Sống thử và trách nhiệm thật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
“Ngày mai ba mẹ anh ngoài quê vào thăm, em dọn đồ qua bạn ở tạm chừng 2-3 ngày nhé. Ba mẹ thấy 2 đứa sống chung cùng nhà trọ kiểu gì cũng không bằng lòng, rồi nghĩ sai về em”, Q. nói với L. và cô đồng ý. Bởi L. hiểu rất rõ, dù bây giờ nhiều người đã nghĩ thoáng về sống thử, nhưng việc giữ gìn hình ảnh với ba mẹ người yêu trước khi cưới vẫn rất quan trọng.
Sống chung không còn lạ
Sống chung hay còn gọi là sống thử trước khi kết hôn không còn lạ lẫm trong giới trẻ hiện nay. Tốt nghiệp cao đẳng, chọn công việc vận chuyển hàng hóa cho một siêu thị tại quận 2, TPHCM, dù mức lương không cao nhưng L.T.Q. (28 tuổi, quê Kon Tum) cũng được xem là có công việc khá ổn định. Q. cùng bạn gái N.T.T.L. (26 tuổi, quê Ninh Thuận) dọn về ở chung phòng trọ tại một con hẻm trên đường Tăng Nhơn Phú (quận 9, TPHCM) sau một năm yêu nhau.
Nói về việc sống chung cùng người yêu, L. chia sẻ: “Thật ra, ban đầu mình cũng không nghĩ sẽ dọn về sống chung, nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, mình trả phòng trọ cũ, dọn qua ở với người yêu. Hai đứa mình yêu nhau thật lòng, cũng tính chuyện gắn bó lâu dài, chứ không phải chỉ là góp gạo thổi cơm chung dăm bữa nửa tháng như kiểu mấy em sinh viên. Đây là chuyện riêng của 2 đứa mình và tụi mình cũng trưởng thành rồi, hoàn toàn có thể chịu trách nhiệm được nên không có gì là quá ghê gớm”. Tuy vậy L. kể, khi ba mẹ của ai vào thăm thì người còn lại cũng biết đường né mặt, vì sợ người lớn lo lắng, suy nghĩ khác đi về mình. 
Yêu nhau từ thời sinh viên, đến khi ra trường đi làm có công ăn việc làm ổn định và dư dả chút đỉnh, N.Q.T. (30 tuổi, quê Tiền Giang) và bạn gái T.N.A. (29 tuổi, quê Bình Dương) quyết định hùn tiền mua một căn chung cư ở quận 9 và ở với nhau hơn 2 năm nay.
Đương nhiên, cuộc sống của cả hai là thật trong thử, hoàn toàn giống như các cặp vợ chồng. Đi làm về thì nấu ăn cùng, chia sẻ việc nhà và thậm chí là quan hệ tình dục trước hôn nhân. Gần đây, T. và A. đều đã ra mắt hai bên gia đình và tính làm đám cưới.
Tuy nhiên, trong 2 tháng trở lại đây, A. phát hiện người yêu dẫn bạn khác giới về ở lại căn hộ qua đêm lúc cô vắng nhà, và khi lục xem tin nhắn người yêu, cô phát hiện anh nhắn tin yêu đương tình cảm với 2-3 người khác nữa. A. thất vọng, sụp đổ và xảy ra cãi vã, xung đột đến mức T. phải dọn ra ngoài sống một tháng. Sau đó, vì đã lỡ sống thử với người yêu, vì quá yêu và không muốn bắt đầu lại từ đầu với người khác, A. bỏ qua cho T. để về lại sống chung. Cả hai vẫn quyết định sẽ làm đám cưới trong tương lai.
“Là bạn thân của A., biết chuyện của hai người ấy, tôi từng khuyên bạn nên chia tay và làm lại từ đầu. Vì chỉ sống thử đã phát hiện người yêu có quá nhiều điểm bất đồng, lại còn lăng nhăng thì cưới về sẽ còn như thế nào?”, chị Nguyễn Thị Mai, bạn của A., chia sẻ.
