Tảo hôn: Hối hận muộn màng của cô gái trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xã Ia Kly (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) chỉ cách trung tâm huyện khoảng 4 km nhưng luôn là điểm nóng của tình trạng tảo hôn. Thực trạng này nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ mang đến nhiều hệ lụy về sau.

Dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt non nớt nhưng Siu M. (15 tuổi, làng Pó, xã Ia Kly) lấy chồng sinh con được hơn 1 tháng. Đến nay, bước sang tuổi 15, khi bạn bè đồng trang lứa vẫn đang cắp sách đến trường, được vui chơi, thì em M. lại bó cuộc đời mình vào việc chăm sóc con cái, gia đình.

Vấn nạn tảo hôn vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của đói nghèo, thất học, suy giảm chất lượng dân số… cần phải xóa bỏ, đẩy lùi. Ảnh minh họa: Ngọc Duy

Vấn nạn tảo hôn vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của đói nghèo, thất học, suy giảm chất lượng dân số… cần phải xóa bỏ, đẩy lùi. Ảnh minh họa: Ngọc Duy

“Em vừa học xong lớp 8 thì nghỉ học và lấy chồng sau thời gian ngắn quen qua mạng xã hội. Nhiều bạn bè cùng tuổi với em cũng đã nghỉ học và lấy chồng, lấy vợ rồi”-M. chia sẻ.

Em M. tâm sự, ngày trước, hai đứa tự đến với nhau chứ gia đình không ép buộc, khi nghỉ học và lấy chồng, thầy cô, bạn bè khuyên can rất nhiều nhưng lúc đó em không nghe theo.

Mặc dù, M. đã “bắt chồng” nhưng vẫn sống nhờ vào cha mẹ mình vì không có điều kiện ra ở riêng. Cô gái 15 tuổi này không có kiến thức, kỹ năng chăm sóc con nên mọi công việc trông con, chăm lo gia đình đều do mẹ của M. lo liệu.

Em M.-trải lòng: “Chồng không nghề nghiệp, ai thuê gì làm nấy nên trong quá trình mang bầu em vẫn phải đi làm, mệt mỏi, không ai có thể chia sẻ được nỗi khổ đó. Khi sinh con ra, em phải chăm con cả đêm, không có kinh tế để lo, con mình thiếu thốn so với mọi người… Dạo gần đây, em và chồng thường xuyên cãi nhau vì không có tiền nuôi con, con thường xuyên bị đau ốm”.

Mẹ của M. là chị Siu Klách (31 tuổi) cũng lấy chồng từ rất sớm, năm 16 tuổi. Hiện vợ chồng chị đã có với nhau 3 người con, đứa đầu vừa lấy chồng năm 2023, còn đứa nhỏ nhất được 1 tuổi. Gia đình thuộc thuộc diện khó khăn của địa phương.

“Tôi có nói với con M. đừng có lấy chồng sớm như mẹ không chỉ khổ mà còn vi phạm pháp luật, nhưng nó không nghe, còn dọa tôi nếu không cho cưới sẽ bỏ nhà đi. Tôi đành chấp nhận ý của con, nếu không thì nó đi chơi với bạn bè rồi có bầu, đẻ con lại bị người xung quanh gièm pha”-chị Klách nói.

Trường hợp của M. không phải là câu chuyện cá biệt ở địa phương. Cô bé Siu H. (16 tuổi, làng Pó, xã Ia Kly) lấy chồng sinh con khi vừa bước sang tuổi 17.

Cô gái trẻ hối hận khi làm mẹ ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Ảnh: Đồng Lai

Cô gái trẻ hối hận khi làm mẹ ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Ảnh: Đồng Lai

Khi đang học lớp 11 thì cô gái người Jrai này phát hiện mang thai với người yêu cùng lớp. Sợ bị thầy cô, bạn bè bàn tán nên đã nghỉ học và được hai bên gia đình tổ chức đám cưới cuối năm 2023. Mặc dù chính quyền đã đến khuyên ngăn nhưng “gạo đã nấu thành cơm” và tư tưởng “không cho mình cũng lấy”.

“Em vừa thi giữa học kỳ 1 của lớp 11 thì biết tin bản thân đang mang thai, lúc này, em rất buồn, lo lắng và tự trách bản thân nhiều lắm. Bản thân không đủ can đảm để quay lại lớp học, không dám tiếp tục ước mơ con chữ, sợ bị mọi người bàn tán vì không biết giữ mình... Đặc biệt, em cũng ý thức được khi sinh con ở độ tuổi này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của cả mẹ và bé”-em H. tâm sự.

Được biết, em H. là một học sinh ngoan ngoãn, học giỏi và xinh đẹp được thầy cô và bạn bè yêu mến. Nhưng giờ đây, con đường học vấn của em đành khép lại, đánh mất tuổi học trò, chia xa thầy cô bạn bè... trong sự tiếc nuối muộn màng. Đó là những gì các em phải gánh chịu, còn cha mẹ thì tủi hờn mà chấp nhận nuôi cháu.

M. và H. chỉ là 2 trong rất nhiều những trường hợp hôn nhân “trẻ con” hình thành theo kiểu cưới trước, khi nào đủ tuổi quy định thì đi đăng ký kết hôn, diễn ra ở một số thôn, làng tại xã Ia Kly.

Theo thống kê của UBND xã Ia Kly, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn có 35 cặp tảo hôn đều là người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ tảo hôn còn cao, là do ảnh hưởng của tập tục lạc hậu và nhận thức của các bạn trẻ rất hạn chế.

Toàn xã có gần 90% là người dân tộc thiểu số, đa phần sinh sống bằng nghề phát nương làm rẫy, chăn nuôi với trình độ dân trí thấp.

Chị Rơ Lan H’Blách-Bí thư đoàn xã Ia Kly-cho biết: “Do ảnh hưởng của những tập tục lạc hậu như bố mẹ không có người đi làm nên các em nhỏ phải lấy chồng sớm để có nguồn lao động cho gia đình. Bên cạnh đó, kiến thức về pháp luật hầu như rất hạn chế nên việc sa ngã, vi phạm luật hôn nhân gia đình hay ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản là điều không tránh khỏi. Đặc biệt, sự tác động của mạng xã hội làm các em yêu đương và sống thử; nhiều trường hợp, bố mẹ không mong muốn nhưng vẫn phải cho cưới vì lỡ có thai...”.

Được biết, mới đây, chính quyền xã Ia Kly đã kịp thời ngăn chặn và xử phạt một số trường hợp tảo hôn và xử lý những ông mai mối tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đủ tuổi kết hôn.

Tảo hôn không chỉ đẩy nhiều cô gái, chàng trai tuổi học sinh rơi vào cảnh đói nghèo, thất học, bệnh tật, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

Ông Phạm Xuân Luyện-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kly-cho rằng: “Trước tình trạng nạn tảo hôn vẫn tiếp tục xảy ra, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay vẫn là tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để bà con nhận thức và thay đổi lối suy nghĩ lạc hậu hiện tại.

Ngoài ra, nâng cao vai trò của già làng, ông mai mối, người có uy trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”.

Clip: Tảo hôn: Hối hận muộn màng của các cô gái trẻ. Thực hiện: Đồng Lai

Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, nam, nữ kết hôn phải tuân thủ các điều kiện sau đây:

- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

- Không bị mất năng lực hành vi dân sự.

Có thể bạn quan tâm

Dịp Giáng sinh năm nay, nhiều phụ huynh tranh thủ dắt con cháu đến các nhà thờ trên địa bàn thành phố để tham quan, chụp ảnh kỷ niệm”. Ảnh: Lạc Hà

Người dân Gia Lai nô nức đón Giáng sinh

(GLO)- Tối 24-12, người dân khắp nơi trên địa bàn tỉnh Gia Lai xúng xính trong áo ấm, khăn choàng, nô nức xuống đường tận hưởng không khí Giáng sinh. Đêm Noel, các nhà thờ, xóm đạo trở nên lung linh hơn trong ánh điện, rộn rã với nhiều hoạt động mừng Chúa giáng trần.