Đêm Sài Gòn thời Covid-19: Hiu hắt đời xích lô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đêm Sài Gòn thời Covid-19, khách du lịch dường như 'mất tích' trên các cung đường mà nhóm xích lô ít ỏi còn lại ở Sài Gòn thường rảo tìm. Thành thử, họ trôi dạt bốn phương tám hướng...
Ông Nguyễn Văn Hai (88 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) tạm ngưng chở khách, chuyển sang đạp xích lô chở hàng kiếm sống qua ngày. ẢNH: BÍCH NGÂN
Ông Nguyễn Văn Hai (88 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) tạm ngưng chở khách, chuyển sang đạp xích lô chở hàng kiếm sống qua ngày. ẢNH: BÍCH NGÂN
Sài Gòn về đêm luôn ẩn khuất những phận đời lặng lẽ mưu sinh trên phố, trong đó có những nghề tưởng chỉ còn dĩ vãng như xích lô, xe ôm... Khi dịch bệnh Covid-19 càn qua, mọi thứ càng hiu hắt, không ít người phải “chuyển nghề” mà nỗi nhọc nhằn vẫn không ngừng đeo bám...
Mùa dịch bệnh, khách du lịch dường như “mất tích” trên các cung đường mà nhóm xích lô ít ỏi còn lại ở Sài Gòn thường rảo tìm. Thành thử, họ trôi dạt bốn phương tám hướng. Người “đóng đô” ở công viên, người chọn một góc vỉa hè để chờ khách. Người chuyển nghề nhặt ve chai, chạy xe ôm...
Chật vật thay đổi để tồn tại
Khuya một ngày tháng 3, khu chợ Bến Thành (Q.1) im ắng đến lạ. Chợ đêm ngừng hoạt động. Chỗ công trường Quách Thị Trang trước đây (đã giải tỏa để xây dựng nhà ga trung tâm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên) được rào chắn kít mít. “Ô hay, một biểu tượng văn hóa, một nơi tấp nập người và du khách của Sài Gòn giờ im ắng vậy sao?”, có lẽ đây là câu hỏi ai cũng đặt ra khi đi ngang chợ lúc này.
Phía xa xa, một bác tài ngồi im lìm như pho tượng trên xe xích lô của mình. Ông là Lâm Văn Hải (51 tuổi, ngụ Q.4). Ông gầy nhom, ngồi vắt chéo chân, tay đan vào nhau thẫn thờ nhìn đường sá càng thưa vắng về đêm. “Tui đạp xích lô 27 năm rồi, giờ ra đây ngồi ngắm xe cộ của những người đi làm đêm, đi chơi về khuya chứ có vị khách nào đâu. Trước đã ế, nay dịch bệnh càng ế hơn, thi thoảng lắm mới có một cuốc xe”, ông Hải cười gượng rồi giải thích, ông ngồi đến 0 giờ sẽ đạp xích lô tà tà kiếm các quán nhậu, nhà hàng khu trung tâm để nhặt vỏ lon bia. “Khuya, các hàng quán bắt đầu dọn dẹp, tui đi ngang nhặt vỏ lon bia, giấy vụn này kia bỏ lên xích lô chở về. Mỗi ngày bán cũng được vài ba chục ngàn, đủ tiền cho tui cơm nước qua ngày. Cuộc sống mà, đang khó khăn lắm. Nhưng không lẽ mình lại buông xuôi hết. Mình cố gắng đắp đổi qua ngày rồi tới đâu hay tới đó”. Lời ông Hải chia sẻ thoạt nghe đầy lạc quan, nhưng ánh nhìn ông lại đăm chiêu, chất chứa nỗi niềm.

