Sản xuất chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, nhiều người biết đến anh Nguyễn Hồng Sơn (làng Mui, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông). Không chỉ là người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, anh Sơn còn giúp đỡ nhiều gia đình nông dân nghèo khó trên địa bàn vươn lên thoát nghèo bền vững. Mô hình trồng tiêu xen canh cà phê theo phương pháp hữu cơ trên cùng một diện tích cho lợi nhuận gấp 3 lần so với phương thức canh tác truyền thống.
Rời quê hương Bình Ðịnh với hai bàn tay trắng, anh Nguyễn Hồng Sơn (SN 1978) đã chọn vùng đất Chư Prông làm quê hương thứ hai lập nghiệp. Với bản tính cần cù, siêng năng, anh đã vượt qua khó khăn và vươn lên làm giàu ở vùng đất mới. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo khó, nên anh Nguyễn Hồng Sơn nung nấu quyết tâm vượt khó vươn lên. 
Lúc đầu, gia đình anh cũng như nhiều bà con nông dân khác sống trên vùng đất bazan màu mỡ, trù phú này nhưng mới chỉ biết trồng cây lúa, cây bắp. Làm quần quật suốt ngày đêm, gia đình anh vẫn không thấy khấm khá hơn. Về sau, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền địa phương, anh đến những nơi có kỹ thuật trồng cây lâm nghiệp, tham khảo ý kiến của các nhà quản lý, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, các mô hình sản xuất hiệu quả. 
Anh Sơn đang chăm sóc vườn tiêu của gia đình. Ảnh Hà Phương
Anh Sơn đang chăm sóc vườn tiêu của gia đình. Ảnh Hà Phương
Từ đó, anh chuyển dần 1 ha đất sang trồng hồ tiêu và lựa chọn hồ tiêu đưa vào trồng xen trong vườn cà phê vừa đảm bảo kỹ thuật canh tác vừa chia sẻ rủi ro và tăng thu nhập.
Theo anh Sơn, cà phê trồng với khoảng cách 3x3 m, cứ hai hàng cà phê xen 1 hàng tiêu và sử dụng cây keo dậu để làm trụ tiêu cũng với khoảng cách tương tự và trồng theo hướng Bắc Nam để đón ánh nắng đều khắp vườn. Khi cây tiêu cũng như trụ phát triển, anh cho hãm ở độ cao từ 4 đến 6 mét, tỉa cành vừa phải. Đặc biệt, anh chỉ đánh bồn nhẹ ở trụ tiêu, còn cà phê thì đánh bồn sâu nhằm giúp trụ tiêu thoát nước tốt hơn, hạn chế tối đa ngập úng vào mùa mưa.
Qua thực tế, với cách trồng xen các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như trên không những mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần so với trồng thuần cà phê mà còn có tác dụng điều hòa khí hậu vườn cây, tăng độ ẩm, giảm nhiệt độ cần thiết, gìn giữ môi trường sinh thái, giúp cây cà phê sinh trưởng, phát triển bền vững.
Vừa làm vừa tích lũy để đầu tư mở rộng diện tích cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây cà phê, hồ tiêu… nên năng suất cây trồng vườn anh Sơn ngày càng  nâng cao và ổn định. Trong tình hình biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay, để tiết kiệm nguồn nước, giảm thuê mướn lao động tưới nước là điều các nhà nông luôn chú ý. Sản xuất hiệu quả theo hướng chủ động với diễn biến bất lợi của thời tiết, anh Sơn hiện có 3 ha cà phê, hồ tiêu, trong đó có 2.300 cây cà phê, cho năng suất bình quân gần 13 tấn cà phê nhân/năm, hồ tiêu 1.600 trụ cho thu hoạch 2 tấn/năm. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu lãi từ 300-400 triệu đồng/năm.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Sơn còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm rút ra từ thực tế bản thân cho các hộ nông dân trong làng, góp phần đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã.
Hà Phương

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.