Rơ Châm H'Ken: Hết lòng vì công việc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Hơn 75% hội viên, phụ nữ xã Ia Ka là người Jrai, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Đảm đương vai trò Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, mình muốn tìm hướng đi phù hợp để chị em vượt qua đói nghèo, lạc hậu và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”-chị Rơ Châm H’Ken-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Ka-bày tỏ.
Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, chị H’Ken về công tác tại UBND xã Ia Ka. 26 tuổi, chị H’Ken được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã. “Thời gian đầu, mình gặp không ít khó khăn trong vận động, triển khai công việc. Không ít trường hợp các bà, các cô vì thấy mình còn trẻ nên tỏ thái độ không muốn lắng nghe. Mình quyết tâm không để điều này cản trở mà coi đó là thử thách để rèn luyện và đặt mục tiêu lấy hiệu quả công việc để thuyết phục chị em”-chị H’Ken kể lại.
Năm 2016, khi chị tiếp nhận công việc ở Hội LHPN xã, nhiều thôn, làng gần như “trắng” hội viên, nhất là các làng có đạo. “Bà con làng Bluk Blui đều theo đạo Tin lành. Thời điểm đó, làng chỉ có 20 chị em là hội viên Hội LHPN xã. Sau khi vận động, đến nay, 110 chị em đã là thành viên của tổ chức Hội. Trong đó, có 2 chị vừa hoàn thành lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng”-chị H’Ken chia sẻ. Từ 821 hội viên (năm 2016), đến nay, Hội LHPN xã có 1.327 hội viên, chiếm gần 74% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. 
Chị H’Ken (giữa) trong một chương trình tình nguyện tại xã Ia Ka (huyện Chư Pah). Ảnh: L.H
Chị H’Ken (giữa) trong một chương trình tình nguyện tại xã Ia Ka (huyện Chư Pah). Ảnh: L.H
Ông Rơ Châm Hyát-Bí thư Đảng ủy xã Ia Ka: “Chị H’Ken là cán bộ trẻ, có năng lực và giàu khát vọng cống hiến. Trong công việc, chị luôn đặt lợi ích của hội viên lên trên hết. Đặc biệt, chị H’Ken còn dành tâm huyết cho văn hóa dân tộc, chủ động kết nối để gìn giữ, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Jrai. Đây là điều vô cùng đáng quý”.

Là vùng đất còn lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa của người Jrai, xã Ia Ka có lợi thế phát triển du lịch văn hóa-cộng đồng. Năm 2010, xã thành lập được “Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ dệt thổ cẩm kết hợp du lịch cộng đồng” với 59 thành viên. Sau khi tiếp nhận công tác Hội Phụ nữ, chị H’Ken đã tìm cách thúc đẩy hoạt động của CLB, phát triển thêm thành viên và đặc biệt là kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm. “Hiện nay, CLB đã có 75 thành viên, trong đó có 12 em nhỏ. Chị em trong CLB tranh thủ lúc nông nhàn dệt vải để kiếm thêm thu nhập, đồng thời góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống văn hóa. Các sản phẩm thổ cẩm được bán với giá từ 600 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/sản phẩm. Không chỉ khách hàng trong tỉnh mà còn có du khách quốc tế đặt mua thổ cẩm của CLB”-chị H’Ken chia sẻ. Tiếp nối mô hình này, đầu năm 2020, Hội LHPN xã Ia Ka đã thành lập thêm “CLB Phụ nữ với nhạc cụ dân tộc” gồm 16 thành viên.

Chị H'Ken người ngoài cùng bìa trái cùng các thành viên nhóm văn nghệ của xã Ia Ka. Ảnh: Lê Hòa
Chị H'Ken người ngoài cùng bìa trái cùng các thành viên nhóm văn nghệ của xã Ia Ka. Ảnh: Lê Hòa
Bên cạnh đó, chị H’Ken còn hướng dẫn chị em tiết kiệm, chi tiêu phù hợp để tích góp, tránh lãng phí; liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương (trái cây, chế biến hạt mắc ca, hạt điều rang…) để tạo nguồn thu tốt hơn. Chính chị H’Ken cũng tham gia giới thiệu, kết nối và phân phối sản phẩm nông nghiệp, thổ cẩm cùng chị em để gia tăng uy tín, tạo động lực cho hội viên. 
“4 năm chưa phải là dài nhưng với kinh nghiệm của một cán bộ trẻ công tác tại cơ sở, mình nhận thấy công việc nào cũng có khó khăn riêng. Nếu chỉ nghĩ đến khó khăn mà dừng lại sẽ chẳng bao giờ làm được. Trong quá trình công tác, người cán bộ phải lăn lộn vào thực tiễn, gần gũi với hội viên. Đó là tinh thần “gần dân, lắng nghe nhân dân, cán bộ phải là người đầy tớ của nhân dân” như lời Bác Hồ căn dặn”-chị H’Ken nói. 
Với những đóng góp của mình, chị H’Ken vinh dự được tặng nhiều giấy khen, bằng khen cấp tỉnh và huyện, xã. Mới đây nhất, chị được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện công tác dân tộc ở địa phương và phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.