Mấy chục năm theo nghề đạp xích lô, ông Nguyễn Văn Sơn (55 tuổi, ngụ Q.4), nay chuyển qua chạy xe ôm trước chợ Bến Thành. ẢNH: TRÁC RIN
Mấy chục năm theo nghề đạp xích lô, ông Nguyễn Văn Sơn (55 tuổi, ngụ Q.4), nay chuyển qua chạy xe ôm trước chợ Bến Thành. ẢNH: TRÁC RIN
Đêm làm, ngày ngủ. Cuộc sống của ông Hải cứ thế tiếp diễn suốt 27 năm. Phần quen việc, phần sức khỏe không tốt nên dù ế ẩm, ông vẫn bám mãi nghề xích lô. Chuyển đổi nghề, với ông, là điều không tưởng. “Tui chẳng có vợ con gì nên chuyện cơm áo gạo tiền không quá nặng nề. Tui kiếm tiền đủ mua đĩa cơm “bụi”, ly cà phê “cóc” là được rồi. Có những ngày ế quá, đói bụng thì ăn thiếu người ta. Có người họ biết mình cơ hàn, họ thương giúp vầy. Mà đời mình thì mình phải lo, đâu ai lo thay được”, ông Hải tâm tư.
Mùa tết vừa rồi, ông Hải “cày” xuyên suốt nhưng chỉ kiếm được vài trăm ngàn đồng. Ông bảo chưa khi nào Sài Gòn vắng vẻ về đêm, và nghề đạp xích lô cũng chưa khi nào hiu hắt như bây giờ.
Mấy chục năm theo nghề đạp xích lô, ông Nguyễn Văn Sơn (55 tuổi, ngụ Q.4), nay chuyển qua chạy xe ôm trước chợ Bến Thành. Đường sá thưa vắng trong đêm nên tìm “đỏ con mắt” mới có khách đi xe. Ông Sơn có nhà cửa do cha mẹ để lại. Con cái trưởng thành nên phần nào bớt áp lực về khoản cơm áo gạo tiền. Thời buổi xe ôm công nghệ, nhưng ông không thể “đua” theo được. Tối nào ông cũng dựng chống đứng xe máy rồi đợi khách. Có khi ngồi miệt mài cả tối cũng chẳng có ai đi xe. Tình cảnh mỗi lúc một khó, ông phải tìm “lối thoát”. Vậy là ông mua lại chiếc áo xe ôm công nghệ cũ mặc vào, đặng có vị khách nào có ý định đi xe, ông sẽ nói: “Cô, cậu cứ bấm như bắt xe ôm công nghệ. Giá trên ứng dụng bao nhiêu, tui lấy bấy nhiêu”...
Xe xích lô là “cần câu cơm” ngày nào, giờ dịch giã ế quá nên ông Sơn cất ở nhà. Chữ nghĩa lại không biết nên việc chạy xe ôm công nghệ với ông như bất khả thi. Ông gãi gãi mái tóc đã ngả màu muối tiêu khi nghe chúng tôi hỏi về cách xem số tiền trên ứng dụng điện thoại. “Chữ thì không biết nhưng… số thì tui biết chứ. Mình sử dụng hằng ngày nên nhìn quen, khách họ bấm số tiền, tui dòm qua là biết y chóc à”, ông Sơn tự tin.
Ông xích lô U.90
Tối tối, mấy ông xích lô già thường nhẫn nại đậu ở góc đường nào đó, đợi chờ những món quà từ các nhóm thiện nguyện. Thành phố dẫu có bộn bề, lo toang đến đâu, những tấm lòng nồng hậu vẫn luôn tiếp diễn, sưởi ấm những thân phận yếu thế lúc cơ hàn mưu sinh.

