Tăng cường đầu tư cho chế biến rau quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dư địa của ngành xuất khẩu rau quả, đặc biệt là hàng chế biến của Việt Nam, còn rất lớn khi rau quả nhiệt đới ngày càng "hút hàng" trên thế giới.



Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào mảng bảo quản, chế biến rau quả với mục tiêu đẩy giá trị xuất khẩu rau quả lên mức 8-10 tỉ USD vào năm 2030 từ mức 3,747 tỉ USD của năm 2019. Những nhà máy trong lĩnh vực này sẽ giúp giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm tỉ lệ hàng bán tươi và gia tăng giá trị cho ngành hàng rau quả.

Tăng trưởng liên tục

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (Đồng Nai), chuyên về chuối già, cho biết năm nay, hàng chế biến là "điểm sáng" của HTX, góp phần tăng doanh số cho HTX giữa bối cảnh khó khăn. "Khách hàng mua chuối tươi yêu cầu cao về hình thức, những quả nhỏ, cong hoặc vỏ có đốm đen sẽ bị loại. Dù ruột chuối vẫn đạt chất lượng nhưng nông dân phải đổ bỏ hoặc làm thức ăn cho gia súc. Từ khi có nhà máy, chuối này được thu mua với giá 2.000 đồng/kg để chế biến thành chuối sấy dẻo, chuối sấy giòn có giá trị cao xuất khẩu sang Hàn Quốc, Canada, châu Âu và bán nội địa, đem lại doanh thu khoảng 1 tỉ đồng/tháng cho HTX. Hàng chế biến tiêu thụ thường ổn định, không bấp bênh như hàng tươi, đặc biệt là áp lực bán nhanh" - ông Hùng nhìn nhận.

 

Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược của Tập đoàn TH vừa khánh thành tại Sơn La .Ảnh: MẠC HÓA
Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược của Tập đoàn TH vừa khánh thành tại Sơn La .Ảnh: MẠC HÓA


Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cũng thừa nhận năm nay xuất khẩu rau quả tươi sụt giảm rất mạnh do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng hàng chế biến lại tăng mạnh. "Công nghiệp chế biến đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng và an toàn cho người sử dụng, đặc biệt là thời hạn sử dụng lâu nên không bị ảnh hưởng nhiều khi chuỗi logistics bị đứt gãy. Do vậy, nhà nước thu hút đầu tư vào lĩnh vực này là hết sức đúng đắn. Vấn đề là, tuy rau quả Việt Nam rất phong phú nhưng chỉ có 18 mặt hàng xuất khẩu chủ lực được đầu tư khai thác lợi thế. Hơn nữa, quy hoạch vùng trồng gắn với nhà máy rất quan trọng để nông dân định hướng chuyển đổi cây trồng với những vùng đất lúa không hiệu quả" - ông Bình bày tỏ.

Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, do diễn biến của dịch Covid-19 phức tạp trở lại, nhiều thị trường đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế, qua đó sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau quả chế biến, vì vậy tăng trưởng xuất khẩu ở mảng này năm 2020 có thể lên đến 17% so với năm 2019. Dự báo như vậy là dựa trên thực tế 9 tháng năm 2020, ngành hàng này đã có kim ngạch xuất khẩu đạt 573,6 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ (trong khi toàn ngành rau quả xuất khẩu giảm 11,5% so với năm 2019, đạt 2,491 tỉ USD - PV). Những sản phẩm chế biến có kim ngạch xuất khẩu cao là chanh leo, xoài, ớt, dứa... đến các thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan...

Trước khi có dịch Covid-19, năm 2019, xuất khẩu rau quả tươi đã sụt giảm so với năm 2018, nguyên nhân là do nhiều nước nhập khẩu tăng cường các biện pháp kiểm dịch thực vật, cấp phép nhập khẩu từng loại quả tươi, quá trình đàm phán xuất khẩu chính ngạch một loại quả kéo dài... Trong khi đó, rau quả chế biến xuất khẩu đã tăng trưởng liên tục, từ mức 296,13 triệu USD năm 2015 lên 566,15 triệu USD năm 2019 (gần gấp 2 lần).

