(GLO)- Theo quan niệm truyền thống, rồng là con vật tinh thông nhất trong 12 con giáp; nó không chỉ là biểu tượng của danh dự, quyền lực, sự lỗi lạc, mà còn là biểu tượng của sự hanh thông, may mắn. Cha mẹ sinh con năm rồng sẽ mang lại phú quý, danh vọng cho con cái. Bởi vậy, năm Nhâm Thìn- 2012 này đã được dự đoán là năm “sốt” chuyện sinh con.
Cuộc chạy đua được tính toán kỹ
Không chỉ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh mà tại các phòng khám tư trên địa bàn TP. Pleiku cũng thường xuyên đông nghịt bà bầu. Họ đều là những người sinh trong năm nay và thường trực ước mơ đẻ được một quý tử trong năm Nhâm Thìn này.
Hầu hết các phòng của Khoa Sản đều phải kê thêm giường như thế này. Ảnh: T.B |
Ghé vào một phòng khám trên đường Phan Đình Phùng (TP. Pleiku), mới hơn 4 giờ chiều-chưa phải là giờ khám của các bác sĩ, tôi đã thấy có rất nhiều chị em đến lấy phiếu và ngồi chờ đến lượt của mình. Hỏi chuyện một người ngồi cạnh, chị hồ hởi tâm sự: Tôi nghe nói trẻ em sinh năm rồng sau này sẽ rất thành đạt, trở thành người có địa vị cao trong xã hội, vì thế hai vợ chồng quyết định sinh thêm đứa thứ tư. Ở khu nhà tôi (thuộc tổ dân phố 2, phường Thắng Lợi-N.V), con hẻm có 15, 16 mái nhà mà đã có tới 7 gia đình lựa chọn sinh con trong năm Nhâm Thìn. Đã có 2 chị mẹ tròn con vuông rồi, đều sinh con trai đấy. Tôi cũng được bác sĩ báo dự sinh bé trai, cả nhà rất mừng…
Lời của chị khiến tôi chợt nghĩ: Một cái ngõ nhỏ đã như thế, rộng ra cả phường, cả thành phố, cả tỉnh, cả nước, hiện trạng này sẽ như thế nào? Trên thực tế, việc lựa chọn sinh con năm Rồng dường như đã trở thành một trào lưu, một cuộc đua giữa những người làm cha, làm mẹ. Bạn tôi-một công chức tại TP. Hồ Chí Minh cũng “ngấm ngầm” sinh con thứ 3 “để kiếm một thằng cu nối dõi”-anh cười hà hà thông báo ngay khi vợ vừa ở bệnh viện về. Thực ra, chỉ cần một chút lưu tâm cũng có thể thấy, hầu như ngày nào đi ra đường phố Pleiku, đi đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, ta cũng gặp những bà “bầu bí” với nụ cười trên môi.
“Cháy” phòng sinh
Khu vực dành cho người nhà tại Khoa Sản-Bệnh viện Đa khoa tỉnh đầu giờ chiều ngày 17-7, người chật như nêm. Hết đứng là ngồi, hết ngồi là đi lại, trong cùng một tâm trạng chờ đợi, mong sao cho nhanh đến lượt người thân của mình được gọi tên để được vào phòng chờ chuyển dạ. Phía dọc hành lang gần đấy, lũ lượt các bà “bầu bí” ì ạch vận động, chốc chốc lại ngóng về phòng trực của nữ hộ sinh. Người nhà của một sản phụ cho biết: “Tôi mới ở Hưng Yên vào, xuống bến xe là con rể chở đến đây luôn; cháu nhà tôi vẫn còn đang phải chờ kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu”.
“Từ đầu năm đến nay, Khoa Sản luôn trong tình trạng quá tải-nữ hộ sinh Nguyễn Thị Trà Lý vừa cắm cúi xem hồ sơ nhập viện của bệnh nhân vừa trả lời tôi-và dù đã phân chia lịch trực dưới dạng 3 ca 4 kíp thì chúng tôi vẫn không tránh khỏi những áp lực trong công việc, nói chung là rất vất vả”. “Quá tải, áp lực lớn” cũng là 2 từ được bác sĩ Lê Thanh Minh-Trưởng khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhắc đến liên tục trong khi trao đổi với phóng viên. Bác sĩ Minh nhẩm tính: So sánh số sản phụ tại khoa trong vòng 6 tháng đầu năm trong vòng 3 năm trở lại đây sẽ thấy có sự gia tăng rõ rệt. Trong 6 tháng đầu năm 2010 có 2.823 sản phụ sinh; trong 6 tháng đầu năm 2011 con số này là 3.439 và năm 2012 lên tới 4.292, tăng 152% so với năm 2010 và 125% so với năm 2011.
Tình trạng quá tải được dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng trong những tháng cuối năm 2012. Trước thực trạng trên, bệnh viện đã phải kê thêm giường, trưng dụng tới cả phòng ăn của bệnh nhân mà vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu hiện nay. Chỉ tiêu giường bệnh tại khoa là 90 nhưng hiện con số thực kê là 130 giường. Bên cạnh đó, khoa còn tăng cường làm việc trong những ngày thứ bảy, chủ nhật; đồng thời tổ chức thăm khám nhiều lần trong ngày; đáp ứng việc xuất viện theo yêu cầu của người nhà bệnh nhân, trừ những bệnh nhân nặng.
Những hệ lụy...
Không phải đến năm nay, mà trước đó, vào năm Quý Mùi, Đinh Hợi, Tân Mão… cũng là năm được nhiều người chọn để sinh con, với quan niệm heo vàng, mèo quý. Vậy nên, năm Nhâm Thìn-2012 đã được dự báo là một năm có mức sinh và tỷ lệ chênh lệch giới tính tăng cao. Theo bác sĩ Minh, trong khoảng 3 năm gần đây, Gia Lai đã ở trong danh sách những tỉnh có sự chênh lệch giới tính cao trong toàn quốc, có tháng lên tới 121-124 nam/100 nữ (tháng 2 và tháng 4-2012), bình quân 6 tháng đầu năm 2012, con số này là 113 nam/100 nữ; năm 2011 là 116 nam/100 nữ.
Tình trạng mất cân bằng giới tính đã và đang trở thành vấn đề nóng, không chỉ với Gia Lai. Trong năm 2012, ngành dân số tiếp tục đứng trước những thách thức khi nhiều gia đình chọn sinh con. Bên cạnh sự báo động về mất cân bằng giới tính khi sinh thì số người sinh con thứ 2 cũng gia tăng; nếu không được khống chế kịp thời thì trong vài thập kỷ tới, Gia Lai nói riêng, cả nước nói chung sẽ không tránh khỏi tình trạng thừa nam thiếu nữ, dẫn đến những hệ lụy khó lường về mặt xã hội.
Theo thống kê của Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2012, số trẻ em sơ sinh là 11.387 cháu (tỷ lệ bình quân giữa nam và nữ khoảng 113/100), số trẻ em là con thứ 3 trở lên 3.250 cháu, tăng 150 cháu so với cùng kỳ năm 2011. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Gia Lai đang ở mức 29,5%. Không chỉ gây mất cân bằng giới tính, quá tải trong bệnh viện, một hệ lụy khác đang chờ các bé được sinh ra trong năm con rồng này chính là hệ thống giáo dục quá tải.
Thái Bình