Cô giáo đầu đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi không cảm thấy tự ti khi mình học lớp của "cô Cân thịt lợn" nữa mà dần cảm thấy tự hào, yêu quý cô hơn rất nhiều. Lên lớp, cô vẫn ân cần, gần gũi như một người mẹ hiền đối với chúng tôi
Trong suốt 16 năm cắp sách đến trường, được học hàng chục cô giáo nhưng đối với tôi, cô Cân vẫn luôn là cô giáo để lại nhiều kỷ niệm đẹp nhất, không chỉ là cô giáo đầu tiên, cô giáo cao tuổi nhất mà còn bởi tình cảm của cô dành cho tôi để vượt qua sự miệt thị của bạn bè.
Cô gần hưu, trò chập chững
Tôi sinh ra ở làng Yên Phú (xã Văn Phú, huyện Thường Tín, TP Hà Nội), một ngôi làng thuần nông thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Nhà tôi có hai anh em, anh trai hơn tôi 2 tuổi. Lúc anh tôi vào lớp 1, tôi thường tự chơi một mình quanh nhà, nghe tiếng trống trường rộn rã ở kế bên, tôi rất thích nên thường đi dọc các hành lang, nhìn vào lớp học với ánh mắt ngơ ngác, thèm thuồng.
Một lần, tôi đứng kiễng chân sau ô cửa sổ để nghe giảng những vần chữ đầu tiên trong đời, tôi thích thú đọc to giống như các bạn trong lớp. Bất giác, một cô giáo đứng đằng sau lưng tôi, xoa đầu hỏi chuyện: "Cháu là con nhà ai, đã đủ tuổi đi học chưa mà lên đây?". Tôi giật nảy người, tim đập loạn nhịp nhưng vẫn cố nói tên bố mẹ cho cô biết và trả lời rằng: "Cháu chưa đi học ạ, cháu lên trường chơi thôi ạ". Thấy đôi mắt ngây thơ, trong sáng và rất thích học chữ của tôi, cô liền bế tôi vào lớp. Cô hỏi: "Thế cháu có muốn đi học không?", tôi trả lời: "Cháu muốn ạ".
Cô đặt tôi ở giữa bục giảng. Lấy thước chỉ vào từng chữ cái và bảo tôi đọc thử. Tôi liền đọc thông được nhiều chữ cái rất to, rõ, cả lớp ở dưới đều bất ngờ, bởi các bạn đều biết tôi trông nhỏ hơn rất nhiều so với các bạn mà đã có thể đọc được nhiều chữ cái như vậy.
Tôi không những kém 1 tuổi so với các bạn đã 6 tuổi mà tôi còn sinh cuối năm, trông rất non nớt. Còn cô giáo tôi, cô Cân lúc đó đã ở tuổi sắp về hưu, gần như cao tuổi nhất Trường Tiểu học Văn Phú. Cô có mái tóc xoăn bồng bềnh, giọng nói rất êm ái nhưng trên tay thường cầm một cây thước gỗ dài, cây thước làm cho lũ nhóc nghịch ngợm như chúng tôi ngày đó rất e sợ.
Cuối buổi học, mẹ tôi từ bên nhà sang đón tôi về, thấy tôi đi từ trong lớp ra, mẹ rất ngạc nhiên. Đi theo sau là cô giáo chủ nhiệm, thế là mẹ tôi và cô giáo cùng nói chuyện, trao đổi rồi quyết định cho tôi đi học sớm trước tuổi. Ngày đó, mẹ tôi chỉ nghĩ rằng cho đi học sớm nếu tôi học được là điều tốt, nếu không thì sẽ có chỗ an toàn để tôi ngồi im, cho mẹ yên tâm đi làm.
 
Mái trường xưa của tôi nay đã khang trang
Mái trường xưa của tôi nay đã khang trang
 
