Tặng vật của sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

An Khê - thảo nguyên mênh mông của sông Ba ở vùng cận thượng nguồn là nơi những người miền xuôi đến khai khẩn, mở ra sự sống chung giữa người miền xuôi và miền ngược từ rất sớm.

Một ngôi làng trù phú nằm ven sông Ba
Một ngôi làng trù phú nằm ven sông Ba


Chính nhờ vậy mà Tây Sơn tam kiệt - Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ - đã chọn vùng đất trù phú nằm theo sông Ba dài hơn 50km này để đặt căn cứ tiền khởi nghĩa.

Thảo nguyên trù phú

Trải mình qua những lũng sâu vực thẳm giữa núi rừng trập trùng ở đoạn thượng nguồn, khi đến An Khê - một thị xã cao nguyên ở phía đông bắc của tỉnh Gia Lai tiếp giáp với miền xuôi, sông Ba đã mang hình vóc của một dòng sông lớn.

Cầu Sông Ba bắc qua quốc lộ 19 ở An Khê là cây cầu kiên cố đầu tiên được người Pháp cho xây dựng ở đoạn sông Ba cận thượng nguồn này.

Từ cầu Sông Ba nhìn ra bốn phía thấy dòng sông ở đây như một cánh cửa mở ra một châu thổ cao nguyên, bao gồm cả An Khê và hơn phân nửa đất đai phía nam huyện Kbang.

Và An Khê, theo những người ở thị xã này cho hay, trước đây là một huyện, trong đó gồm cả các huyện Kbang, Đak Pơ hiện nay. An Khê trù phú chính là món hồi môn, là tặng vật đầu tiên mà sông Ba trao tặng cư dân của nó khi dòng sông đến đây bắt đầu một dòng chảy phóng khoáng, bỏ lại phía sau những vực - ghềnh hiểm trở nơi thượng nguồn.

Và những ai từ vùng duyên hải, đồng bằng của tỉnh Bình Định, khi vượt khỏi con đèo An Khê dài, đẹp với cảnh quan hùng vĩ như một dấu nối, một cái bắt tay giữa Trường Sơn - Tây Nguyên với đồng bằng, sẽ rất ngỡ ngàng trước một thảo nguyên rộng bên một dòng sông lớn giữa vùng cao.

Cũng tại An Khê mới đây, các cuộc khai quật khảo cổ đã cho thấy có dấu tích rất sớm của người tiền sử.

Những ruộng đồng, biền bãi phì nhiêu của vùng đất này được bồi tụ bởi phù sa của sông Ba. “Đất đai ở đây tốt, lại lấy được nước sông hay khoan giếng bên bờ sông tưới nên năng suất cây lúa cây mía khá cao...”-già làng Bahnar Đinh Đi (ở làng Lợk) cho biết.

Ngày trước, khi thủy điện An Khê-Ka Nak chưa ngăn dòng, quanh năm sông Ba chảy ngang qua vùng đất An Khê luôn đầy ắp nước.

Lòng sông rộng, nước sạch, trong vắt, nơi mỗi chiều trên khắp các bến sông người ta gánh nước về làng nấu ăn, tắm giặt, những trảng cỏ quanh năm xanh mượt, dài tít tắp tạo nên những thảo nguyên hai bên bờ là một vùng đất bao la, màu mỡ, phì nhiêu và trù phú nhờ canh tác nông nghiệp và chăn thả đại gia súc.

An Khê có gần 10.000 ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng mía (khoảng 4.000 ha), trồng lúa (2.800 ha), còn lại là diện tích các loại rau xanh, hoa màu khác.

Đất đai lưu vực sông Ba màu mỡ nên năng suất mía tại đây đạt tới 100 tấn/ha, cao hơn từ 25-30 tấn/ha so với các vùng đất phía dưới đèo An khê thuộc Bình Định. Tương tự năng suất cây mía là bắp, mì và các loại đậu ở An Khê có năng suất rất cao.

Nguồn nước tưới như vô tận và phù sa bồi đắp đều đặn hằng năm hai bờ của dòng sông đã ban tặng cho An Khê những điều kiện quá nhiều thuận lợi để sớm trở thành một vùng thảo nguyên trù phú nhất nhì ở phía Đông Trường Sơn. Nhờ vậy, suốt hàng chục năm thời bao cấp, An Khê là địa chỉ cung cấp lương thực cho các địa phương khác ở Gia Lai và cho Bình Định.

