Tài xế trẻ Đắk Lắk giúp người lao động nghèo trở về quê

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những tài xế trẻ của nhóm SOS Buôn Ma Thuột đã tận tình hỗ trợ bà con người H’Mông đi xe đạp về quê bị gián đoạn do phải cách ly, điều trị Covid-19 tại Đắk Lắk.
Ngày 19.11, anh Đỗ Tuấn Anh (32 tuổi, một tài xế-thành viên nhóm SOS Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết anh cùng các đồng nghiệp vừa hỗ trợ và tiễn một nhóm 3 người H’Mông lên xe về quê Hà Giang sau khi họ hoàn thành cách ly, điều trị Covid-19 tại TP.Buôn Ma Thuột. Đây là đợt thứ 3 mà nhóm của anh Anh hỗ trợ những lao động người H’Mông gặp khó khăn có điều kiện về quê.
Hồi giữa tháng 10, qua mạng xã hội, anh nhận được thông tin có 13 người H’Mông đang cách ly, điều trị Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 1 (P.Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột) có hoàn cảnh rất khó khăn.

Nhóm SOS Buôn Ma Thuột tặng lộ phí cho nhóm lao động lên đường về Hà Giang. Ảnh: NVCC
Nhóm SOS Buôn Ma Thuột tặng lộ phí cho nhóm lao động lên đường về Hà Giang. Ảnh: NVCC
Trước đó, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cả 13 người này vốn là công nhân, lao động làm thuê từ Bình Dương cùng đi xe đạp dự định vượt hàng ngàn km về quê Hà Giang. Khi đến địa phận Đắk Lắk, ngành y tế xét nghiệm sàng lọc và phát hiện nhiều người trong nhóm dương tính với Covid-19 nên đưa vào bệnh viện cách ly, điều trị.
Biết được hoàn cảnh của họ, anh Tuấn Anh cùng các cộng sự đã lên kế hoạch, sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để giúp đỡ bà con về quê khi kết thúc cách ly, điều trị Covid-19.
Từ đầu tháng 11 đến nay, nhóm của anh đã hỗ trợ 3 đợt, với các hình thức như tìm nơi trọ qua đêm, kêu gọi nhà hảo tâm quyên góp lộ phí, liên hệ nhà xe đưa được 9 người trong số người H’Mông trên về quê.

Nhóm người H’Mông sau khi cách ly ở Buôn Ma Thuột được anh Tuấn Anh giúp thuê trọ trước khi về quê. Ảnh: NVCC
Nhóm người H’Mông sau khi cách ly ở Buôn Ma Thuột được anh Tuấn Anh giúp thuê trọ trước khi về quê. Ảnh: NVCC
Anh Tuấn Anh kể sau khi hết cách ly, hoàn cảnh của những người H’Mông rất đáng thương, có người còn vài trăm ngàn, có người thì không có đồng nào dằn túi.
“Nếu nhóm tôi không giúp thì không biết các bạn ấy sẽ xoay trở ra sao để về quê. Tuy nhiên, tôi nghĩ xã hội còn nhiều người tốt, Đắk Lắk cũng có nhiều nhóm hội thiện nguyện hoạt động tích cực, sẵn sàng hỗ trợ những người lao động nghèo có điều kiện về quê”, anh Anh chia sẻ.
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh tại Đắk Lắk diễn biến phức tạp, các nhà nghỉ, khách sạn đều không hoạt động. Do đó, khi những người H’Mông hoàn tất cách ly, điều trị Covid-19, nhóm của Tuấn Anh bươn bả tìm chỗ nghỉ ngơi qua đêm cho họ rồi lên mạng kêu gọi hỗ trợ, đồng thời liên hệ tìm nhà xe tin cậy để đưa họ về quê.
“Mỗi lần tiễn các bạn người H’Mông về quê, tôi đều thường xuyên gọi điện, nhắn tin để hỏi thăm hành trình. Trước khi họ lên xe, nhóm tôi đã mua thuốc chống say xe, dặn nhà xe lo cơm nước… Chúng tôi nghĩ mình giúp họ cũng như đang giúp người thân trong gia đình. Khi nào họ báo lại đã về đến nhà nhóm tôi mới yên tâm được”, Đỗ Tuấn Anh chia sẻ.
Tặng lại xe đạp cho trẻ em nghèo
Trao đổi qua điện thoại, anh Vàng Mí Pò (35 tuổi, quê Hà Giang) cho biết nhờ sự giúp đỡ của nhóm SOS Buôn Ma Thuột, hiện vợ chồng anh đã về đến Hà Giang. Anh Pò cho hay, trong hơn 1 tháng cách ly, điều trị Covid-19, anh được các bác sĩ, điều dưỡng tại Đắk Lắk quan tâm, động viên tinh thần.
Cảm động vì được nhóm SOS Buôn Ma Thuột giúp đỡ, anh Pò đã bàn bạc với cả nhóm, quyết định tặng lại 9 chiếc xe đạp của nhóm mình trước đó dùng để đạp về quê và nhờ nhóm SOS Buôn Ma Thuột trao tặng lại cho học sinh, trẻ em khó khăn trên địa bàn Đắk Lắk.

