Phát biểu khai mạc Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) diễn ra hôm qua (25-6), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về PCTN nêu bật ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Hội nghị lần này.
Theo đó, Hội nghị nhằm nhìn lại hoạt động của Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN 5 năm qua; công tác PCTN từ sau Hội nghị toàn quốc tháng 5-2014 đến nay. Sắp tới làm sao để không chỉ duy trì mà còn đẩy mạnh cuộc chiến chống giặc nội xâm đang ở giai đoạn hết sức quan trọng, quyết liệt.
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng. |
Có một bước tiến mạnh
Trình bày Báo cáo tại Hội nghị, ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính TƯ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN cho biết, từ sau Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN năm 2014, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đến nay, công tác PCTN được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội…
Bên cạnh đó, Đảng đoàn Quốc hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, thể chế hóa tương đối đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế - xã hội và PCTN; khắc phục những sơ hở, bất cập trong các quy định của pháp luật là nguyên nhân phát sinh tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”.
PCTN đã được gắn với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng vi phạm, cả đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cao cấp, cả trong lĩnh vực công tác mà lâu nay được cho là “nhạy cảm”… Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước.
Thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Những kết quả đạt được về công tác PCTN trong thời gian qua đã có tác động mạnh mẽ, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung, cùng với những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Quan trọng là sự gương mẫu, nói đi đôi với làm
Phát biểu tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng bài học thành công trong đấu tranh PCTN thời gian qua trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp… Đồng thời, các đại biểu đề nghị thời gian tới cần tiếp tục triển khai Nghị quyết của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, coi công tác PCTN là công việc thường xuyên, liên tục, cần có quyết tâm chính trị cao. Rà soát sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng; tăng cường kiểm soát quyền lực, thực hành liêm chính trong cơ quan chống tham nhũng nhằm ngăn ngừa tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng thống nhất nhận định, để nâng cao hiệu quả công tác PCTN thì công tác kiểm tra giám sát của Đảng phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ; kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường giám sát của tổ chức đảng từ trên xuống dưới, giám sát từ dưới lên, phát huy vai trò giám sát lẫn nhau trong cùng cấp, tăng cường quản lý, giám sát thường ngày đối với đảng viên và cán bộ lãnh đạo. Sự tín nhiệm không thể thay thế cho giám sát, tín nhiệm là tiền đề, giám sát là đảm bảo để phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai, làm nghiêm từ trên xuống dưới.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị tập trung kiểm tra, giám sát những người đang có biểu hiện tham nhũng; những người có nhiều dư luận quần chúng phản ánh, tố cáo về tham nhũng… Khi đã xảy ra tham nhũng thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, phải nghiêm túc tuân thủ sự bình đẳng trước pháp luật, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào; xử lý nghiêm cả những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đánh giá sai phạm phải đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể Tổng Bí thư yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải gương mẫu, có sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh PCTN; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; trái lại, phải mạnh dạn làm để giữ gìn, uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân và phải công khai để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát. “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được. Ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”- Tổng Bí thư nói. Theo Tổng Bí thư, bên cạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, cần có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, việc đánh giá, nhìn nhận về các sai phạm cũng cần phải đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, phù hợp. Đồng thời, cần kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử xấu luôn lợi dụng cuộc đấu tranh PCTN để chia rẽ nội bộ, nói xấu, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Lưu ý những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Tổng Bí thư đề nghị tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTN. Người đứng đầu Đảng ta cũng đặc biệt nhấn mạnh việc bảo vệ, khen thưởng, động viên những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu. Tổng Bí thư mong muốn báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh PCTN, qua đó làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp. |
Vân Anh/phapluat