Sau hơn 1 tháng bỏ quy định phê bình học sinh trước lớp: Học sinh vẫn bị bạo hành tinh thần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vì uất ức, không phục trước việc bị giáo viên “bêu tên” trước toàn trường khi mắc lỗi, một nữ sinh lớp 10 ở An Giang được cho là đã uống thuốc tự tử ngay tại trường. Vụ việc xảy ra sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định giáo viên không được sử dụng hình thức kỷ luật, phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường. Quy định đã có hiệu lực, nhưng trong thực tế, không ít giáo viên vẫn vi phạm.

Nữ sinh học lớp 10 ở An Giang phải nhập viện cấp cứu nghi do uống thuốc tự tử sau khi bị nhà trường kỷ luật.
Nữ sinh học lớp 10 ở An Giang phải nhập viện cấp cứu nghi do uống thuốc tự tử sau khi bị nhà trường kỷ luật.



Không được phép phê bình học sinh trước toàn trường

Không ít giáo viên hiện nay vẫn quan niệm khi học sinh mắc lỗi thì chỉ có cách giáo dục duy nhất, hiệu quả nhất là trừng phạt. Việc trừng phạt thân thể (đánh, véo, kéo tai, giật tóc, quỳ, úp mặt vào tường...) và trừng phạt về tinh thần (la mắng, hạ nhục học sinh, làm cho xấu hổ...) hiện được nhiều giáo viên (kể cả phụ huynh) áp dụng, coi như một phương pháp để giáo dục khi học sinh mắc lỗi.

Như mới đây, Trường THPT Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, An Giang) đã sử dụng hình thức kỷ luật phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường và phạt lao động công ích khi học sinh mắc lỗi. Cụ thể, ngày 28.11, trường này đã thông báo về việc học sinh vi phạm điều lệ trường THPT năm học 2020 - 2021. Theo thông báo, em N.T.N.Y đã sai phạm: Phản ánh không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo. Sử dụng điện thoại di động để ghi âm giáo viên trong giờ học. Tuy nhiên Y vẫn chưa nhận rõ lỗi của mình. Vì vậy em Y phải viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc hằng ngày trong vòng 2 tuần kể từ ngày 1.12 đến 12.12. Trước thời gian thực hiện biện pháp kỷ luật nêu trên, giáo viên và bạn bè đã tìm thấy Y bị ngất xỉu trong nhà vệ sinh của trường. Theo thông tin từ gia đình, Y uống thuốc với ý định tự tử.

Theo bà Trần Thị Ngọc Diễm - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh An Giang, rất may sức khỏe học sinh đã ổn định. Vụ việc xảy ra, sau xác minh làm rõ vụ việc cho thấy nhà trường có nhiều sai phạm trong xử lý kỷ luật học sinh. Cụ thể là kỷ luật không đúng quy định ngành giáo dục dẫn đến học sinh bị ức chế. Bên cạnh đó, trường tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường không đúng với quy định của ngành (dạy thêm, học thêm đại trà cho tất cả học sinh theo lớp chính khóa).

Cần bỏ các hình phạt kiểu “bạo hành tinh thần” học sinh

Hơn 1 tháng trước, khi Bộ GDĐT ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, nhiều chuyên gia giáo dục, phụ huynh coi đây là bước tiến góp phần làm giảm tình trạng học sinh bị bạo hành về thể chất và tinh thần ở trong trường học. Thông tư có hiệu lực từ 1.11.2020, trong đó có nhiều quy định tiến bộ như: Bỏ hình thức kỷ luật học sinh bằng việc phê bình trước lớp, trước trường và cảnh cáo ghi học bạ. Thay vào đó yêu cầu giáo viên phải sử dụng các hình thức kỷ luật tích cực để học sinh nhận thức vấn đề, từ đó điều chỉnh, sửa đổi hành vi của mình.

Theo đại diện Bộ GDĐT, việc này được kỳ vọng tránh tình trạng học sinh cảm thấy xấu hổ, ngại với bạn bè trong lớp, trong trường khi bị phê bình rồi dẫn đến những hành vi tiêu cực như chán ghét thầy cô, xa lánh bạn bè, bỏ học, thậm chí nghĩ đến hành vi tiêu cực như tự tử vì xấu hổ hoặc uất ức. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng quy định đi vào thực tế, ghi nhận từ học sinh, nhiều em cho biết, việc bị bêu tên trước lớp, trước toàn trường vẫn được không ít giáo viên áp dụng. Mong mỏi nhất của học sinh là thầy cô thấu hiểu tâm lý và không áp đặt suy nghĩ lên học trò.

Từ góc nhìn của chuyên gia tâm lý, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội - cho rằng, giáo dục đang đổi mới từng ngày, chú trọng việc căn cứ vào thực tế của mỗi học sinh để giáo viên đưa ra phương pháp giáo dục cụ thể. Vì vậy, giáo viên cần thay đổi, không áp đặt suy nghĩ của mình lên học trò mà tôn trọng cá tính riêng biệt của từng em. Nhà trường không được bất chấp, tùy tiện đưa ra các hình thức kỷ luật phản giáo dục.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng - Giám đốc Hệ thống Cambridge Khai Minh - thì cho rằng, câu chuyện nữ sinh lớp 10 nghi tự tử vì không phục cách kỷ luật của nhà trường là bài học trong việc ứng xử giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với nhà trường, cũng như việc áp dụng các hình thức kỷ luật trong trường học hiện nay.

https://laodong.vn/giao-duc/hoc-sinh-van-bi-bao-hanh-tinh-than-860521.ldo
 

Theo Đặng Chung (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

(GLO)- Sáng 25-11, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai phối hợp với tổ chức AIP Foundation, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phát động dự án “Đến trường an toàn”, năm học 2024-2025 tại các Trường Tiểu học: Phan Chu Trinh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi (huyện Phú Thiện).