Người mang họ Hồ: Dựng những miền 'đất hứa'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người Vân Kiều phân bố chủ yếu ở Quảng Trị, Quảng Bình và lập làng dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Những nơi in dấu chân người Vân Kiều luôn có những nóc nhà sàn bình yên, giản dị, chất chứa biết bao huyền thoại đẫm chất sử thi...
Bản giữa lòng di sản
Phải mất nhiều giờ đi qua con đường độc đạo xuyên giữa rừng già mới đến được bản Đoòng (xã Tân Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình). Thung lũng ấy được bao bọc giữa bốn bề núi đá của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, là hiện thân của kỳ tích người Vân Kiều trong việc vạch rừng, lập làng, lập bản.

Bản Đoòng (xã Tân Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình) giữa rừng di sản. Ảnh: Bá Cường
Bản Đoòng (xã Tân Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình) giữa rừng di sản. Ảnh: Bá Cường
Ở bản Đoòng, nổi tiếng nhất phải kể đến Pả Tòa (73 tuổi), người “gieo mầm” sự sống ở vùng sâu thẳm núi rừng Phong Nha. Người ta kể lại rằng, hơn 30 năm trước, khi còn định cư ở khu vực xã Trường Sơn (H.Quảng Ninh, Quảng Bình), cuộc sống gia đình Pả Tòa phụ thuộc vào núi rừng, xuống suối bắt cá rồi lên rừng đặt bẫy thú. Trong một chuyến đi dài ngày, Pả Tòa phát hiện ra thung lũng bằng phẳng, bốn bề bao bọc bởi núi đá vôi, có suối có cá, có đất rộng để trồng cây nên ông quay về vận động dân làng dọn đến nơi ở mới.
Năm 1990, Pả Tòa và 4 người khác là Hồ Văn Bình, Hồ Văn Hoan, Hồ Văn Xay và Hồ Văn Thắng vạch rừng lập bản. Nhóm 5 hộ dân đầu tiên đã nương tựa nhau sống giữa vùng lõi vườn quốc gia. Năm 1991, bản Đoòng được thành lập, nhưng rồi có vài hộ dân rời đi, có người qua đời, người chuyển về lại xã theo chính sách hỗ trợ của nhà nước. Chỉ còn lại gia đình Pả Tòa gắn bó, cắm cọc dựng nhà. Giờ đây, cả bản Đoòng có 13 hộ dân nhưng hầu hết đều là con cháu ruột thịt của Pả Tòa.
Theo lời kể của Pả Tòa, hơn 30 năm qua chưa bao giờ rừng núi để cho gia đình ông lâm cảnh thiếu ăn thiếu mặc. Sự rắn rỏi, tháo vát của một người Vân Kiều chính hiệu làm ông đủ sức để bảo bọc, là cột chống cho cả đại gia đình. Dẫu đến giờ, bản Đoòng vẫn chưa có đầy đủ điện đường trường trạm, nhưng Pả Tòa vẫn tin là đại gia đình mình sống tốt. Giữa rừng sâu, những người con Vân Kiều cứ thế sinh sôi. 30 năm qua, dưới bàn tay của những “bà đỡ” tự nhiên, chưa có phụ nữ nào vượt cạn bất thành. 24 đứa trẻ được sinh ra và lớn lên khỏe mạnh như cây rừng. Thế rồi, cũng có những thầy giáo miền xuôi lên với bản Đoòng, dạy cho bọn trẻ cái chữ. Như thầy Hoàng Văn Sáu (54 tuổi), người cắm bản ngót 12 năm với giấc mơ cho lũ trẻ bản Đoòng biết mặt chữ, biết cộng trừ...

Bản Ra Ly Rào mới (xã Hướng Sơn, H.Hướng Hóa, Quảng Trị). Ảnh: Thanh Lộc
Bản Ra Ly Rào mới (xã Hướng Sơn, H.Hướng Hóa, Quảng Trị). Ảnh: Thanh Lộc
Bản không hút thuốc uống rượu
Đi khắp các bản làng giữa miền sơn cước Đakrông (Quảng Trị), mới biết đồng bào thiếu thốn lắm nhưng có thứ không hề thiếu trong những gian nhà sàn: rượu và thuốc lá. Riêng ở bản Cu Pua (xã Đakrông, H.Đakrông), rượu và thuốc lá lại trở nên xa lạ. Nhiều người dân ở bản Cu Pua khắc lên tấm ván gỗ trong nhà dòng chữ: “Chổi ngoãi bloong tâng đông”, nghĩa là “Không uống rượu trong nhà”. Câu “khẩu hiệu” này nhắc nhở con cháu cũng như khách lạ về một lối sống khác biệt.
Ông Hồ Ê Nót, dân bản Cu Pua, kể rằng con dân của bản đã quen với nếp sống không uống rượu, hút thuốc. Ai có ép có mời, họ cũng chỉ lắc đầu và cười ý nhị. Ở các hàng quán trong bản, có muốn cũng chẳng tìm mua được lấy một giọt rượu. Ai còn phì phèo thuốc lá cũng sẽ bị coi là lạc hậu. Bọn trẻ ở bản cũng “miễn nhiễm” với thuốc lá. Chính bọn trẻ lại bắt người già noi gương để bỏ thuốc. Ở Cu Pua, thanh niên hút thuốc có nguy cơ… ế vợ, vì con gái và gia đình nhà gái dị ứng với thuốc lá, rượu chè.
Rất dễ hiểu vì sao tiệc tùng ở Cu Pua đều là… “tiệc chay”. Đám cưới cũng thấy dựng rạp sặc sỡ, mâm bát đường hoàng, bày hẳn hộp đựng quà mừng hình trái tim. Thịt cá ê hề, ai muốn ăn bao nhiêu tùy thích, nhưng dưới mỗi bàn tiệc không có bia mà chỉ sắp toàn nước ngọt. Bản Cu Pua không uống rượu khiến lực lượng an ninh của xã cũng “được nhờ”, chẳng bao giờ phải lo đi can ngăn mấy vụ đánh lộn, gây gổ. Dân bản Cu Pua không quen xài câu “nam vô tửu như kỳ vô phong”, vẫn thấy phong độ ngời ngời.

