Làng Kon Trang Kép (thôn 7, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, Kon Tum) chỉ cách Quốc lộ 14 khoảng 2km. Toàn thôn có 303 hộ, 1.437 nhân khẩu, trong đó có 123 hộ đồng bào DTTS, chủ yếu là dân tộc Ba Na (nhánh Rơ Ngao).
Theo thời gian, nhiều lễ hội, tập tục truyền thống đã không còn như trước nhưng dân làng còn duy trì nhiều nét văn hóa truyền thống như lễ mừng nước giọt, lễ về nhà rông mới, dệt thổ cẩm, đan lát và bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng, xoang. Thời gian lễ hội lúc trước thường kéo dài, nay được rút ngắn lại, nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa trong đời sống tâm linh của người Rơ Ngao.
Từ xa xưa, đời sống của người Ba Na ở Kon Trang Kép đã mối quan hệ mật thiết với rừng. Bao thế hệ dân làng được sinh ra và lớn lên trong sự che chở, nuôi dưỡng của rừng. Ngày nay, theo xu thế phát triển của xã hội, những cánh rừng nguyên sinh dần bị lấn chiếm, xâm canh và thay thế bằng những rẫy cà phê, cao su, mì. Tuy nhiên, ở Kon Trang Kép vẫn giữ lại được một khu rừng nguyên sinh ngay bên cạnh làng, được dân làng xem là rừng thiêng, nên hết lòng, dốc sức giữ gìn, bảo vệ.
Chúng tôi đến Kon Trang Kép vào dịp cuối năm, được dân làng giới thiệu đầy vẻ tự hào về khu rừng nguyên sinh còn lại. Mang sự tò mò về mảnh rừng, chúng tôi tìm đến nhà già làng A Pliu (81 tuổi). Trò chuyện với chúng tôi trong phòng khách chật hẹp nhưng ấm áp, thân thiện, già làng hồi tưởng: Xưa kia, cuộc sống con người nơi đây gắn liền với rừng, hòa mình vào rừng. Lúc tôi còn nhỏ, quanh làng Kon Trang Kép là những cánh rừng bạt ngàn xanh thẳm. Tôi thường theo người lớn vào rừng săn bắt, đặt bẫy, tìm kiếm thức ăn cho gia đình. Rừng cũng cung cấp cho dân làng nguyên liệu, vật tư làm nhà cửa, làm thuyền độc mộc hay làm nhạc cụ. Rừng như là mái nhà che chở dân làng qua bão dông, cho dân làng miếng ăn, nước uống và cũng là nơi trú ngụ của thần linh, tổ tiên.
Giải thích về mảnh rừng còn lại ở làng Kon Trang Kép, già làng A Pliu kể: Theo thời gian, kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu sản xuất ngày càng nhiều nên người dân ở đây và từ nơi khác đến khai khẩn đất đai, trồng trọt, xây dựng nhà cửa nên rừng không còn. Khu rừng nguyên sinh còn tồn tại được như bây giờ vì đây này là mạch nguồn nước giọt duy nhất của làng, hàng năm dân làng vẫn làm lễ mừng nước giọt tại đây, và dân làng xem nước giọt như báu vật được Yàng ban cho. Giọt nước này cung cấp nguồn nước sạch cho dân làng bao đời nay, nuôi lớn bao thế hệ trong làng nên bà con xem khu rừng này là rừng thiêng và quyết tâm gìn giữ.
Khu rừng nguyên sinh nằm ở đầu nguồn nước của làng Kon Trang Kép với diện tích gần 4ha gồm nhiều cây gỗ quý lâu năm như sồi, sao, trắc. Từ nhiều năm nay rừng được Nhà nước giao cho làng bảo vệ, gìn giữ. Đối với người dân, việc bảo vệ rừng chính là bảo vệ sự sống và văn hóa của họ.
Đưa chúng tôi tiến vào khu rừng, len lỏi qua những gốc cây cổ thụ và hệ thực vật đa dạng, xanh mướt dưới chân, anh A Linh - Phó trưởng thôn 7 hồ hởi cho biết: Ngoài cung cấp nguồn nước sạch cho dân làng, khu rừng còn giúp điều tiết khí hậu nơi đây. Mùa Hè vào rừng rất mát, những hộ dân sống ven rừng cũng cảm thấy thoải mái vì gần gũi với thiên nhiên và hít thở nguồn không khí trong lành, mát mẻ. Tuy nhiên, khu rừng của làng Kon Trang Kép cũng từng đối mặt với những thách thức vì bị xâm lấn, chặt phá rừng và những nguy cơ cháy rừng cao khi quanh rừng có nhiều rẫy cao su đến mùa thay lá, lá khô dễ bắt lửa. Đặc biệt, mấy năm trước, việc người dân phá rừng để mở rộng diện tích canh tác đã xảy ra, cánh rừng có nguy cơ bị xóa sổ. Rất may, sự việc được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Dân làng Kon Trang Kép xem mảnh rừng như là nơi thiêng liêng còn lại của tổ tiên, nơi trú ngụ của thần linh nên không ai được phép chặt cây hay lấn chiếm. Theo luật tục của làng, nếu có hành vi xâm hại đến rừng, nhẹ thì người vi phạm sẽ phải ra nhà rông công khai xin lỗi dân làng và cam kết không tái phạm; nếu nặng hơn thì phạt một con heo hoặc phạt tiền. Đây là cách mà người dân địa phương gìn giữ sự hòa hợp trong cộng đồng, đồng thời răn đe cho nhiều người thấy để không làm theo.
“Ngày nay, gần như cả làng đều chung tay cùng bảo vệ khu rừng, hễ có những ai chặt cây hoặc nghe máy cưa là chạy đi xem rồi báo với già làng, ban công tác thôn và cơ quan chức năng xử lý. Rừng này quý lắm, các làng quanh đây không còn chỗ nào có nước giọt, chỉ mỗi chỗ này còn nước giọt phần lớn là nhờ cánh rừng này”- anh A Linh chia sẻ.
Quá trình bảo vệ rừng thiêng của làng Kon Trang Kép còn nhận được sự quan tâm hỗ trợ mạnh mẽ từ các cấp chính quyền. Ông Trần Văn Tâm - Phó chủ tịch UBND xã Đăk La (huyện Đăk Hà) cho biết: Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền xã cũng thường xuyên chỉ đạo thôn Kon Trang Kép thực hiện việc bảo vệ rừng và giữ gìn giọt nước của thôn, bảo tồn và phát huy các ngành nghề thủ công, các lễ hội truyền thống trong đó có lễ mừng nước giọt được tổ chức dịp cuối năm. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc của người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã nói riêng cũng như trên địa bàn huyện nói chung.
Theo NGUYỄN BAN (baokontum.com.vn)