Các thành viên nhóm SOS Buôn Ma Thuột hỗ trợ phát nhu yếu phẩm cho người dân hồi hương tại chốt kiểm dịch Hòa Phú trên QL14. Ảnh: NVCC
Các thành viên nhóm SOS Buôn Ma Thuột hỗ trợ phát nhu yếu phẩm cho người dân hồi hương tại chốt kiểm dịch Hòa Phú trên QL14. Ảnh: NVCC
Còn chị Vừ Thị Dính (28 tuổi, quê Hà Giang, chung nhóm với anh Pò) chia sẻ, chiều 7.11, nhóm của chị có 3 người hết cách ly và được ra về trước. Ra khỏi cổng bệnh viện, cả nhóm chưa biết xoay sở thế nào để về quê vì cạn kiệt tiền bạc thì được nhóm SOS Buôn Ma Thuột đến hỗ trợ, đón về ở phòng trọ và liên hệ xe đưa về Hà Giang.
Chị Dính chia sẻ: “Nhóm em đều làm công dân ở Bình Dương. Vì không thể cầm cự và cạn tiền nên quyết định đi xe đạp về quê và phải cách ly tại Đắk Lắk. Khi ra viện, chúng em lo lắm vì không còn tiền nhưng rất may được các anh chị ở Đắk Lắk giúp đỡ nên mới có điều kiện về quê”.

Nhóm SOS Buôn Ma Thuột hỗ trợ vá xe cho người dân. Ảnh: NVCC
Nhóm SOS Buôn Ma Thuột hỗ trợ vá xe cho người dân. Ảnh: NVCC
Theo Tuấn Anh, hiện anh đang là lái xe giao hàng tại TP.Buôn Ma Thuột và một số huyện trên địa bàn Đắk Lắk. Nhóm SOS Buôn Ma Thuột được anh và một số thành viên là tài xế xe tải, xe ôm công nghệ lập ra cuối năm 2019. Nhóm tự bỏ tiền túi để sửa xe, vá lốp, thay ruột giúp đỡ bà con khi gặp sự cố lúc đêm khuya trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột và một số điểm lân cận.
Trước đây, nhóm có khoảng 20 thành viên, nhưng do dịch bệnh hoành hành, một số tài xế thất nghiệp, chuyển hướng khác để mưu sinh nên không tham gia được.
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, ngoài việc sửa xe vá lốp giúp người đi đường, nhóm SOS Buôn Ma Thuột còn tham gia hỗ trợ đón công dân các tỉnh phía nam về quê, phát nhu yếu phẩm cho bà con dọc đường. Khi nhận thấy có nhiều hoàn cảnh gặp khó vì Covid-19, nhóm SOS cũng lập ra tài khoản để quyên góp, mua nhu yếu phẩm giúp đỡ bà con…
Theo Trung Chuyên - Hoàng Bình (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.