Sinh viên rồi, con mới biết thế nào là nhớ nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Mẹ ơi, con nhớ nhà lắm, con nhớ bữa cơm nhà mình, nhớ nụ cười của mẹ, nhớ khuôn mặt của ba, nhớ cả những lần mẹ mắng vì con mắc lỗi. Con nhớ nhà lắm!

Một mình nơi phố thị, con nhớ nhà lắm! (Ảnh minh họa)
Một mình nơi phố thị, con nhớ nhà lắm! (Ảnh minh họa)


Mẹ ơi con nhớ nhà lắm! Con muốn gọi điện về nói với ba mẹ như thế, muốn bắt ngay chuyến xe chiều về nhà ăn cơm tối cùng gia đình mình mẹ ạ.

Khi còn học cấp 3, con khao khát được lên học đại học, cuộc sống sinh viên hiện ra trong mắt con là màu hồng lung linh, vui vẻ với môi trường mới và quan trọng là con được đến một thành phố mới xa hoa. Với một đứa ham chơi và thích bay nhảy như con, thì đó là cả một chân trời thú vị.

Nhưng mẹ ơi, khi đến đây rồi, con mới thấy cuộc sống không như những gì con hằng tưởng tượng. Một mình nơi thành phố xa lạ, đông đúc, nhưng con lại chẳng quen ai. Con thấy mình lọt thỏm giữa đám đông người qua lại. Ngày con lên nhập trường, bố mẹ bận việc nên không thể đưa con lên trường, một mình con bắt xe khách lên  nhập học. Con háo hức, nhưng cũng có chút run sợ, vì sợ ba mẹ lo, nên con cố tỏ ra mạnh mẽ.

Nhưng mẹ ơi, giờ thì con thấy mình yếu đuối như không phải con vậy. Một mình ngồi co ro trong căn phòng trọ tăm tối, con sợ và nhớ nhà nhiều lắm. Ngấm mưa cả buổi khi đến trường nhập học, lúc trở về phòng trọ, con sốt run từng cơn. Không nước, không thuốc, không có ba mẹ, chỉ có con và 4 bức tường trống trải. Con đã khóc, khóc rưng rức như một đứa trẻ, vì con thấy cô đơn, thấy nhớ nhà lắm. Nhưng mẹ đã dặn, lên thành phố một mình phải biết tự chăm sóc bản thân, nên con lại cố dậy đi mua thuốc, mua cháo ăn cho chóng khỏi. Cầm bát cháo trên tay, nhưng con không nuốt nổi, con lại nhớ những lần con ốm ở nhà, mẹ lúc nào cũng mắng, đấy lại đi bêu nắng về mới ốm thế này, nhưng rồi mẹ lại chăm con từng chút một. Nếu có mẹ ở đây, chẳng cần nói, mẹ cũng biết con muốn ăn gì, rồi ba lại chạy đôn chạy đáo mua thuốc cho con.

Con nhớ nhà lắm, buổi chiều, đứng ngoài ban công nhìn ra xa xa, con ngửi thấy đâu đây mùi khói bếp nhà ai mẹ ạ, con lại tự hỏi, giờ này ở nhà ba mẹ đã ăn cơm chưa. Mẹ ơi, con nhớ nhà lắm, nhưng mỗi lần nói chuyện với mẹ qua điện thoại, con chỉ toàn kể những chuyện vui ở lớp, con không muốn mẹ buồn.

Trước kia khi còn ở nhà, nhiều lúc bị ba mẹ mắng, con lại nghĩ, ước gì mình học thật nhanh để lên học đại học, sống cuộc sống tự do trên thành phố. Nhưng giờ đây, khi đã tự bay ra khỏi vòng tay ba mẹ, con mới thấu hiểu những lời ba mẹ trách mắng trước kia, con lại thèm được nghe mẹ mắng. Đến giờ con mới thực sự hiểu nhà là nơi bình yên nhất.

Mẹ ơi, con nhớ nhà lắm, nhưng không sao mẹ ạ. Con gái mẹ mạnh mẽ hơn mẹ tưởng nhiều, con chỉ yếu đuối chút thôi mẹ ạ. Con sẽ cố gắng, con vẫn nhớ như in lời dặn của ba khi con lên thành phố: "Lên đấy phải cố gắng học tập nghe con". Con sẽ mạnh mẽ, mạnh mẽ để không còn thấy cô đơn nơi phố phường tấp nập, mạnh mẽ để bước trên chính đôi chân của con, mạnh mẽ để hoàn thành lời hứa với ba mẹ và để chạm đến ước mơ của con.

Hoàng Hạ (VOV)

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.