"Dư địa" còn rất lớn

Theo đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) dự thảo, đang được lấy ý kiến đóng góp trước khi trình Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030 sẽ xuất khẩu đạt 8-10 tỉ USD (năm 2018 đạt 3,81 tỉ USD). Trong đó, rau quả chế biến chiếm tỉ lệ 30% trở lên từ mức 15% năm 2019 (thế giới ở mức 24%). "Dư địa cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu rau quả còn rất lớn khi thương mại của ngành đang ở mức 300 tỉ USD/năm, gấp 10 lần ngành gạo và đang tiếp tục tăng trưởng. Trong khi đó, Việt Nam lại có lợi thế rất lớn ở ngành hàng này nhờ khí hậu nhiệt đới và rau quả đa dạng" - lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Cơ sở để Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu đưa tỉ lệ rau quả chế biến lên 30% trong cơ cấu xuất khẩu của ngành là dựa vào thực tế Việt Nam có hàng loạt nhà máy chế biến rau quả đã và đang xây dựng gần đây. Theo thống kê trong giai đoạn 2017-2019, cả nước có 8 nhà máy chế biến rau quả hiện đại với tổng vốn đầu tư 6.152 tỉ đồng, công suất 180.000 tấn sản phẩm/năm.

Hiện tổng công suất chế biến rau quả của Việt Nam ở mức 1,05 triệu tấn/năm; với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 20%/năm thì đến năm 2030, công suất chế biến của Việt Nam sẽ đạt 2 triệu tấn sản phẩm do các doanh nghiệp đang tăng cường đầu tư, mở rộng nhà máy chế biến nhằm đáp ứng thị trường tương ứng.

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành chế biến rau quả và xuất khẩu, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, cho rằng mục tiêu trên không khó để thực hiện khi rau quả nhiệt đới đang rất hút hàng trên thế giới và Việt Nam rất có lợi thế trong ngành hàng này.

"Vấn đề của ngành chế biến hiện nay chính là nguyên liệu đạt chất lượng, đặc biệt là chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm chế biến không thể làm mất đi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn tại trong quá trình canh tác, thậm chí hàm lượng còn cao hơn do sản phẩm được sấy, cô đặc... Vì vậy, điều quan trọng là kiểm soát khâu canh tác để có rau quả "sạch", dù bán tươi hay chế biến đều rất quan trọng. Có nhà máy chế biến ở ngay vùng nguyên liệu sẽ không còn lo cảnh "giải cứu nông sản" vì đã có nơi tiêu thụ với số lượng lớn. Để rau quả thu về 10 tỉ USD xuất khẩu, phải chuyển đổi canh tác "sạch", tạo điều kiện cho dân tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư vào nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân" - ông Viên kiến nghị.

Còn ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, đánh giá công nghệ bảo quản, kéo dài thời gian bán tươi cho sản phẩm cũng quan trọng không kém, giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm, tăng giá trị thương mại.

 


Nâng cấp hạ tầng, logistics

Hiện hạ tầng cho nông nghiệp vẫn còn lạc hậu nên tổn thất sau thu hoạch và chi phí logistics rất lớn, chiếm 20%-30%. Theo dự thảo đề án, Bộ Công Thương có nhiệm vụ phối hợp cùng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ NN-PTNT xây dựng đề án phát triển logistics trong lưu thông và tiêu thụ (nội địa và xuất khẩu) cho rau quả và các sản phẩm khác. Bộ Giao thông Vận tải chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn; ban hành chính sách hỗ trợ vận chuyển sản phẩm nông nghiệp nhằm giảm chi phí vận chuyển, logistics cho doanh nghiệp và người dân.


Theo NGỌC ÁNH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm