Quy định không được chơi game quá 180 phút/ngày: Chủ quán Internet công cộng và giới trẻ Gia Lai nghĩ gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vào tháng 12 sắp tới, Chính phủ sẽ chính thức áp dụng nghị định về quản lý dịch vụ Internet và thông tin mạng trên toàn quốc. Tại Gia Lai, quyết định này được dự đoán sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến các quán Internet công cộng cũng như thói quen giải trí của giới trẻ.

Ngày 25-12-2024, Nghị định số 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dịch vụ Internet và thông tin trên mạng sẽ chính thức có hiệu lực. Một trong những quy định nổi bật của Nghị định là giới hạn người dưới 18 tuổi không được chơi game quá 180 phút/ngày.

screenshot-2024-11-21-112415.png
Một điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng thường thấy tại TP. Pleiku. Ảnh: Hữu Anh

Xù Gaming (số 31-33 Cù Chính Lan, tổ 3, phường Diên Hồng) là một trong những điểm cung cấp dịch vụ Internet khá lớn trên địa bàn TP. Pleiku. Tiệm luôn đông khách, đặc biệt vào những giờ cao điểm như buổi chiều hoặc ngày cuối tuần.

Theo chủ tiệm Phạm Thị Ngọc Mai, hiện tại, tệp khách hàng của tiệm khá đa dạng, từ người đi làm, thanh thiếu niên và có cả người lớn tuổi; trong đó, số khách hàng dưới 18 tuổi chiếm khoảng 60%. Khi biết thông tin về Nghị định số 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ, chị Mai bày tỏ sự ủng hộ, dù biết rằng việc kinh doanh của mình có thể sẽ bị ảnh hưởng.

"Tôi thấy đây là quyết định đúng đắn cho các em dưới 18 tuổi. Bởi ở độ tuổi này, các em còn ham chơi và dễ sa đà vào các trò chơi điện tử. Nếu được kiểm soát chặt chẽ giờ giấc theo quy định, các em có thể cân bằng thời gian giữa việc giải trí, học tập và các hoạt động khác trong cuộc sống"-chị Mai nhìn nhận.

Tuy nhiên, chị Mai cũng phân tích thêm, để đảm bảo rằng thời gian chơi của khách hàng dưới 18 tuổi không vượt quá 180 phút/ngày và mỗi trò chơi chỉ được chơi tối đa 60 phút, các quán Internet cần hợp tác với nhà phát hành game, phần mềm để đồng bộ hệ thống quản lý tài khoản và thời gian chơi.

Đây là thách thức lớn đối với các quán Internet công cộng trên địa bàn, bởi gần như họ chỉ hoạt động dựa trên mô hình truyền thống, chưa có nhiều sự tích hợp kỹ thuật số.

screenshot-2024-11-21-112053.png
Khách hàng dưới 18 tuổi không được chơi game vượt quá 180 phút/ngày và mỗi trò chơi chỉ được chơi tối đa 60 phút. Ảnh: Hữu Anh

Về phía học sinh, nhiều bạn cũng bày tỏ sự đồng tình trước quy định mới. Đặng Thanh Hải (SN 2005; tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chia sẻ: "Mỗi ngày em thường chơi game từ 1-2 tiếng, chủ yếu vào buổi tối sau khi học bài. Em thích chơi các tựa game chiến thuật như Liên Minh Huyền Thoại vì vừa vui vừa có thể chơi cùng bạn bè. Nếu thời gian bị giới hạn, em nghĩ mình sẽ phải chơi game ít đi hoặc tìm cách chơi tại nhà. Song, em thấy đây cũng là việc tốt bởi vì bản thân em cũng khá ham chơi, đôi khi em không kiểm soát được thời gian dẫn đến sa đà vào game".

“Em thấy rằng với Nghị định mới, các bạn trẻ có thể dành thời gian nhiều hơn cho các hoạt động giải trí thể chất thay vì trò chơi điện tử. Ngoài ra các bậc phụ huynh cũng có thể yên tâm hơn với lịch trình vui chơi giải trí của các con”-bạn Nguyễn Quang Duy (SN 2000; tổ 2, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) nhìn nhận.

Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng có nhận thức rõ ràng về tác hại của việc chơi game quá độ. Theo quan sát của P.V Báo Gia Lai, nhiều học sinh tại TP. Pleiku thường tranh thủ ra quán Internet ngay khi tan học, thậm chí dành cả ngày cuối tuần để chơi game. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn gây ra các vấn đề về sức khỏe như: mỏi mắt, đau lưng hoặc mất ngủ.

screenshot-2024-11-21-112322.png
Không phải bạn trẻ nào cũng có nhận thức rõ ràng về tác hại của việc chơi game quá độ. Ảnh: Hữu Anh

Đối với các quán Internet công cộng tại TP. Pleiku, Nghị định số 147/2024/NĐ-CP không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để đổi mới và phát triển.

Ngoài việc tuân thủ quy định, các quán có thể tập trung xây dựng một môi trường giải trí lành mạnh hơn, chẳng hạn như tổ chức các buổi giao lưu, hướng dẫn kỹ năng chơi game chuyên nghiệp hoặc cung cấp thêm các dịch vụ tiện ích.

Nghị định số 147/2024/NĐ-CP yêu cầu các doanh nghiệp phát hành game phải liên tục cảnh báo về tác hại của việc chơi game quá thời gian quy định. Các thông báo như “Chơi quá 180 phút/ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” phải được hiển thị rõ ràng trên màn hình. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng internet và chơi game một cách lành mạnh.

Chủ tiệm Xù Gaming cho biết: Để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định mới, chúng tôi sẽ phải đầu tư nâng cấp hệ thống, phần mềm khá nhiều. Điều này không dễ dàng gì với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Ngoài việc đầu tư hệ thống, chúng tôi còn phải thay đổi cách vận hành quán để thu hút thêm đối tượng khách hàng khác. Chẳng hạn, tổ chức các giải đấu thể thao điện tử hoặc cung cấp các dịch vụ bổ sung như đồ ăn, thức uống...

Tương tự, bà Văn Thị Thu Hà-chủ tiệm dịch vụ Internet công cộng Đôrêmon (256 Nguyễn Tất Thành, tổ 7, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cho hay: Qua tìm hiểu, tôi thấy đa số các quán kinh doanh dịch vụ Internet đều hưởng ứng kế hoạch của Nghị định sắp tới. Bởi, nó không chỉ giúp môi trường giải trí lành mạnh hơn mà các em nhỏ tuổi cũng có thể phát triển đúng cách. Không phải trẻ nhỏ nào cũng có khả năng quản lý bản thân để chống lại sự hấp dẫn của các trò chơi bắt mắt.

"Với sự phối hợp của hệ thống quản lý đến từ các nhà phát hành game trong thời gian tới, môi trường vui chơi điện tử hứa hẹn sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn từ công chúng, đặc biệt là trong mắt các bậc phụ huynh-những người vốn luôn quan ngại về những mặt trái của các trò chơi điện tử"-bà Hà nói.

Góc nhìn từ chủ sở hữu doanh nghiệp và những người sử dụng dịch vụ internet. Clip: Hữu Anh
screenshot-2024-11-21-112011.png
Nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ Internet công cộng hưởng ứng và lên kế hoạch chuẩn bị để thích ứng với Nghị định số 147/2024/NĐ-CP. Ảnh: Hữu Anh

Có thể nói, sự ra đời của Nghị định 147/2024/NĐ-CP là bước đi quan trọng nhằm điều chỉnh và quản lý tốt hơn việc sử dụng dịch vụ internet và video game trong xã hội hiện đại. Tại Gia Lai, những thay đổi này hứa hẹn sẽ tạo ra một môi trường giải trí an toàn và lành mạnh hơn cho giới trẻ; đồng thời, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp Internet công cộng.

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trao gửi yêu thương đến trẻ em ở làng tái định cư

Trao gửi yêu thương đến trẻ em ở làng tái định cư

(GLO)- Hàng trăm người dân và trẻ em ở xã Ia Phí (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã nhận được nhận những phần quà ý nghĩa tại chương trình “Áo ấm cho em” do Ban Thanh niên Công an tỉnh Gia Lai, Ban Thanh niên Công an tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Huyện Đoàn Chư Păh, Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ tỉnh trao tặng trong ngày 4-12 vừa qua.

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều trường học có cổng ra vào nằm cạnh đường quốc lộ và tỉnh lộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh.