(GLO)- Những trái cam chín mọng, ngon ngọt đang được nhiều hộ nông dân tại xã Sơn Lang (huyện Kbang) là thành quả của người dân địa phương đã trồng cam theo đúng quy trình VietGAP, tạo sản phẩm sạch đã mang lại thu nhập cao, lãi suất hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Trần Công Lâm chăm sóc những trái cám chín vàng mọng. Ảnh: Ngọc Thu |
Nằm lọt thỏm giữa núi đồi trùng điệp là vườn cam của ông Trần Công Lâm (thôn 1, xã Sơn Lang, huyện Kbang) với những cây trái sai trĩu quả. Năm 1993, giống cam được ông Lâm mang từ Bắc Giang về trồng thử nghiệm trong vườn nhà đã cho năng suất, chất lượng không thua kém so với ở vùng bản xứ. Nắm bắt được hiệu quả cây trồng, ông Lâm đã mạnh dạn đầu tư 2 ha gồm 600 cây cam và quýt.
Không phụ người trồng, tới mùa thu hoạch, từng cây chín vàng cho trái sai trĩu. Mỗi cây ước chừng cho 30 kg trái. Thương lái từ các huyện lân cận và các tỉnh như Bình Định, Đà Nẵng, Kon Tum tới thu mua nhộn nhịp, trái ra đến đâu được thương lái mua hết đến đó. Với giá hiện nay khoảng 40-50.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình ông Lâm thu về gần 1 tỷ đồng. Để trái cam đảm bảo chất lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, ông Lâm chia sẻ: “Tôi tìm hiểu cách trồng cam sạch theo tiêu chuẩn VietGAP từ sách, báo, từ các nhà vườn khác để trái cam cam vừa cho năng suất, vừa đảm bảo an toàn như sử dụng thuốc trừ sâu làm từ chế phẩm ớt ngâm với tỏi, 4 tháng trước khi thu hoạch, tôi không phun dung dịch trừ sâu... Tôi nghĩ bản thân mình cũng muốn những sản phẩm không thuốc, không độc hại thì người tiêu dùng cũng thế. Phải lấy sức khỏe làm đầu mới giữ được chữ tín, sản phẩm bán ra mới thuyết phục được người tiêu dùng”.
Chuyện ông Lâm làm giàu nhờ trồng cam sành theo hướng sản phẩm sạch đã khiến nhiều người trong vùng làm theo. Gia đình anh Phạm Tố Hữu (thôn 1, xã Sơn lang) đã trồng cam sành được 3 năm với diện tích 7 sào, trung bình mỗi năm nhà anh Hữu trừ chi phí thu nhập gần 300 triệu đồng. Khi trồng cam, anh đã gặp những khó khăn như trong thời gian thu hoạch không phun thuốc khiến ruồi vàng châm vào trái gây thất thoát nhiều. Trồng theo tiêu chuẩn VietGAP mỗi cây bị giảm đi 5 kg, tuy nhiên, với điều kiện tự nhiên ở Sơn Lang trong lành nên rất ít bị sâu bệnh, chất đất tốt đã tạo điều kiện cho cam giữ được năng suất ổn định. Cam cho thu quanh năm nên nhà vườn không mất nhiều công sức, chỉ cần tỉa bớt trái, giữ lại lượng trái vừa đủ để cây nuôi dưỡng, đảm bảo đạt năng suất ổn định. Đến nay, trái cây của vườn anh Hữu đã được đi dự các phiên chợ trong tỉnh, có lần anh mang 2 tạ, chỉ bán nửa tiếng là hết sạch. “Trồng cam theo hướng sản phẩm nông nghiệp sạch có lợi ích là được người tiêu dùng tin tưởng, thu mua dễ, dùng lâu dài. Thời gian đến, tôi tiếp tục mở rộng vườn cam hơn 1 ha và quyết tâm trồng theo hướng cam sạch”-anh Hữu phấn khởi cho hay.
Hiện nay, xã Sơn Lang đã có 40 ha vườn cam gồm các loại cam sành, cam Vinh, cam Cao Phong... tất cả đều được trồng theo hướng sản phẩm sạch, tiêu chuẩn VietGAP. Vườn cam được nông dân chăm sóc bằng cách dùng phân chuồng ủ hoại, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, dùng thuốc sinh học... đã cho những trái cam ngon ngọt, an toàn. Ông Lê Quý Truyền-Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang cho biết: “Cây cam hiện nay đang được xã khuyến khích nhân rộng diện tích cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Tính trung bình, trừ tất cả chi phí, mỗi hộ dân trồng cam thu nhập cũng khoảng 300 triệu đồng/năm. Chính quyền xã phối hợp cùng với phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang tiếp tục hướng dẫn người dân trồng cam đúng quy hoạch, quy trình kỹ thuật của VietGAP. Xã cũng chọn cây cam để xây dựng phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi gắn với xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa của địa phương, xây dựng nhãn hiệu cam Sơn Lang an toàn, uy tín và bền vững”.
Ngọc Thu