Rộn ràng đón hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong không khí rộn ràng, người dân ở khắp các thôn, làng, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Kon Tum nô nức tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân.

Với người dân thôn 4, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy (Kon Tum), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân là một trong những ngày hội lớn nhất trong năm. Bởi thế, cứ đến hẹn, dù bận việc rẫy, đồng áng, bà con vẫn sắp xếp, tập trung, nô nức chuẩn bị cho Ngày hội.

Trong cuộc họp toàn dân với sự tham gia đầy đủ của các hộ gia đình, công việc được đưa ra bàn bạc. Sau tiếng vỗ tay vang dội bày tỏ sự đồng ý, thống nhất ở nhà rông, mỗi người, mỗi nhà trở về chuẩn bị.

Năm nào cũng vậy, trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, bà con sẽ chuẩn bị những món ăn truyền thống của dân tộc. Do đó, từ tháng 10 dương lịch, theo thống nhất, cứ 2-3 hộ gia đình sẽ chuẩn bị các nguyên liệu và cùng ủ chung 1 ghè rượu.

Lớp thanh niên trong làng tập trung tập luyện các tiết mục văn nghệ; đội cồng chiêng chiều nào cũng đến nhà rông tập luyện để trình diễn và đón khách. Các bà, các chị lên thực đơn rồi chia nhau chuẩn bị các nguyên liệu.

“Mỗi nhà đóng góp 100 nghìn đồng để chuẩn bị. Bà con còn lên rừng hái lá môn rừng, đọt mây rừng để chế biến những món ăn truyền thống; chuẩn bị lá mì, cơm lam. Từ già đến trẻ, ai nấy đều phấn khởi, rộn ràng” – chị Y Liêm (thôn 4), chia vui với khách.

Sau quá trình chuẩn bị, Ngày hội cũng diễn ra trong sự mong chờ của tất cả 155 hộ dân. Đã được tập luyện trước, các cháu học sinh chỉnh tề trong trang phục quần xanh áo trắng đứng 2 bên đường bê tông vẫy cờ; đội cồng chiêng, múa xoang nhịp nhàng bài chiêng đón khách vào nhà rông. Những tiết mục văn nghệ nhuần nhuyễn thu hút người xem, cho thấy sự chuẩn bị chu đáo, cẩn thận.

Trong tiếng cồng chiêng rộn rã, già làng A Heng không giấu được niềm vui mừng: Bà con ở đây đoàn kết trong mọi công việc. Bình thường, bà con đổi công, giúp nhau sản xuất. Hễ trong làng có ai ốm đau, hoạn nạn, bà con sẵn sàng góp sức, giúp đỡ. Ở làng, an ninh trật tự đảm bảo, hiếm xảy ra trộm cắp, đánh nhau.


 

 
Người dân thôn 4, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy rộn ràng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân. Ảnh: Y Đô - Hoài Tiến
Người dân thôn 4, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy rộn ràng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân. Ảnh: Y Đô - Hoài Tiến



 

Trong bản báo cáo của thôn cũng thể hiện rõ những điều mà già làng A Heng nói. Ở Ngày hội, nhìn thấy những ánh mắt, tiếng vỗ tay giòn giã của bà con thể hiện sự đồng tình trước những kết quả đạt được, càng hiểu hơn sự keo sơn, đoàn kết, cùng nỗ lực thực hiện việc làng, việc nhà.

“Tình đoàn kết đâu chỉ thể hiện trong Ngày hội mà thể hiện trong đời sống hằng ngày. Hiện nay, từ mỗi mái nhà, bà con cố gắng làm kinh tế, chăm lo cho gia đình. Cùng với đó, tham gia đầy đủ, tích cực các hoạt động của thôn đề ra, phấn đấu đạt các tiêu chí còn lại để đạt nông thôn mới vùng đồng bào DTTS” – A Binh, Bí thư chi bộ thôn 4 nói.

Mỗi khu dân cư sẽ có một cách tổ chức khác nhau, nhưng chung quy lại, ở nơi đâu, cũng cảm nhận được sự rộn ràng, nô nức. Như ở làng Đăk Krăk, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum, chỉ cần đến đầu làng đã biết đang có hội. Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới hai bên vệ đường. Từ xa, tiếng cồng chiêng rộn rã, giục giã khách đến thăm làng.

Cũng như thôn 4, xã Tân Lập, bà con ở khu tái định cư – làng Đăk Krăk mong chờ và chuẩn bị cho Ngày hội từ nhiều ngày về trước. Công việc chuẩn bị cũng được phân công rõ ràng để Ngày hội thành công.

Tranh thủ dẫn khách dạo quanh làng, chị Nếp - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn hào hứng: Làng khác trước nhiều lắm. Ngày mới qua đây khô cằn bao nhiêu thì nay tràn đầy sức sống rồi. Bà con chăm chỉ làm ăn, cải tạo đất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi nên đời sống khấm khá hơn, nay chỉ còn 5 hộ nghèo thôi.

Quả thật, ở những ngôi nhà được xây dựng giống nhau đã có sự khác biệt rất lớn. Mỗi nhà đều có những vườn cây xanh mát, người trồng mít, xoài, bơ; người trồng rau xanh; người trồng hoa, cây cảnh. Vườn tược được rào cẩn thận.

Để có những kết quả đó, ngoài sự giúp sức từ cấp ủy, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của mỗi hộ gia đình còn có sự giúp đỡ, đoàn kết của bà con trong làng. “Bà con đổi công, giúp nhau cùng làm. Bà con giúp nhau cây con giống; chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi.  Bà con cũng dặn nhau bài trừ các hủ tục, không lãng phí trong ma chay, cưới hỏi” – chị Y Nếp nói.

Trong Ngày hội, qua trò chuyện, tâm tình, bà con nhắc lại những ngày chống dịch Covid-19. “Cơm ăn không hết thì treo, việc làm chẳng hết thì kêu xóm giềng”, bà con tự nguyện, chung sức, hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình bị Covid-19 gặt lúa, nhổ mì, cạo mủ cao su cho kịp mùa vụ. Dù đời sống không khá giả, nhưng bà con như anh em một nhà, gắn kết, keo sơn, cùng nhau vươn lên trong cuộc sống.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, bà con trong thôn sắp xếp công việc cùng tham dự. Cùng lắng nghe những việc thôn đã làm được, chưa làm được để cố gắng hơn trong thời gian đến. Ở Ngày hội, mỗi người càng thêm hiểu rằng, đoàn kết là sức mạnh.

“Không chỉ trong Ngày hội mà bất kể ngày nào, chúng tôi cũng sẽ chấp hành tốt các quy định của làng, của xã; sẽ đoàn kết, gắn bó hơn nữa để cùng xây dựng thôn no ấm” – ông A Tiên (làng Đăk Krăk) chia sẻ.

Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, tiếng cười nói giòn giã ở khắp mỗi nơi diễn ra Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân. Đây là ngày hội lớn, là dịp để bà con gặp gỡ, chia sẻ, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống. Và, đây cũng là dịp để mỗi người hiểu và phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết để chung sức hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ của thôn, của làng, khu dân cư.       

Theo Hoài Tiến (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.