Người dân bản Cu Pua (xã Đakrông, H.Đakrông, Quảng Trị) không hút thuốc lá, không uống rượu bia. Ảnh: Nguyễn Phúc
Người dân bản Cu Pua (xã Đakrông, H.Đakrông, Quảng Trị) không hút thuốc lá, không uống rượu bia. Ảnh: Nguyễn Phúc
Niềm vui bản mới
Bản Sắt ở xã Trường Sơn, H.Quảng Ninh (Quảng Bình) hầu hết là dân cư người Vân Kiều. Nơi đây có địa hình lòng chảo, thường xuyên trở thành túi nước đón lũ vào mùa mưa. Hàng trăm năm qua, người dân bản Sắt sống trồi sụt theo những cơn mưa rừng. Giấc mơ về những mái nhà cao ráo, kiên cố để an cư lạc nghiệp luôn cháy bỏng trong lòng dân bản. Thế rồi, ngày ấy cũng đến. Chính quyền địa phương với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm đã “gom” được gần 10 tỉ đồng để xây dựng khu tái định cư cho những hộ Vân Kiều ở bản Sắt. Tháng 7.2021, có 34 căn nhà hoàn thành, làm nơi ở mới cho 152 người.
Ông Pả Muôn, Trưởng bản Sắt, khoe ngoài ngôi nhà mới kiên cố có diện tích 40 m2, làm bằng khung bê tông, tường sắt, tôn chống nóng…, mỗi hộ dân còn được cấp 300 m2 đất. Chưa hết, nhà nước đầu tư dãy nhà 2 tầng làm điểm trường kết hợp nhà tránh lũ cộng đồng. “Thật không còn gì bằng, dân làng được ở quây quần cùng nhau trong những ngôi nhà mới, trên những khu đất bằng phẳng. Giờ có mưa lũ, bà con chả có gì phải lắng lo”, Pả Muôn mừng ra mặt.

Một bản làng Vân Kiều xinh xắn ở xã Đakrông (H.Đakrông, Quảng Trị). Ảnh: Nguyễn Phúc
Một bản làng Vân Kiều xinh xắn ở xã Đakrông (H.Đakrông, Quảng Trị). Ảnh: Nguyễn Phúc
Cách bản Sắt vài chục cây số về phía nam là bản Ra Ly Rào mới (xã Hướng Sơn, H.Hướng Hóa, Quảng Trị). Xuân Nhâm Dần 2022 là năm đầu tiên 45 hộ dân người Vân Kiều ở bản Ra Ly Rào mới đón xuân trong nhà mới, ở bản làng mới. Sau hàng trăm mùa xuân sống thấp thỏm trong nỗi lo sạt lở, cuối cùng họ cũng có mùa xuân bình yên.
Nhớ lại hồi cuối năm 2020 đầu năm 2021, thiên tai sạt lở kinh hoàng đổ xuống phía tây Quảng Trị. Bản Ra Ly Rào (xã Hướng Sơn) là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề khi đất đá vùi nhà cửa, đất đai và cả con đường dẫn vào bản. Nhưng năm nay, mọi thứ đã khác rồi. Chỉ ngay trước tết hơn 1 tháng, 45 hộ dân ở vùng nguy hiểm nhất của bản Ra Ly Rào đã được di dời khẩn cấp ra vùng đất bằng phẳng, an toàn. Ở đó, họ còn có cả nhà mới và những mảnh ruộng mới...
Ghé bản Ra Ly Rào mới, cảm nhận niềm vui lan khắp muôn nơi. Nhìn từ xa, những ngôi nhà mới xây cùng kích cỡ, sơn cùng màu sắc… cứ như những tổ chim bồ câu đẹp mắt. Phía trước nhà, cờ đỏ tung bay phần phật, ngay bên dưới là những chậu lan rừng đang nở hoa... Ông Hồ Văn Ất (Trưởng bản Ra Ly Rào mới) mừng rỡ bảo, sau bao nhiêu lận đận, bà con bản Ra Ly Rào mới vừa có được những ngày sống hạnh phúc, đủ đầy.
(còn tiếp)
Theo Nguyễn Phúc - Bá Cường (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.