Tảo hôn và hệ lụy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 1,5 triệu người. Do còn hạn chế về nhận thức, ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tình trạng người vị thành niên, chưa đến tuổi kết hôn đã về ở với nhau, sinh con, gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.
Gia đình H’Đưng, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, sống trong căn nhà sàn sập sệ, chật chội mượn tạm của làng.
Gia đình H’Đưng, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, sống trong căn nhà sàn sập sệ, chật chội mượn tạm của làng.
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Gia Lai đã triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2020”. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc nhưng tảo hôn vẫn là vấn đề nhức nhối, chưa tìm được hướng giải quyết triệt để.
Những hệ lụy
Năm 2017, tỉnh Gia Lai có gần 1.400 cặp nam, nữ tảo hôn, trong đó 97% là người dân tộc thiểu số và đều nằm trong danh sách hộ nghèo của địa phương. “Tảo hôn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai”– ông Kapa Đô, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết.
Huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai là địa phương có 64% dân số là người Jrai. Riêng năm 2017 địa phương này có đến 215 cặp tảo hôn là những đôi nam nữ đang độ tuổi đến trường, chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần đã làm cha, làm mẹ ở tuổi 14 - 15. Theo luật pháp, chưa đủ tuổi kết hôn sẽ không được đăng ký kết hôn và không thể tách hộ, vì vậy hầu hết các cặp tảo hôn này đều sống chung với cha, mẹ, làm tăng thêm gánh nặng cho gia đình.
Rcăm H’Đưng (sinh năm 2003) ở buôn Ơi Khăm, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa vừa mới sinh con chưa tròn tháng. H’Đưng là người dân tộc Jrai, em “bắt chồng” khi mới 14 tuổi. Rơ Ô Chương (chồng của H’Đưng) cũng chỉ mới 17 tuổi.
Các thành viên trong gia đình H’Đưng không thể giao tiếp bằng tiếng Kinh, chúng tôi phải nhờ cộng tác viên dân số phiên dịch giúp. Dưới ánh sáng lờ mờ của chiếc bóng đèn duy nhất trong căn nhà sàn ọp ẹp, H’Đưng quệt nước mắt kể cho chúng tôi nghe về gia cảnh nghèo khó. Không được đến trường, những ngày đi làm rẫy thuê, H’Đưng “ưng” Rơ Ô Chương. Không có tiền làm đám cưới, hai người dắt nhau về ở trong căn nhà của mẹ H’Đưng. Khó khăn chồng chất khó khăn khi vợ chồng không có việc làm, bữa đói, bữa no, H’Đưng sinh non ở tháng thứ 7, phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện, đứa trẻ sinh ra chỉ được hơn 2kg. H’Đưng cũng chưa biết lấy gì nuôi con trong những ngày tháng sắp đến.
Điều đáng nói ở đây là không chỉ H’Đưng mới lấy chồng khi ở tuổi thiếu niên mà trước đó mẹ H’Đưng cũng “bắt chồng” năm 14 tuổi và có 3 người con. Chị của H’Đưng là Rcăm H’Mưng, cũng lấy chồng năm 15 tuổi. Do sức khỏe yếu, H’Mưng đã bị sẩy thai ở tháng thứ 5. Đại gia đình của H’Đưng gồm 9 người ở chung trong căn nhà sàn khoảng chừng 40 m2 mượn của người bà con. Gia đình không có đất ở, chỉ có 1 sào đất trồng sắn. Mùa nương rẫy, cả gia đình tập trung đi cày thuê, cuốc mướn, đến lúc nông nhàn, nhiều ngày đại gia đình H’Đưng phải nhịn đói.
Xã Chư Gu, huyện Krông Pa có đến 40 cặp tảo hôn trong năm 2017, đây là số liệu thống kê chưa chính xác vì nhiều cặp lấy nhau rồi sinh con và ở luôn trên rừng, rẫy. Chẳng hạn các trường hợp, Rơ Ô H’Ngọc, sinh năm 2001, đang học lớp 9 đã bỏ học lấy chồng, đến nay em đã có con 3 tuổi. Đứa bé đau ốm liên tục và gia đình phải bỏ tiền chạy chữa nhiều tuyến bệnh viện bởi đứa trẻ chưa có giấy khai sinh nên không được hưởng các trợ cấp xã hội như các em khác.
