Sự việc nhận tiền chạy việc của hiệu trưởng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại phiên tòa, Huỳnh Bê khai trong số tiền chiếm đoạt được, bị cáo đã lấy khoảng 1 tỷ đồng tiêu xài cá nhân.
Vụ việc bắt đầu từ năm 2012 đến 2017, dư luận trong các giáo viên hợp đồng ở xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk rỉ tai nhau chuyện ông Huỳnh Bê có nhiều hành vi mờ ám. Trao đổi với phóng viên, bà Chu Thị Long (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết gia đình bà có nhu cầu xin việc cho con. Biết được việc này, ông Huỳnh Bê, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây đã tiếp cận gia đình bà. Ông Bê khẳng định quen nhiều, biết rộng và đưa ra lời hứa sẽ xin được việc với mức giá 300 triệu đồng. Ông Huỳnh Bê nhận tiền và viết lại “Giấy nhận tiền để xin việc".
 
Trường THCS Ngô Mây nơi xảy ra sự việc
Bà Chu Thị Long kể lại: Ông Huỳnh Bê có nhận của tôi 300 triệu đồng để xin việc cho con tôi ở Trường cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, hứa sau 1 tháng là cháu sẽ được đi làm. Ông Huỳnh Bê nói là có quen với ông Năm, Phó phòng Tổ chức Trường cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Ông Huỳnh Bê cũng có cho tôi gặp ông Năm này và hứa hẹn xin vào phòng Tổ chức trước, sau một thời gian thì sẽ cho đi dạy, nhưng đến giờ thì không được.
Thời điểm đó, chị Nguyễn Thị Thùy Dung ở xã Ea Kênh (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cũng là một trong nhiều nạn nhân bị ông Huỳnh Bê lừa. Theo phản ánh của chị Dung, từ tháng 3/2014, ông Bê đã hai lần lấy của chị 70 triệu đồng để ký hợp đồng cho chị vào làm nhân viên thiết bị tại Trường THCS Ngô Mây. Sau khi ông Huỳnh Bê nhận tiền, chị vẫn là nhân viên hợp đồng của trường với mức lương ban đầu là 2,6 triệu đồng. Tuy nhiên, những tháng sau đó, mức lương này liên tục bị giảm dần.
 
Bà Long phản ánh với phóng viên
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung cho hay do ông huỳnh Bê quen biết với chị Dung rồi gợi mở câu chuyện hứa hẹn xin việc và nói đưa số tiền 70 triệu cho ông để xin việc và ký hợp đồng dài hạn. Tuy nhiên, vì không được ký hợp đồng dài hạn, lương bị giảm, đi làm xa, tiền lương không đủ chi phí xăng xe đi lại nên buộc chị phải xin nghỉ dạy. Sau đó, chị có đến nhà ông Huỳnh Bê để đòi tiền lại nhưng không được.
 
Công an huyện Krông Pắk đọc lệnh bắt Huỳnh Bê
Không chỉ chị Dung, mà còn nhiều cô giáo hợp đồng khác cũng đã tố cáo những hành vi nhận tiền của hiệu trưởng Huỳnh Bê. Và Công an huyện Krông Pắk đã khởi tố, điều tra, bắt tạm giam ông Huỳnh Bê để điều tra. Quá trình điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sau đó đã làm rõ: mặc dù không có khả năng xin việc làm, không có chức năng quyết định thi tuyển, xét tuyển giáo viên, nhưng bị cáo Huỳnh Bê vẫn đưa ra thông tin gian dối là xin được các suất vào làm việc tại Trường cao đẳng Sư phạm tỉnh Đắk Lắk và xin vào biên chế giáo viên trên địa bàn huyện Krông Pắk. Với thủ đoạn đó, từ năm 2012 đến 2017, Huỳnh Bê đã nhận tiền của 14 người, chiếm đoạt tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Khi nhận tiền, Huỳnh Bê đều có ghi lại “Giấy mượn tiền” để tạo niềm tin cho những người mình nhận xin việc. Sau đó, một số suất thì Huỳnh Bê tự ý ký hợp đồng tiếp nhận họ vào dạy tại Trường THCS Ngô Mây mà không thông qua hội đồng của nhà trường và cũng không được Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk ban hành quyết định tuyển dụng.
Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa xét xử sơ thẩm vụ án ông Huỳnh Bê, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) nhận tiền chạy việc. 
 
Bị cáo Huỳnh Bê tại phiên tòa xét xử
Tại phiên tòa, Huỳnh Bê khai trong số tiền chiếm đoạt được, bị cáo đã lấy khoảng 1 tỷ đồng tiêu xài cá nhân. Số tiền còn lại, Bê đưa cho một số cán bộ ở tỉnh và huyện để nhờ chạy việc. Tuy nhiên, bị cáo Huỳnh Bê không cung cấp được bằng chứng thể hiện việc giao nhận tiền. Qua đối chất thì những người Bê khai cũng không thừa nhận việc nhận tiền, nên không có căn cứ xử lý. Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt Huỳnh Bê 14 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời buộc bị cáo phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt lại cho các bị hại.
 Quốc Hùng-Quốc Dũng (KTNT)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.