Mất nhiều hơn được
Sống thử luôn là chủ đề nóng trong những cuộc tranh luận trên diễn đàn của giới trẻ. Đã có không ít người thẳng thắn cho rằng, không cần lo “vẽ đường cho hươu chạy” nữa, bởi sự thật “hươu” trước sau gì cũng chạy, dù có đường hay không. Cứ đặt mình vào vị trí của người trẻ và thử xem thế giới của họ như thế nào, điều gì họ quan tâm, điều gì họ bỏ ngoài tai... thì sẽ biết những câu chuyện kiểu sống thử mất nhiều hơn được, sống thử không bền như cuộc sống vợ chồng, vẫn chưa thể trở thành tiếng chuông cảnh báo khiến họ quan tâm.
Bởi lẽ, cái gì càng cấm người ta càng lao vào. Và thực tế, hiện nay tại các khu nhà trọ công nhân, sinh viên và thanh niên, hằng hà sa số các cặp đôi đã rủ nhau “ăn chung mâm, ngủ chung giường”, bất chấp những hậu quả đã từng được nêu ra, bất chấp cha mẹ có giận dữ. 
Hôn nhân nên là đích đến của các bạn trẻ thay vì sống thử
Hôn nhân nên là đích đến của các bạn trẻ thay vì sống thử
Là một người đã từng sống thử và sau đó kết hôn được 4 năm, chị Nguyễn Thị Hương (29 tuổi, hiện đanh kinh doanh trang phục tại Bình Dương) khẳng định, vẫn ủng hộ quan điểm sống thử.
Chị Hương nói: “Trước đây nhiều năm, việc nam nữ ở cùng nhà trước khi kết hôn là điều cấm kỵ. Nhưng bây giờ khác rồi, chuyện cấm đoán không còn hiệu quả. Riêng chuyện của tôi, tôi chưa hề hối hận khi sống chung với người yêu, bởi đó là người mình thật sự tin tưởng, tôn trọng và muốn yêu thương lâu dài. Một năm sống chung trước khi kết hôn chính thức là những ngày hạnh phúc, vì chúng tôi kết nối và có sự chia sẻ sâu sắc hơn. Tôi tin rằng, về bản chất, quan hệ trước hay sau hôn nhân quan trọng là giữa 2 người có thật sự đồng cảm, yêu thương nhau và có trách nhiệm, biết giữ lửa tình yêu sau ngày cưới”.
Tuy nhiên, ở góc ngược lại, anh Huỳnh Tấn Kiệt (36 tuổi, sống ở chung cư Tân Hương, quận Tân Phú, TPHCM) không đồng tình với sống thử. Anh chia sẻ quan điểm: “Tôi đã từng chứng kiến nhiều bạn trẻ, nhất là sinh viên sống thử, rõ ràng chuyện học tập sa sút, họ mất đi sự hồn nhiên trong sáng, thường xuyên rơi vào stress… Khi nghề nghiệp chưa ổn định thì cái kết là một cuộc hôn nhân sau tháng ngày sống thử càng mong manh hơn. Và phần lớn, như tôi thấy, chủ yếu các bạn trẻ muốn thỏa mãn về sinh lý. Còn lại là biện minh”.
Chị Dương Thị Thanh Hiền (42 tuổi, sống tại khu phố 3, Linh Trung, Thủ Đức) cũng nhận định: “Hầu hết sống thử trước hôn nhân sẽ khó có thể bước tới hôn nhân bền vững khi cứ muốn tìm hiểu thật kỹ, bởi đơn giản là cuộc sống khó có ai hoàn hảo. Chén dĩa chung mâm còn xô nhau, huống gì là 2 con người với 2 tính cách. Và con người chứ không phải cái áo, đôi giày mà thử hoài, thử xong không được thì vứt đi? Sống chung trước khi kết hôn tôi nghĩ chỉ nên dành cho người đã ly hôn”.
Sống chung với nhau vẫn là câu chuyện riêng và quyền cá nhân mỗi người. Và dù thế nào, cũng không nên xem đó là một trào lưu để thử, trải nghiệm khi tuổi đời còn quá trẻ, khi chưa có công việc ổn định cũng như có một tâm thế nghiêm túc với nửa kia.
Theo CA DAO (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.