(GLO)- Hiện nay, sinh viên làm thêm đã không còn là điều mới lạ. Không nhằm mục đích mưu sinh thuần túy như các đối tượng lao động khác, sinh viên làm thêm hướng tới những trải nghiệm mới mẻ, thu nhận những chất sống thực tế trong cuộc mưu sinh ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường.
Đã không còn là những cô cậu chỉ biết cắm cúi học trong chu cấp, bảo bọc của gia đình, các em đã dần thoát ra khỏi vỏ bọc truyền thống của quan niệm về học trò “dài lưng tốn vải”. Sau giờ học, các em mày mò dấn thân vào cuộc mưu sinh như bao người, kiếm tiền bằng những việc làm chính đáng và đáng trân trọng. Chính sự trải nghiệm này mang lại cho các em những “vốn” quý từ thực tiễn cuộc sống, bằng chính trí tuệ và sức lao động của mình.
Nhóm sinh viên Loan, Hằng, Diệp, Thúy và Bé cùng nhau hùn vốn bán hoa trong dịp 8-3. Ảnh: Lê Hòa |
Dạy kèm là công việc phổ biến nhất trong giới sinh viên sư phạm hiện nay. Trước áp lực của cuộc sống hiện đại, nhu cầu dạy học kèm cho con em của các gia đình ngày càng lớn. Ở một thành phố nhỏ như Pleiku, công việc này tất nhiên là phù hợp nhất đối với các sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Em Nguyễn Thị Kiều-sinh viên lớp Sư phạm Tiếng Anh K32-Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, cho biết: “Công việc này phù hợp với chúng em, vừa giúp em có thêm một khoản nhỏ để đầu tư cho học tập, vừa giúp em rèn luyện cho mình thêm những kỹ năng nghiệp vụ cần thiết phục vụ cho công việc sau này”. Kiều hiện đang đảm đương dạy kèm cho 3 học sinh, một là học sinh lớp 4 và hai học sinh lớp 2, với mức thu nhập trung bình khoảng 800 ngàn đồng/em/tháng.
Một sinh viên hoàn toàn có thể kiếm tiền triệu mỗi tháng nếu chăm chỉ “chạy sô”. Không khó để lý giải vì sao, đây là việc làm thêm được coi là “hot” nhất trong giới sinh viên. Em Kiều cho biết, đối tượng có nhu cầu dạy học kèm đa số thuộc con nhà có điều kiện và ít thời gian, muốn thuê người kèm cặp con em trong việc học, đồng thời cũng là “quản lý” một khoảng giờ giấc nhất định của con mình.
Với những sinh viên đam mê kinh doanh và muốn thử sức trong lĩnh vực không kém phần năng động và có sức hút mãnh liệt với giới trẻ hiện nay thì luôn có vô vàn những công việc và cơ hội cho các em thử sức. “Cứ mỗi dịp lễ, tết, chúng em lại rủ nhau “hùn vốn” bán hoa, làm quà tặng. Lời lãi thì cũng may rủi lắm nhưng quan trọng là chúng em có được những kinh nghiệm từ những bước đi này”-Em Võ Thị Loan-sinh viên lớp Sư phạm Tiểu học K32, chia sẻ.
Sản phẩm hoa handmade của Đinh Thị Thùy Trang. Ảnh: Lê Hòa |
Dịp lễ 8-3 vừa rồi, em cùng 4 bạn khác mỗi bạn góp nhau 500 ngàn đồng. Cả lũ kéo nhau đi mua hoa tươi, các phụ liệu gói… để bán hoa làm quà tặng. “Hai ngày đứng bán chúng em cũng lãi được kha khá, trung bình mỗi bạn được 200-250 ngàn đồng/ngày”-Loan vui vẻ cho biết. Mỗi dịp lễ, tết chính là thời điểm “vàng” trong năm cho giới sinh viên yêu thích kinh doanh vì dễ nếu may mắn buôn may bán đắt sẽ thu lãi cao hơn gấp nhiều lần những công việc vốn đã định sẵn một mức thu nhập như dạy kèm, nhân viên phục vụ… Tuy nhiên, xác suất rủi ro cũng không phải là không có, nếu chẳng may bán buôn ế ẩm thì coi như tháng đó cả nhóm phải chắt chiu tằn tiện số tiền gia đình đã cho để dành cho việc sinh hoạt, học tập trong tháng.
Sinh viên dường như bắt nhịp rất nhanh với những thay đổi sôi động của môi trường kinh doanh. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, nhiều bạn trẻ biết khai thác những điểm mạnh riêng của mình để bước vào sân chơi, góp phần tạo nên những màu sắc riêng trong xu hướng chung của các bạn. Em Đinh Thị Thùy Trang-sinh viên lớp Y sĩ Đa khoa-Trường Trung cấp Y tế Gia Lai hòa mình vào sân chơi sôi động này với những nét rất riêng. Với đôi bàn tay khéo léo cộng với niềm đam mê sáng tạo, yêu thích việc làm ra những món quà tặng nữ tính, giản dị, cô đã cùng các bạn của mình làm những món quà handmade để bày bán mỗi dịp lễ, tết. “Mỗi bó hoa hơn chục bông em bán chỉ có giá 60 ngàn đồng thôi chị ạ. Để làm một bó hoa như vầy cũng mất cả tiếng. Em làm vậy là vì để cho vui, thỏa niềm yêu thích của mình chứ lời lãi chẳng đáng bao nhiêu đâu”-Thùy Trang bộc lộ rất chân thành.
Sinh viên bưng lễ cho đám cưới, hỏi. Ảnh: Nguyên Võ |
Với các bạn nam, những công việc làm thêm phổ biến thường là phục vụ tại các quán cà phê, nhà hàng hay các đám cưới, hỏi… Bạn Nguyễn Xuân Thuận-sinh viên lớp Nông học 11-Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai, cho biết: “Do còn bận việc học hành nên chúng em thường làm thêm vào khoảng thời gian tối. Sinh viên các năm đầu thường đi làm thêm nhiều hơn, thường năm cuối thì phải tập trung vào học hành, thi cử nên rất khó sắp xếp để đi làm. Làm việc bán thời gian như vậy nên mức lương các em được hưởng mỗi tháng dao động trong khoảng 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng”. Thuận cũng chia sẻ rằng, khi biết chuyện con đi làm thêm, ba mẹ cũng có ý lo ngại, sợ con ảnh hưởng đến học hành. Sau khi được con giải thích cặn kẽ, ba mẹ cũng đã yên tâm hơn, không ngăn cản việc con đi làm thêm
Trong số những sinh viên đi làm thêm, không ít bạn gia đình có điều kiện hoàn cảnh khá giả. Với các em, làm thêm chính là đường dẫn để các em bước đến thực tế cuộc sống với những vận động chân thực đời thường, tích lũy cho mình những trải nghiệm cần thiết cho cuộc sống phía trước.
Lê Hòa