Cô Cân nay đã ngoài 70 tuổi, vẫn đủ sức khỏe đi bán rau
Cô Cân nay đã ngoài 70 tuổi, vẫn đủ sức khỏe đi bán rau
Nghề tay trái của cô
Những ngày đầu đi học, tôi háo hức vô cùng, hăng say giơ tay phát biểu bài. Trên bục giảng là cô giáo kính yêu, dưới lớp ban đầu tôi gọi là các anh, các chị nhưng sau tôi đã trở thành bạn bè đồng trang lứa. Nhưng những hình ảnh về cô giáo chủ nhiệm kính yêu bỗng nhiên từ trên mây hồng lao xuống vực thẳm sau một lần tôi đi chợ sáng cùng mẹ.
Mẹ tôi dẫn tôi đi mua thịt lợn vào một phiên chợ ngày rằm. Phía xa xa, trông như bóng ai rất đỗi quen thuộc, cũng mái tóc xoăn, đôi mắt đó nhưng trong bộ tạp dề dính đầy tiết lợn, trên đầu bịt khăn, còn tay cầm con dao nhọn hoắt thái thịt "đều như vắt tranh". Càng tiến gần, tôi lại càng khẳng định chắc chắn đó là cô giáo chủ nhiệm của tôi, người mà vừa chiều qua thôi vẫn còn đứng trên lớp dạy học, âu yếm từng học trò nhỏ.
Mẹ tôi chào bà Cân, tôi chào cô giáo. Cô giáo hỏi chuyện tôi về học hành, bài vở hôm qua như bình thường, còn với tôi, lúc đó vẫn rất bỡ ngỡ không biết bà bán thịt lợn này có phải thật sự là cô giáo của mình hay không, hình tượng mẫu mực về cô trong tôi như đang dần đổ vỡ. Về đến nhà, tôi hỏi kỹ càng mẹ tôi thì mới biết nhà cô Cân làm nghề mổ lợn, buổi sáng cô sẽ bán thịt đến khoảng 7 giờ rồi sau đó lên lớp dạy chúng tôi. Tan học, buổi chiều cô lại về bán tiếp, tối đến thì rán thịt mỡ lấy mỡ và lấy tóp. Cô Cân không qua trường lớp sư phạm bài bản nào nhưng là người hay chữ lại yêu mến trẻ nhỏ nên được mời làm giáo viên của trường. Từ đó đến nay đã mấy chục năm và đến niên khóa của tôi thì cô đã gần đến ngày về hưu.
Đi học được một thời gian, tôi mới biết rằng lớp 1B tôi đang học là lớp có chất lượng học sinh thấp hơn lớp 1A, giáo viên dạy lớp 1A cũng được tuyển chọn kỹ càng hơn. Mỗi khi giờ ra chơi, các bạn lớp A thường chế giễu chúng tôi là lớp "dốt", "lớp B", lớp có cô giáo già làm nghề bán thịt lợn...
Từ đó biệt danh lớp "Cô Cân thịt lợn" là để gọi lớp 1B chúng tôi. Điều đó làm tôi không ít chạnh lòng, mặc cảm, thậm chí là xấu hổ vì hai chữ "thịt lợn". Tôi đã thầm trách mẹ và cô giáo, tại sao không cho tôi vào lớp A học, phải chăng do tôi học kém hay chỉ vì lớp B lúc đó ít học sinh quá nên đưa tôi vào cho đủ. Nhưng rồi, cô giáo bán thịt lợn của chúng tôi đã dành trọn tình cảm, tâm huyết của mình cho lớp 1B nghịch ngợm ấy.
Đậm ân tình
Tôi còn nhớ mãi lớp học của chúng tôi ngày đó rất tạm bợ. Đó là dãy nhà đã xuống cấp, trên mái nhà lộ rõ từng khoảng trời, nền lớp vẫn còn bằng đất, phấn đôi khi được dùng bằng những cục vôi lượm lặt ngoài đường. Còn nhà vệ sinh là một bãi đất trống đằng sau có quây một tấm bạt.
Cô Cân không chỉ quan tâm việc học mà cô thương tôi nhà nghèo, bữa ăn ít có miếng ngon. Có hôm, cô tranh thủ chạy về nhà lấy cho nhà tôi bát tóp mỡ. Ngày xưa, bát tóp mỡ rất quý, được coi như "sơn hào hải vị". Nhà cô làm nghề mổ lợn nên tóp mỡ có sẵn, còn nhà tôi thì bố mẹ đi làm thuê làm mướn quần quật chỉ đủ nuôi mấy miệng ăn.
Tôi lớn lên từng ngày trước sự dạy dỗ của cô và đâu đó là những bát tóp mỡ cô cho. Dần dần, tôi không cảm thấy tự ti khi mình học lớp B, lớp của "cô Cân thịt lợn" nữa mà không biết tự lúc nào đã tự hào, yêu quý cô hơn rất nhiều. Bởi lẽ, bán thịt lợn không có gì là xấu, chỉ là trông vẻ bề ngoài có chút không được tươm tất và điều đó không nói lên được tính cách con người. Lên lớp, cô vẫn ân cần, gần gũi như một người mẹ hiền đối với chúng tôi, vẫn thường bế ẵm chúng tôi ngay trong giờ ra chơi.
Thấm thoát, cái ngày đứng bên bậu cửa sổ học lỏm đấy của tôi đã trôi qua hơn 20 năm. Cô Cân giờ đã không còn bán thịt lợn mà chuyển sang bán rau. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cô vẫn còn nhận ra cậu học trò bé bỏng ngày nào giờ đã trưởng thành và như thói quen, cô vẫn thường hỏi tôi về con đường học tập.
Dãy nhà cũ lớp 1 năm nào đã không còn và được thay thế bằng dãy nhà lầu khang trang nhưng ở đó vẫn ẩn hiện hình ảnh cô giáo già vừa giỏi việc nước, đảm việc nhà, yêu quý học trò như con. Và hình ảnh cô cõng tôi chạy trong mưa sau bao nhiêu năm vẫn còn ấm nồng mãi mãi. 

Hơi ấm bờ vai

Những hôm trời trở mưa, các bạn được bố mẹ đến đón về, thường chỉ có mình tôi phải đợi tạnh mưa rồi tự đi về nhà, vì bố mẹ tôi đi làm về rất muộn. Những hôm đó, cô lại cõng tôi rồi mặc áo mưa trùm cả hai cô trò cùng nhau chạy một mạch về nhà tôi. Về đến nhà, thấy cửa vẫn khóa thì cô ngồi trò chuyện với tôi ở sân hè đợi đến lúc bố mẹ tôi về. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh trong một ngày gió bão quăng quật, cô cõng tôi, lấy chiếc cặp của cô che mưa cho tôi, chạy dọc con kênh về nhà, tôi vẫn khô ráo còn cô thì ướt hết. Hơi ấm từ bờ vai của cô tỏa lên không khác nào hơi ấm của tình thân, có lẽ là tình bà cháu vì cô không kém bà nội tôi mấy tuổi.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.