từ đường hay ngày được các bậc tiền bối ấn định, các lớp con cháu cứ thế mà nhớ lấy, làm theo. Ngày tảo mộ rất quan trọng với họ tộc, nên con cháu dù xa dù gần cũng cố gắng thu xếp thời gian, công việc mà về.
Ảnh internet |
Tảo mộ nghĩa là thăm viếng, bồi đắp, sửa sang mộ phần của ông bà, tổ tiên họ nhà mình cho sạch đẹp, khang trang. Ở miền Trung, người mất được địa táng vĩnh viễn. Ngày trước phần nhiều chỉ là mộ đất, đắp cao dáng mu rùa. Gia đình khá giả mới xây hộc xung quanh, dựng bia đầu mộ chứ không bê tông hóa kiên cố như bây giờ. Vì vậy, tảo mộ không chỉ là phát quang cây cỏ dại xung quanh ngôi mộ mà còn có công đoạn không thể thiếu là động tác “dẫy” mộ (mả). Với những ngôi mộ không xác định được vị trí hướng nằm của người đã khuất thì dẫy mả là việc dùng cuốc nạo sạch cỏ hình ô chữ nhật, ô vuông giữa lòng ngôi mộ. Những ngôi mộ xác định được hướng nằm thì dẫy gọt sạch phần cỏ ở lòng mộ theo hình chiếc chàng của thợ mộc. Theo đó, phía chân là phần lưỡi của chiếc chàng. Động tác này đòi hỏi phải nhẹ nhàng, tỉ mẩn và khéo léo, không phải ai cũng làm được. Khi động tác dẫy mả kết thúc còn phải dùng lá tươi bẻ quanh đấy quét lại phần vừa dẫy cho thật sạch sẽ tinh tươm. Cách dẫy mả như vậy gọi là dẫy mả chìm.
Những vùng gần sông, cửa biển đất pha cát, qua mưa nắng trong năm mộ bị chài lở. Ngày tảo mộ, người ta bồi đắp đất thêm cao cho khỏi bị lạc, thường gọi là dẫy mả nổi. Ấy là ngày trước, chứ bây giờ dù khó khăn đến mấy người trong họ kẻ góp công, người góp của chí ít cũng xây được hộc mộ vuông vức, đặt bia đá, bia đúc xi măng chắc chắn.
Ngày tảo mộ, từ sớm tinh mơ cháu con đã tề tựu về từ đường.
Đàn ông con trai trong họ lên đường, đi trước là một cụ già-người nhớ rõ nhất, chính xác nhất phần mộ tổ tiên. Lớp trai trẻ lục tục theo sau mang dụng cụ: cuốc, xẻng, chổi, thùng, sơn, cọ… Trong sớm mùa xuân sương bay gió nhẹ, đoàn người rồng rắn kéo nhau đi thật ấm áp. Gặp người của những dòng họ khác cũng đi tảo mộ, bà con lên tiếng chào nhau nghiêm cẩn và thân tình. Tranh thủ thời gian tu tảo mộ, các cụ già thông tin cho con cháu về người dưới mộ, dặn dò ghi nhớ vị trí để truyền lại cho thế hệ sau chăm lo. Kết thúc việc tu tảo mỗi mộ phần, trưởng tộc thắp ba nén hương, dâng ly rượu lễ khấn thỉnh linh hồn người nằm đó về từ đường hưởng lễ vật con cháu dâng lên.
Ngày tảo mộ, cánh phụ nữ ở nhà lo mâm cỗ. Mỗi năm mới có dịp gặp nhau hay mới về làm dâu, lần đầu ra mắt họ tộc thì cứ tha hồ mà thể hiện cái sự đảm của mình; chuyện nổ như ngô rang, kỷ niệm được gợi nhắc, tình thâm gia tộc được đắp bồi!
Ngày tảo mộ, ngoài yếu tố tâm linh thì đây còn là dịp con cháu tề tựu, thể hiện trách nhiệm, tình cảm, lòng biết ơn với người quá cố; giúp thế hệ trẻ hiểu biết mối quan hệ huyết thống, thứ bậc trong gia tộc mà xưng hô cho phải. Qua đó giáo dục nét đẹp truyền thống dòng tộc để mà tự hào, gìn giữ và phát huy.
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