Cô Tâm giàu nghị lực và nhân ái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lý giải cho nỗ lực của bản thân, cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm khẳng định chỉ có cố gắng mới giúp bản thân vượt qua số phận
Trong một lần đi vận động học sinh đến lớp, cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm (34 tuổi; ngụ phường 6, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) bị tai nạn giao thông làm mất chân trái.
Nhiều lúc tưởng chừng gục ngã
Thuở nhỏ, Nguyễn Thị Minh Tâm đam mê nghề giáo, nên khi tốt nghiệp THPT, cô quyết tâm thi vào ngành sư phạm toán. Sau 4 năm miệt mài đèn sách, năm 2008, cô tốt nghiệp đại học và được phân công về giảng dạy tại Trường THPT Tân Thành - thuộc xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.
Điều kiện dạy học và đi lại còn nhiều khó khăn, nhất là khi mùa lũ về, song cô Tâm vượt qua mọi trở ngại để dồn hết tâm huyết dạy học cho học sinh. Sau một thời gian ngắn, cô giáo trẻ này được đồng nghiệp quý trọng, học sinh hết lòng quý mến.
Năm 2009, tai nạn xảy ra khi cô Tâm trên đường đi vận động học sinh đến lớp, chuẩn bị cho năm học mới.
"Hôm đó vào cuối tháng 8-2009, tôi đi vận động học sinh ra lớp, trên đường về đến dốc cầu thì gặp tai nạn. Chiếc ôtô tải chạy phía trước đang lên được nửa dốc thì bất ngờ tuột lui, cán lên chân tôi. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đã nằm trong bệnh viện và mất chân trái" - cô Tâm nhớ lại vụ tai nạn giao thông kinh hoàng.
Sau khi xuất viện về nhà, cô Tâm tìm niềm vui qua sách, báo, xem đài. Thông qua đó, cô bắt gặp nhiều tấm gương khuyết tật tự vượt lên số phận với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có người khuyết tật bẩm sinh nhưng cũng có người vì tai nạn bất ngờ nào đó giống cô. Đồng thời, cô được thầy cô, học sinh trong trường thường xuyên thăm hỏi, động viên nên có thêm nghị lực và quyết tâm vươn tới.
Lúc rảnh rỗi, cô nỗ lực luyện tập thể thao, nâng cao sức khỏe, từng bước lấy lại tinh thần, rồi đi học thêm tiếng Anh để trau dồi kiến thức và quên dần mặc cảm. "Cuộc sống đặt ra nhiều thử thách cho mỗi số phận con người nhưng đứng lên hay chấp nhận nằm im là tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người. Tôi nhiều lúc yếu đuối, muốn gục ngã nhưng biết rằng chỉ có sự cố gắng mới giúp mình vượt qua số phận" - cô Tâm bày tỏ.
Không lâu sau, mọi người bắt gặp hình ảnh cô giáo một chân đi bơi lội, hoặc đi chân giả chơi cầu lông, nên rất ngưỡng mộ trước nghị lực phi thường. "Những ngày đầu, đi chân giả rất khó khăn. Nhiều lần tôi bị ngã do chưa quen. Không ít lần đi xe máy đến cổng trường, vì phải xuống xe dắt bộ nên tôi té ngã. Những lần sau, biết hoàn cảnh của tôi, bảo vệ đặc cách cho chạy xe thẳng vào trường mà không phải xuống xe dắt bộ" - cô Tâm chia sẻ.
Cô giáo Tâm mồ côi cha từ nhỏ. Chị gái lập gia đình theo chồng định cư ở tỉnh Bình Dương. Những tháng ngày bị tai nạn, mẹ cô là bà Nguyễn Thị Bảy luôn tìm mọi cách động viên, an ủi con gái. "Tâm mới ra trường đi dạy mà mất một chân không biết tương lai nó như thế nào?" - bà Bảy nghẹn ngào khi tâm sự với tôi.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm vinh dự được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm và tặng quà. (Ảnh tư liệu của nhân vật)
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm vinh dự được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm và tặng quà. (Ảnh tư liệu của nhân vật)

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm (đứng thứ 4 bên trái sang) tặng khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Đồng Tháp
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm (đứng thứ 4 bên trái sang) tặng khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Đồng Tháp
Rèn luyện không mệt mỏi
Một thời gian sau đó, Tâm nghe lời mẹ khuyên, không từ bỏ sự nghiệp giáo dục, quyết tâm tìm cách gắn chân giả rồi ngày đêm luyện tập cho quen. Khi dần ổn định sức khỏe lẫn tâm lý, cô xin trở lại trường tiếp tục công việc.
Thấy nghị lực vượt khó của cô giáo trẻ khuyết tật, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp tạo điều kiện cho cô chuyển về công tác ở nơi gần hơn, là Trường THPT Thiên Hộ Dương (TP Cao Lãnh). Công việc của cô, nhờ thế, được thuận tiện hơn. Về trường mới, cô Tâm mạnh dạn xin được đứng lớp chứ không làm việc ở bộ phận hành chính.