Một người đạp xích lô ngủ “bụi” ở công viên Thăng Long (Q.5) lúc 1 giờ sáng. ẢNH: BÍCH NGÂN
Một người đạp xích lô ngủ “bụi” ở công viên Thăng Long (Q.5) lúc 1 giờ sáng. ẢNH: BÍCH NGÂN
Đều đặn 22 giờ hằng đêm, ông Nguyễn Văn Hai (88 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) “chốt” ngay chân cầu Ông Lãnh (nối Q.1 và Q.4). Phần kiếm ít mì tôm, đồ ăn từ các nhóm thiện nguyện, phần vì xưa giờ ông chuyên làm “cú đêm”. Ngày nào ông cũng trắng đêm đạp xích lô kiếm sống ở khu trung tâm thành phố. Từng này tuổi, ông Hai vẫn đủ sức đạp xích lô trên mọi nẻo đường. Ông được xem là tài xế xích lô già nhất còn… đạp xích lô ở Sài Gòn.
“Tui đậu ở đây chờ thứ quà gì đó từ những người tốt bụng. Vả lại, tui thức đêm quen rồi. Khách đi xích lô giờ như “hàng hiếm” nên cũng chẳng biết làm gì”, ông Hai cho hay. Đậu miết đến 3 giờ sáng, ông Hai đạp xe qua chợ Dân Sinh (Q.1) chở hàng cho người ta qua Q.4, kiếm cỡ trăm ngàn. “Cái này là chỗ mối quen. Mùa dịch, tui nghỉ chở khách, chuyển qua chở hàng kiếm sống”, ông kể.
Cả năm trời hầu như không giao tiếp với du khách, thế nhưng ông Hai vẫn “biểu diễn” vèo vèo một vài từ giao tiếp tiếng Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… “Trường đời dạy mấy chục năm nên dễ gì quên được. Lúc du khách nước ngoài nhiều, nếu họ đi xích lô, mất hết nhiêu tiền thì tôi nói họ hiểu. Họ bảo đi tới mô, tôi cũng hiểu được…”, ông cười khoái chí khi thấy chúng tôi chăm chú lắng nghe.
Ông Hai sống một mình ở phòng trọ bên H.Bình Chánh. Mỗi tháng ông tốn 1,5 triệu đồng tiền phòng. Vợ ông mất cách đây mấy chục năm, con cái đứa bươn chải làm ăn xa, đứa sinh hư nên mang tù tội. “Đời tui vốn chịu nhiều sóng gió nên quen rồi. Lâu lâu cũng buồn nhưng biết sao được, sự thật đâu thể thay đổi, mình vẫn phải sống tiếp mà”, ông Hai nói từng câu rạch ròi nhưng gương mặt phản phất điều gì đó u buồn.
“Mai mốt hết đạp xe nổi, ông Hai làm gì để sống?”, nghe chúng tôi hỏi, ông Hai trả lời không hề nao núng: “Hết đạp nổi thì tui… đi học sửa chữa điện thoại. Đợt trước tui vào cửa hàng Thế giới di động hỏi thăm rồi, học nghề này có 3 tháng à. Mắt tui còn tinh lắm”. Ông Hai cho rằng nghe có vẻ buồn cười nhưng ông đã nung nấu ý định ấy từ lâu.
Vẻ mặt ông đầy lạc quan khi bàn chuyện tương lai. Bởi ông Hai quan niệm: “Sống cho hiện tại, lạc quan đã, còn ngày mai, ai mà biết điều gì xảy ra?”.
(còn tiếp)

Đêm ở công viên

Đêm ở công viên Thăng Long (thường gọi là công viên Chợ Lớn, Q.5) mọi thứ thật im lìm. Ban ngày, tại đây có rất nhiều người sống theo kiểu “bụi đời” tụ tập. Nhưng đến đêm ai nấy đã rời đi. Chỉ có mấy ông xích lô già sống “bụi” đậu xe “đánh” một giấc ngon lành. 1 giờ sáng, công nhân chở rác đã làm việc nhưng mọi thứ vẫn yên ắng. Chỉ vài tiếng nữa thôi, khu vực này sẽ lại tấp nập người qua lại. Thành phố tầm 0 giờ như đều đã đi ngủ. Duy chỉ có mấy bà bán nước sáng đêm dọc đường Hải Thượng Lãn Ông vẫn cần mẫn phục vụ khách...

Theo Trác Rin-Bích Ngân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.