(GLO)- Thời gian qua, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) toàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ của người dân, hạn chế tối đa nguy cơ tai nạn.
Bên cạnh các yếu tố khách quan như hệ thống hạ tầng giao thông còn hạn chế; mật độ, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông, thì một phần nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do một bộ phận người tham gia giao thông không chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông Đường bộ. Tại một số địa phương, tình trạng người dân, đặc biệt là thanh-thiếu niên điều khiển xe máy khi đã uống rượu bia, điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm còn diễn ra phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn làm nhiều người chết và bị thương nặng trong thời gian qua.
Lãnh đạo Phòng CSGT và đại diện Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tặng quà cho bà con tại buổi tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ. Ảnh: H.T |
Bên cạnh đó, tình trạng người dân điều khiển xe công nông chở người, chạy trên các tuyến quốc lộ vi phạm Luật Giao thông Đường bộ vẫn còn diễn ra, gây nguy hiểm đến tính mạng của nhiều người. Trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe công nông. Điển hình là vụ tai nạn giao thông giữa xe công nông và xe tải tại xã Ia Khươl (huyện Chư Pah) vào ngày 27-11-2015 làm 5 người tử vong và 9 người bị thương. Trước đó, hơn 30 người dân tộc Bahnar ở xã Ayun (huyện Mang Yang) ngồi trên 1 chiếc xe công nông đi lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm người thân, khi xe đi đến đoạn xã Kdang (huyện Đak Đoa) thì bị lật. Hậu quả, 25 người ngồi trên xe công nông bị thương phải vào bệnh viện cấp cứu.
Để nâng cao hiểu biết về Luật Giao thông Đường bộ cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, chính quyền địa phương các cấp tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền với các hình thức phong phú như: chiếu các phóng sự có nội dung phản ánh thực trạng vi phạm Luật Giao thông Đường bộ ở các địa phương; dẫn chứng những vụ tai nạn nghiêm trọng tại các thôn, làng; phân tích rõ nguyên nhân tai nạn; hướng dẫn những quy định bắt buộc đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông… Đồng thời, lồng ghép các chương trình giao lưu văn nghệ, xây dựng các tình huống, câu hỏi để bà con tham gia trả lời và được tặng mũ bảo hiểm khi trả lời đúng. Những pa nô in hình ảnh các vụ tai nạn cũng được trưng bày để bà con nhận thấy hậu quả khôn lường xuất phát từ những hành vi vi phạm khi tham gia giao thông. Công an các địa phương cũng đã tranh thủ sự giúp đỡ của những người có uy tín, già làng, trưởng thôn, chức sắc, đồng thời phối hợp với chính quyền xã gọi hỏi, yêu cầu những thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm Luật Giao thông Đường bộ ký cam kết không tái phạm…
Song song với công tác tuyên truyền, lực lượng CSGT đã tăng cường tuần tra kiểm soát; phối hợp với Công an xã, tổ tự quản giao thông tuần tra tại các đường liên thôn, liên xã nhằm phát hiện, nhắc nhở và xử phạt đối với các trường hợp vi phạm. Trong đó, tập trung xử lý các lỗi như: không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe chạy lạng lách đánh võng, chở quá số người quy định, vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, điều khiển xe công nông, xe độ chế chở nhiều người, chạy trên quốc lộ, tỉnh lộ.
Từ đầu tháng 12-2016 đến nay, Phòng CSGT Công an tỉnh phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương tổ chức hơn 80 buổi tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thu hút hơn 25.000 lượt người tham dự. Phòng CSGT Công an tỉnh cũng đã tuần tra, phát hiện nhắc nhở hơn 3.500 trường hợp; lập biên bản xử phạt hơn 1.700 trường hợp người dân tộc thiểu số vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. |
Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh, bên cạnh việc tăng cường công tác tuần tra xử lý vi phạm, đơn vị đã xây dựng chương trình, kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ trong nhân dân. Trong đó, lực lượng CSGT Công an tỉnh phối hợp với Công an các địa phương tập trung tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đơn vị đã phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Phòng Công tác Chính trị Công an tỉnh xây dựng các phóng sự tuyên truyền bằng tiếng Jrai và Bahnar. Chúng tôi cũng chỉ đạo lực lượng CSGT các huyện thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để bà con nêu cao ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ, hạn chế tối đa tai nạn.
Hy vọng rằng, sự quyết tâm, cố gắng của lực lượng CSGT tỉnh cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp sẽ từng bước làm chuyển biến nhận thức của bà con khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Hữu Trường