"Tôi đã vượt qua những chướng ngại tâm lý, cố gắng gần gũi, chỉ dạy học sinh tận tình và nhanh chóng hòa đồng cùng đồng nghiệp" - cô Tâm thổ lộ. Nhờ nỗ lực trong giảng dạy, cô Tâm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cùng nhiều danh hiệu cao quý của ngành giáo dục.
Cuối năm 2015, cô Tâm tham dự cuộc thi "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết" ở Hà Nội. Cô kể: "Tôi đi thi để truyền thông điệp đến những người không may bị khuyết tật như tôi, rằng sự hy vọng, nỗ lực bản thân rồi sẽ có một ngày gặt hái được niềm vui, hạnh phúc dù cơ thể khiếm khuyết".
Hình ảnh cô giáo Tâm vui tươi, yêu đời như hôm nay là kết quả của cả quá trình rèn luyện không mệt mỏi. Mọi chuyện dường như không dừng lại khi cô phải mang chiếc chân giả hằng ngày. Để có thêm trình độ chuyên môn, cô thi cao học ngành lý luận và phương pháp dạy học bộ môn toán, tốt nghiệp năm 2015. Từ đó, cô được ban giám hiệu giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi của trường.
Ngoài việc dạy ở trường, lúc rảnh cô phụ đạo miễn phí cho nhiều học sinh yếu, kém tại nhà riêng. Thấu hiểu hoàn cảnh của những học sinh khó khăn về kinh tế, những học sinh vùng sâu, vùng xa phải lo toan mọi thứ, cứ trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT cô lại cặm cụi đi vận động các nhà hảo tâm và tự nguyện góp kinh phí để giúp đỡ, chia sẻ với học sinh.
Nhiều người còn gặp cô giáo này đến bếp ăn từ thiện của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp, tận tay phục vụ những suất cơm miễn phí cho thân nhân, bệnh nhân nghèo. Xong việc, cô lại ghé sang Khoa Chấn thương Chỉnh hình của bệnh viện động viên những nạn nhân bị thương tật.
Năm 2015, cô thành lập nhóm thiện nguyện Nhất Tâm với mục đích vận động quỹ để chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nhất là những người cùng cảnh ngộ như cô. "Tôi từng trải qua nhiều khó khăn, biến cố nên đồng cảm hơn với những người gặp khó khăn. Ngay khi thành lập nhóm, để có quỹ hoạt động tôi phải đi bán hoa hồng, quà tặng nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3" - cô Tâm trải lòng.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm thăm và tặng quà cho bệnh nhân đang nằm viện tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình TP HCM
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm thăm và tặng quà cho bệnh nhân đang nằm viện tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình TP HCM
Thầm lặng cống hiến
Mất một chân, đi lại rất khó khăn, vậy mà khi hay tin nơi nào có người bị tai nạn giao thông là cô Nguyễn Thị Minh Tâm lại cất công tìm đến nơi, an ủi, động viên và hỗ trợ tiền, quà. Cô giáo Thạch Thị Thanh Dung, quê tỉnh Trà Vinh, bị tai nạn giao thông mất một chân, được cô Tâm lặn lội lên tận Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) để động viên.
"Rơi vào hoàn cảnh thương tâm, người gặp nạn rất sốc nên cần chỗ dựa tinh thần để lấy lại niềm tin. Tôi cùng chung cảnh ngộ nên dễ chia sẻ hơn, lấy câu chuyện của mình để động viên giúp họ vượt qua nỗi đau" - cô Tâm chia sẻ. Rồi cô kể tiếp: "Anh Hòa, ngụ TP Cao Lãnh (tỉnh Đông Tháp) là lái xe, bị tai nạn giao thông mất 2 chân, lâm cảnh túng quẫn bởi anh là lao động chính trong gia đình. Trước cú sốc quá lớn, anh luôn suy nghĩ tiêu cực. Biết tin, tôi đến trò chuyện, động viên giúp anh lấy lại tinh thần. Giờ anh Hòa học được nghề và mở tiệm sửa xe máy với thu nhập ổn định".
Đã có hàng trăm mảnh đời không may bị tai nạn, hoàn cảnh khó khăn, được cô Tâm động viên, giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần. Cô Tâm nói rằng khó khăn nhất trong làm từ thiện là việc đi vận động các nhà hảo tâm. Không phải ai cũng hiểu việc làm ý nghĩa, nhân văn của nhóm từ thiện. Họ nghĩ người lành lặn còn chưa làm được huống gì người khuyết tật như cô. Dù như thế, cô Tâm vẫn thầm lặng cống hiến, giúp đỡ cho nhiều trường hợp bất hạnh trong xã hội. 
Ngày 24-9-2019, trong chuyến công tác tại tỉnh Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm và tặng quà cho cô Nguyễn Thị Minh Tâm. Cô cũng vinh dự được tỉnh Đồng Tháp chọn làm đại biểu tham dự Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc năm 2020.
NHA MÂN (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.