Ksor H’Ben, sinh năm 2000, trú tại làng Chơ Bạng, xã Chư Gu, đang học lớp 11 đã nghỉ học “bắt chồng”. H’Ben cho biết em lấy chồng để có thêm người làm rẫy trong mùa mì sắp tới. Gia đình H’Ben đông con, thuộc hộ đặc biệt khó khăn của xã, 11 người sống trong căn nhà sàn cũ kĩ, ọp ẹp, phía trên dùng để ngủ, nấu nướng phía dưới chân nhà sàn. Gia cảnh nhà H’Ben rất nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc cứ bám riết từ đời này qua đời khác.
Tảo hôn dẫn đến nghèo đói, thất học, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và các mối quan hệ xã hội. Tảo hôn, sinh con sớm làm tăng gấp 2 lần tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, biểu hiện ở thiếu cân và thấp còi; tăng tỉ lệ tử vong ở nhóm trẻ em từ 1 - 5 tuổi; tăng tỉ lệ tử vong của các bà mẹ mang thai sớm (cao gấp 5 lần) so với những người mẹ trên 20 tuổi.
Tảo hôn cũng khiến khả năng kiếm sống hoặc đóng góp về kinh tế cho gia đình của mỗi thành viên trong gia đình là rất thấp, dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng tăng cao, là gánh nặng cho xã hội. Mặt khác, phần lớn các đôi vợ chồng tảo hôn còn thiếu kiến thức xã hội, thường rơi vào cảnh nghèo túng, nhiều đôi đã tan vỡ hạnh phúc.
Còn khó khăn trong tuyên truyền, vận động
Ngăn chặn tảo hôn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết: Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tác hại của tảo hôn trong khối các trường học đặc biệt là với học sinh khối Trung học cơ sở. Theo đó, cán bộ, giáo viên ở những trường có nhiều học sinh dân tộc thiểu số thường xuyên tổ chức tuyên truyền trong các buổi chào cờ đầu tuần, hoạt động ngoại khóa, tọa đàm, thảo luận về việc bài trừ nạn tảo hôn. Các trường cũng tổ chức các cuộc thi viết, hái hoa dân chủ, biểu diễn tiểu phẩm … phản ánh hệ lụy, hậu quả do tảo hôn gây ra. Nhiều trường học đã tích hợp, lồng ghép vào chương trình dạy chính khóa ở các môn Sinh học, Đạo đức, Giáo dục công dân, Địa lý với việc giáo dục, ngăn ngừa tình trạng tảo hôn trong học sinh.
Huyện Kông Chro là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai, có trên 10.000 hộ dân, trong đó, số hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 50%, chủ yếu là người dân tộc Bahnar. Tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS còn phổ biến bởi công tác tuyên truyền ở đây gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của những quan niệm lạc hậu, chế độ mẫu hệ, tục nối dây, tục hứa hôn, nội hôn tộc người, ngoại hôn dòng họ tính theo họ mẹ. Đối với họ, việc bỏ tiền ra cưới vợ gả chồng sớm cho con cái cũng đồng nghĩa với việc trong nhà sẽ có thêm người, thêm lao động để làm nương, làm rẫy. Do vậy, những chính sách tuyên truyền của địa phương chưa đạt được hiệu quả.
Công tác tuyên truyền ngăn chặn tình trạng tảo hôn được các địa phương tích cực lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch làm việc. Tuy nhiên, do thiếu nguồn kinh phí triển khai thực hiện các hoạt động đến cơ sở và do trình độ dân trí, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao.
Chị A Lê H’Bát, cộng tác viên dân số xã Đất Bằng, huyện Krông Pa chia sẻ: Để người dân hiểu tảo hôn là trái pháp luật và gây nhiều hệ lụy cho chính bản thân, gia đình, xã hội là cả một vấn đề nan giải. Mặc dù là người địa phương nhưng khi đi vận động, tuyên truyền, chị thường bị bà con xa lánh.
Già Ksor Bring, già làng Chơ Bạng, xã Chư Gu cho hay, ông thường xuyên tổ chức họp thôn, tuyên truyền vận động bà con chấp hành pháp luật về hôn nhân và gia đình, trong đó đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền thanh niên trong làng không lấy nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn. Mặc dù vậy, khi các cặp nam nữ lấy nhau, họ đến báo cáo là thương nhau muốn về ở chung, già làng cũng không nỡ... cấm đoán.
Tỉnh Gia Lai hiện có gần 50.000 hộ nghèo là đồng bào DTTS, chiếm trên 85% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số đang là tình trạng nhức nhối ở nhiều địa phương của tỉnh Gia Lai. Để ngăn chặn tình trạng này cần sự chung tay, nỗ lực hơn nữa của các cấp, các ngành.
Hồng Điệp (Đại Đoàn Kết)

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.