Gia Lai là một tỉnh có diện tích tự nhiên đứng thứ hai toàn quốc (1.553693,31 ha). Trong quá trình phát triển cơ cấu các loại đất có biến đổi, tính đến 1-1-2009, đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp tăng dần; đất chưa sử dụng giảm. Những năm qua công tác quản lý tài nguyên đất đai ngày càng đi vào nền nếp, sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả hơn, song các mặt công tác triển khai còn chậm.
Công tác quy hoạch còn lúng túng và chậm tiến độ
Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo UBND cấp huyện, các ngành lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2001-2010 của từng ngành, từng cấp từ tỉnh đến cấp huyện và cấp xã, đồng thời lập kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2005-2010. Cấp tỉnh đã triển khai việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất 2001-2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006-2010) được Chính phủ phê duyệt.
Tính đến 31-12-2009, tỉnh đã triển khai thực hiện: Đất nông nghiệp 1.394.299 ha/1.432.398 ha, đạt 97%; đất phi nông nghiệp 102.725 ha/106.073 ha, đạt 97%; đất chưa sử dụng đạt 66%. Rà soát quỹ đất của 34 lâm trường và Ban Quản lý Rừng phòng hộ, các chủ rừng trên địa bàn tỉnh, qua đó phân loại, đánh giá hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp để thu hồi, chuyển sang mục đích khác có hiệu quả hơn. Kết quả dự kiến các tổ chức phải giao lại cho địa phương quản lý 77.111,9 ha, bao gồm: Đất trống sử dụng không hiệu quả 3.197,2ha; đất dân chuyển sang sản xuất 38.386,14 ha; đất rừng nghèo 17.985,26 ha; đất trống chưa sử dụng 17.543,3 ha. Phê duyệt quy hoạch và triển khai các dự án: Xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, khu đô thị mới.
Đo đạc, khảo sát đất. Ảnh: H.P |
Đối với cấp huyện, đến nay mới chỉ có huyện Kbang đã lập quy hoạch sử dụng đất đai đến năm 2015, được UBND tỉnh phê duyệt. Có các huyện: Mang Yang, Đak Đoa, Chư Sê, Chư Pưh, Ia Grai, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa lập kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 mới được các ngành thẩm định. Số còn lại 9 huyện, thị, thành phố chưa lập được kế hoạch sử dụng đất như sự chỉ đạo của UBND tỉnh.
Đối với cấp xã chỉ có 56 xã, phường, thị trấn lập quy hoạch sử dụng đất được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Công tác quy hoạch ở cấp huyện và xã chưa được chú trọng, chậm trễ nên dẫn đến quy hoạch nông thôn, đất chuyên dùng, phát triển dân cư, đồng cỏ, chuồng trại chưa được thực hiện, đã gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai, đồng thời không có cơ sở để định hướng trong khai thác, sử dụng tài nguyên đất đai một cách đầy đủ, tiết kiệm, hiệu quả.
Công tác lập hồ sơ địa chính cấp giấy quyền sử dụng đất còn thấp
Đến nay, toàn tỉnh cấp được 326.061 giấy quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho hộ gia đình và cá nhân với diện tích 290.488,5 ha, đạt 58,46%; đối với tổ chức đã cấp 1.003 giấy, diện tích 251.393,61 ha, đạt 34,85%. Công tác này tiến độ thực hiện chậm, chưa đáp ứng nhu cầu của người sử dụng đất và còn tồn đọng nhiều hồ sơ; nhiều hồ sơ làm sai lệch nên phải làm đi, làm lại kéo dài thời gian gây phiền hà cho người dân.
Đối với Chương trình 132, toàn tỉnh đã giải quyết được 3.920,5 ha, đạt 58,41%, cho 12.143 hộ dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, đạt 77,15%; Chương trình 134 đã hỗ trợ đất sản xuất cho 1.868 hộ, đạt 77,83%, đất ở cho 699 hộ, đạt 100%... Đã giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp khiếu nại, tố cáo về đất đai phức tạp, kéo dài, đảm bảo đúng quy định của Luật, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương...
Thực hiện quản lý tài nguyên đất theo Luật Đất đai năm 2003, đã hơn 5 năm, song vẫn còn những bất cập trong quá trình triển khai. Nguyên nhân đã được ngành chức năng xác định có sự bức xúc trong nhân dân do sử dụng từ “đất vườn” thay “đất trồng cây lâu năm” ở Điều 13 của Luật Đất đai nên thu thuế chuyển quyền sử dụng đất trồng cây lâu năm thu 100%. Trong khi đó đất nông nghiệp chỉ thu thuế 50%. Nhiều đại biểu cho rằng thời gian qua các văn bản pháp luật thay đổi liên tục nên trong chỉ đạo điều hành còn gặp nhiều khó khăn. Công việc quy hoạch chậm trễ là do nhân lực thiếu và yếu, kinh phí hạn chế...
Ông Hoàng Công Lự- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý tài nguyên, môi trường và thi hành Luật Đất đai, do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức vừa qua nhận xét: Từ khi có Luật Đất đai năm 2003, công tác quản lý đất đai tỉnh ta đã đi vào quy củ, song tỉnh ta là một trong những tỉnh cấp giấy QSDĐ thấp nhất nước. Trong thời gian qua công tác tuyên truyền, giáo dục còn hạn chế, chưa chú trọng tuyên truyền qua kênh báo chí, truyền thông.
Thời gian tới, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phải tập hợp cả hệ thống chính trị tham gia. Phải có chương trình, kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài... Cán bộ, công chức nỗ lực hơn nữa các mặt công tác để phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...
Thanh Chương