Cho tới bây giờ, ngoài các sản phẩm nói trên, riêng các loại rau xanh, củ quả thì An Khê vẫn là nguồn cung cấp chính cho các tỉnh duyên hải miền Trung quanh năm.

 

Cầu Sông Ba bắc ngang dòng sông Ba chảy giữa thị xã An Khê
Cầu Sông Ba bắc ngang dòng sông Ba chảy giữa thị xã An Khê


Vùng đất cộng sinh

Chỉ cách Bình Định một đoạn đèo An Khê hơn 10 km, nên những cư dân người Kinh đầu tiên từ đồng bằng lên đây khẩn hoang lập ấp không có cảm giác xa cách quê nhà. Những con đường xuyên đèo dốc từ Bình Định dẫn đến vùng châu thổ cao nguyên với những buôn làng Bahnar rải rác bên sông Ba này được mở ra từ sớm để khởi đầu việc chung sống giữa người miền xuôi và miền ngược.

Vùng An Khê tức Tây Sơn thượng đạo trước là ấp Tây Sơn, là nơi tổ bốn đời của Tây Sơn tam kiệt đến khai lập.

Đọc lại những dòng lịch sử của Nhà Tây Sơn khi đến các xã Nghĩa An, xã Đông của Kbang và các xã Cửu An, Xuân An của An Khê thấy người Kinh cùng người Bahnar sống rất thuận thảo bên nhau. Người Kinh đã đến An Khê mở đất lập làng, cùng chung sống với người Ba Na rất sớm.

Có lẽ đất đai phì nhiêu, rộng rãi, nguồn lâm-thổ sản dồi dào, bên sông bên núi đã buộc bước chân của những người đi khai khẩn phải dừng lại nơi này.

Hơn 200 năm đã qua, cư dân Bahnar trong vùng vẫn còn giữ chuyện kể về Bok Nhạc (Nguyễn Nhạc) lấy bà Ya Đố của người Ba Na làm vợ. Bà Ya Đố với tước phong Cô Hầu, cách gọi ngôi vị vợ thứ của Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc.

Chủ tịch UBND xã Yang Nam Đinh Đêi cho biết: “Ở Yang Nam còn cái kho tiền, cái giếng nước, cái nền nhà của Bok Nhạc, nay là di tích quốc gia. Cán bộ mình luôn nhắc dân phải giữ gìn những cái di tích này...”.

Từ những móng nền của cuộc mở đất, của cuộc cộng cư người dân hai miền xuôi - ngược, An Khê đã sớm trở thành vùng đất phát triển nơi cửa ngõ đông bắc của đại cao nguyên Gia Lai.

“Từ thời Pháp thuộc, rồi đến thời tiếp theo An Khê đã là nơi thị tứ, thị trấn có đông người ở, rất phát đạt. Đến thời đất nước hòa bình, An Khê lại càng nhanh phát triển. Năm bảy năm trở lại đây An Khê đã thành thị xã, là đô thị cấp 4. Nhìn nay nhớ xưa, thấy biết ơn những lớp người đã sớm đến đây mở đất, mở ra sự kết đoàn giữa hai miền xuôi - ngược...” - một người dân cố cựu ở An Khê, nhà thơ Quốc Thành bày tỏ.

Không chỉ cung cấp nước tưới và bồi đắp phù sa, sông Ba còn cung cấp nguồn cá đá ngon tuyệt của vùng đất này. Nếu Sê San, Sêrêpôk có cá lăng, sông Trà nổi tiếng cá bống, sông Côn có cá niên thì sông Ba có cá đá. Tất nhiên, sông Ba khá phong phú nhiều loại cá ngon như cá roái, cá phá, cá nhao, cá chình bông, nhưng ngon nhất vẫn là cá đá.

Vừa giống cá bống vừa giống cá lúi ở đồng bằng, nhưng cá đá sông Ba do ở gần thượng nguồn, nhiều ghềnh thác nên thịt cá đá rất săn và thơm. An Khê tới giờ vẫn còn dấu tích một số làng chài ở An Xuyên ngay bên bờ sông, trong lòng thị xã.

Theo Tuoitre

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.