Rừng trồng chết hàng loạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rừng trồng chết hàng loạt nhưng người dân nghèo không có tiền mua cây giống trồng dặm, nguy cơ không được hưởng lợi từ việc trồng rừng.
Ngày 20-11, UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã có báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu trồng rừng năm 2021 và 2022 trên địa bàn gửi các cơ quan chức năng.
Từ năm 2021, huyện Tu Mơ Rông bắt đầu triển khai trồng rừng tập trung. Đã có 250 hộ dân và 7 cộng đồng trên 11 xã đăng ký trồng 249ha rừng. Các giống cây được trồng là thông ba lá, cây sơn tra (loại cây dược liệu mang giá trị cao). Tuy năm đầu trồng rừng tập trung, nhưng việc vận động người dân tham gia trồng rừng tương đối thuận lợi bởi nhà nước tiến hành hỗ trợ tiền mua cây giống, vật tư. Sau khi thành rừng, người dân còn được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng và nguồn thu từ sản phẩm cây trồng rừng mang lại.
 
Người dân huyện Tu Mơ Rông trồng rừng trên diện tích đất trống
Người dân huyện Tu Mơ Rông trồng rừng trên diện tích đất trống.
Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, qua kiểm tra rừng trồng năm 2021 trên địa bàn thì phát hiện rừng chết hàng loạt, xác định tỉ lệ cây sống có nơi chỉ đạt 30%. 
UBND huyện Tu Mơ Rông xác định có nhiều nguyên nhân khiến rừng trồng chết nhiều, tỉ lệ sống thấp như do bị gia súc phá hoại, người dân dùng thuốc diệt cỏ, bị mối ăn, rừng trồng phân tán nên khó kiểm tra, kiểm soát…
Riêng tại tiểu khu 266, xã Đăk Hà, có 26 hộ dân trồng hơn 33ha rừng cây sơn tra. Đến nay, những cây sơn tra lại chết khô, ngổn ngang khắp các đồi. 
Chị Y Hun (thôn Tu Mơ Rông, xã Đăk Hà) cho biết trước đây hàng năm đều trồng mì trên mảnh đất rẫy của gia đình. Vào tháng 8-2021, được sự vận động, hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình chị chuyển qua trồng cây sơn tra với hy vọng làm giàu.
"Sau 5 tháng sau trồng, cây sơn tra bắt đầu bị chết, đến nay đã chết một nửa nên gia đình tôi rất buồn. Gia đình tôi cũng không có tiền mua giống trồng lại, mong muốn tiếp tục được hỗ trợ cây giống. Nếu không thành rừng thì tương lai cũng không được hưởng các loại tiền dịch vụ hỗ trợ" – chị Y Hun buồn rầu nói.
Theo ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đắk Hà, việc rừng trồng bị chết được xã phát hiện từ đầu năm 2022. Đến nay, xác định đối với diện tích rừng trồng năm 2021, tỉ lệ cây sống chỉ đạt 40%. Trong đó, cá biệt, có những vườn tỉ lệ cây sống chỉ đạt 10%.
Cũng theo ông Khoa, vấn đề nan giải nhất hiện nay là không có kinh phí để trồng dặm những diện tích rừng đã chết. Bởi không trồng dặm thì mật độ cây sống không đảm bảo, sẽ không nghiệm thu thành rừng, bà con sẽ không được hưởng lợi từ tiền dịch vụ môi trường rừng.
 
 
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết hiện nay định mức hỗ trợ cho trồng rừng sản xuất đối với hộ gia đình chỉ được tối đa 10 triệu đồng/ha. Đây là mức thấp, chỉ đủ mua cây giống, phân bón. Khi cây chết, người dân tự bỏ tiền tái đầu tư, trong khi đời sống còn nhiều khó khăn. Việc này khiến dân sau khi hào hứng năm đầu thì giờ không còn mặn mà trồng rừng nữa. Do vậy, huyện đã kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến với cấp thẩm quyền nâng mức hỗ trợ trồng rừng cho người dân để nâng cao hiệu quả trồng rừng.
Theo Hoàng Thanh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm