Chênh vênh đường về Triều Châu, xóm Bàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày cuối đông, đường về làng đan rổ Triều Châu (thôn Triều Châu, xã Duy Phước), xóm Bàu (thôn Văn Quật, xã Duy Thành, Duy Xuyên) với những con đường nhỏ, yên bình bỗng hóa chênh vênh. Ngôi làng nhỏ, nơi lưu giữ ký ức, tuổi thơ hồn nhiên, lưu giữ những giá trị tinh hoa một thuở đang biến động từng ngày. Làng nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một khi thế hệ người già dần xa vắng, còn người trẻ không ai mặn mà bám nghề.
 
Để có được những sản phẩm tinh xảo, người đan phải trải qua rất nhiều khâu tỉ mỉ.
Để có được những sản phẩm tinh xảo, người đan phải trải qua rất nhiều khâu tỉ mỉ.
Vang bóng một thuở
Triều Châu, xóm Bàu là ngôi làng, ngõ xóm mà chỉ cần gọi tên thôi đã nghe quen thuộc như một phần ký ức của người con Duy Phước, Duy Thành. Với nhiều người sinh ra và lớn lên trên đất này, mỗi cuộc trở về với những tên làng, địa danh như khơi gợi trong miền ký ức về tuổi thơ tươi đẹp, hồn nhiên.
Nơi đó, bao thế hệ cư dân đã miệt mài làm nên những chiếc rổ, chiếc sàng, mủng, dừng, thúng, nia, dí… Chính đôi bàn tay tài hoa, tảo tần đã nuôi sống bao thế hệ trưởng thành.
Trong thời đại 4.0, các loại túi ny lon, sản phẩm nhựa lên ngôi, chợt se sắt khi bất chợt bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ bưng rổ cá, rổ rau đậy tàu lá chuối thoăn thoắt ra chợ. Vô hình chung, họ - một bộ phận nông dân, những nghệ nhân làng nghề truyền thống bỗng trở nên “lạc hậu”…
Một ngày, băng qua cánh đồng rộng lớn, cây cầu nho nhỏ, những mái ngói bình yên, ghé qua Triều Châu nằm ở rẻo đất Duy Phước rồi đi qua xóm Bàu sát đó, nghe rất đỗi bình yên.
Xa xa, vọng lại tiếng cọc cạch chẻ tre, rồi hình ảnh một lão nông ngồi vót, trau chuốt từng nan tre với chiếc rựa bén ngót trên tay, tỉ mẩn trước hiên nhà, thân thương đến lạ. Hầu hết “thợ thủ công” là người lớn tuổi, tranh thủ vót tre, đan đát những chiếc rổ lớn nhỏ để kiếm thêm chút thu nhập cải thiện đời sống.
 Ông Nguyễn Xượt, một lão nông xóm Bàu thở dài: “Lao động làng nghề chừ đi các ngã rồi, ngay các gia đình ngày trước đan rổ, nong, nia... cũng nghỉ hết rồi. Một phần do sản phẩm làng nghề bây giờ ế ẩm, bí đầu ra.
Mấy ai còn sử dụng rổ rá, rổ sảo, dừng, sàng, nong nia, hay dí... trong đời sống như thuở trước nên sản phẩm bán rất chậm. Vợ chồng tôi đan cả ngày cao nhất chỉ kiếm chừng 100 nghìn đồng/người, có khi không được”.
Cũng theo ông Nguyễn Xượt, thế hệ trẻ không rành nghề đan, rành kiểu đan nan mốt, nan hai thì làm sao mà giữ lửa nghề truyền thống. Nghề đan rổ Triều Châu và đan nhiều sản phẩm khác đã dần mất trên làng Triều Châu, xóm Bàu từng một thời vang bóng là vậy.
Dấu ấn sản phẩm Triều Châu
Theo ông Đỗ Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Duy Thành, xóm Bàu còn lác đác vài hộ giữ nghề đan tre chính và một số hộ đan mang tính thời vụ. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị huyện và các cơ quan chức năng công nhận nghề đan lát ở xóm Bàu là làng nghề truyền thống, song vẫn chưa có hồi âm. Làng nghề truyền thống đang mai một mà thiếu cơ chế, chính sách bảo tồn khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Đan tre là nghề cha truyền con nối trên đất Triều Châu, xóm Bàu. Ông Nguyễn Xượt nói, thời hưng thịnh, tầm 10 năm trở về trước, cả xóm Bàu có tới 80% gia đình theo nghề nhưng nay chỉ còn vài ba hộ đan chính, còn rải rác một số hộ đan mang tính thời vụ.
Còn Triều Châu thì không còn ai bám nghề, chỉ một vài cụ già làm lẻ tẻ nhưng sản phẩm không được bao nhiêu, chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng gia đình.
Không ai nhớ rõ gốc tích của làng nghề. Trước nay, đàn ông có sức khỏe thì làm những loại rổ to, dày bản dùng trong sản xuất nông nghiệp, còn phụ nữ tay yếu chân mềm, làm mủng trẹt, loại mềm, nhỏ dùng để trang trí ở nhà hàng, khách sạn hay những dịp hội trại. Muốn đan được loại rổ bền đẹp, khâu chọn tre rất quan trọng, tre phải già, chắc, dai để dễ uốn cong. Khi mua tre về, phải ngâm dưới ao, bàu để sử dụng dần.
Cả Triều Châu và xóm Bàu từng chuyên làm loại rổ Triều Châu, loại rổ chuyên phục vụ sản xuất nông nghiệp, có nan dày, vành chắc, lỗ to. Rổ bộng Triều Châu được gọi theo tên làng Triều Châu nhưng về sau đã trở thành tên của loại sản phẩm, chỉ cần khách đặt rổ Triều Châu thì ai cũng hiểu là rổ bộng.
Theo các thợ đan lành nghề, để tạo nguyên liệu tre đan, người dân Triều Châu, xóm Bàu mua nguyên liệu tre già cả bụi, đem về ngâm cả năm trời để giữ tươi, chống mọt, giữ độ bền chắc. Tre ngâm vớt lên, trải qua 8 - 9 công đoạn như chẻ nan, vót, róc vành... mới hoàn thành sản phẩm.
Ngoài rổ bộng, còn có rổ rá và hàng chục loại rổ như rổ sảo đan sưa bằng nan mốt (sổ lúa, sổ đậu), các loại rổ đan nan hai khác, rổ ôm dùng đựng cá đồng và cá sông. Còn có rổ giê (giê lúa, đậu), sàng, dừng, mủng 1 ang, mủng 2 ang, mủng 3 ang, dí phơi lúa, tấm cót phơi lúa…
“Những chiếc rổ rất cần thiết ở các làng nghề hấp cá Duy Hải, Duy Nghĩa… Các nhà hàng, khách sạn Hội An thích sử dụng những mẫu rổ và mẹt nhỏ, giàu thẩm mỹ để đựng thức ăn và trang trí. Người xóm Bàu còn đan loại rổ nhỏ đựng rau sống, bánh xèo, đan giỏ quà tết theo mẫu yêu cầu. Gia đình tôi chuyên về các loại rổ, nia, nong, dí...” - ông Nguyễn Xượt kể.
Ngắc ngoải làng nghề
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nghề đan rổ truyền thống nơi đây bị ảnh hưởng khi sản phẩm bán không chạy. Trong khi nhân công, vật giá leo thang, giá tre tươi cũng tăng so với trước trong khi giá sản phẩm không nhỉnh hơn là bao.
 
Để có được những sản phẩm tinh xảo, người đan phải trải qua rất nhiều khâu tỉ mỉ.
Để có được những sản phẩm tinh xảo, người đan phải trải qua rất nhiều khâu tỉ mỉ.
Tiền bán sản phẩm không thấm vào đâu so với công sức bỏ ra nên nhiều người không mặn mà giữ nghề. “Những năm trước, mùng 5 tháng 5 âm lịch tới tháng Chạp, người mua rất nhiều nhưng chừ hàng bán rất chậm, tôi phải lưu kho bán dần. Trước, làm không kịp hàng, phải thức khuya dậy sớm để làm thì nay không cần nữa” - ông Xượt cho hay.
Những người thợ lành nghề, nói đúng ra là nghệ nhân của làng nghề truyền thống đan tre, đan rổ Triều Châu đã dần khuất bóng. Xóm Bàu còn lác đác mấy nhà giữ nghề, song ai cũng lo lắng khi thiếu người kế cận.
Chưa kể, với tốc độ đô thị hóa chóng mặt hiện nay, liệu mai này có còn tre xanh, nguyên liệu cho nghề đan? Đáng nói, làng nghề đan rổ Triều Châu, xóm Bàu chỉ cách ngã ba Nam Phước (Duy Xuyên) chừng mươi cây số và nằm trên cung đường từ Hội An lên, Mỹ Sơn xuống, hay từ Đà Nẵng vào đều thuận tiện.
Với những giá trị, tinh hoa của làng nghề, địa phương và ngành chức năng cần có cơ chế bảo tồn, khuyến khích phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo các điểm đến trải nghiệm, hấp dẫn du khách. Cần thiết đào tạo các lớp đan tre với việc dần làm cho các sản phẩm làng nghề tinh xảo, để lan tỏa giá trị tinh hoa, vừa tạo sản phẩm du lịch độc đáo trên đất Triều Châu, xóm Bàu.
Niềm mong mỏi vào một thế hệ kế cận đã trở nên xa vắng. Đường về xóm Bàu, Triều Châu dằng dặc những nỗi buồn. Biết tìm đâu khí thế của làng nghề ở thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 với những cảnh nhộn nhịp, tấp nập kẻ bán người mua, tiếng chẻ tre, vót nan, tiếng rựa lục đục vọng lại từ những ngôi nhà, xóm nhỏ.
Nghề đã nuôi nấng biết bao thế hệ nên người, để rồi bao người con xa quê, đi các ngã, nhập vào dòng sống hiện đại. Liệu có ai còn nhớ tuổi thơ, quay về với ký ức nơi con xóm nhỏ, thả nỗi buồn chơi vơi?
Theo Hoàng Liên (Báo Quảng Nam)

Có thể bạn quan tâm

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.