Những con đập tử thần - Kỳ cuối: Trả lại tôm cá cho dòng sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau hai ngày mưa kỷ lục, đập thủy điện Edenville bằng đất cao 16m (bang Michigan) ở Mỹ bị vỡ tối 19-5-2020, xả 81,4 triệu m3 nước xuống sông Tittabawassee trong chưa đầy hai tiếng.

Phá bỏ đập Howle and Turner (bang Alabama) vào tháng 6-2019 - Ảnh: annistonstar.com
Phá bỏ đập Howle and Turner (bang Alabama) vào tháng 6-2019 - Ảnh: annistonstar.com
Đập Sanford dưới hạ lưu cũng không chịu nổi sức nước. 10.000 dân ở ba hạt phải sơ tán. 2.500 căn nhà bị hư hại. Hai năm trước, chính quyền liên bang đã từng đánh giá đập Edenville không còn đủ khả năng đối phó với mưa lớn sau 96 năm hoạt động.

Lúc này những dòng sông trong lành tự do chảy chưa bao giờ quan trọng đến thế đối với hạnh phúc và tương lai chúng ta.

Tổ chức AMERICAN RIVERS

Mỹ âm thầm phá bỏ đập cũ và mất an toàn
Câu chuyện hai đập Edenville và Sanford tiếp tục đánh động dư luận Mỹ về các con đập cũ. Mỹ có 84.000 đập các loại. Tuổi thọ bình quân của đập là 56 năm.
Đến năm 2025, số đập tuổi thọ trên 50 năm sẽ chiếm đến 70%. Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Mỹ phân loại có 14% trong số 15.500 con đập tiềm ẩn nguy cơ cao (xảy ra sự cố sẽ gây thiệt hại về người và của đáng kể) không được bảo trì đầy đủ và cần tổng vốn đầu tư 45 tỉ USD để sửa chữa.
TS Jon Honea ở Trường cao đẳng Emerson (Mỹ) ghi nhận đập có thể tạo ra điện, trữ nước, kiểm soát lũ lụt và môi trường giải trí như chèo thuyền, trượt nước.
Dù vậy, một xu hướng đang âm thầm phát triển ở Mỹ, đó là phá bỏ các con đập cũ hoặc đập xuống cấp để bảo vệ sinh thái và bảo đảm an toàn.
Có nhiều yếu tố kết hợp dẫn đến xu hướng phá đập như số đập cũ ngày một nhiều; mưa gió thường xuyên hơn và dữ dội hơn do biến đổi khí hậu; các công trình xây dựng ven sông nhiều hơn trước, nếu vỡ đập sẽ rất nguy hiểm.
Năm 2017, mưa lớn đã từng uy hiếp đập Oroville cao 230m trên sông Feather (bang California), con đập cao nhất nước Mỹ. Mặc dù đập chính vẫn đứng vững nhưng hai đập tràn khẩn cấp chịu thua khiến gần 200.000 người phải sơ tán.
Tổ chức Sông ngòi Mỹ (American Rivers) giải thích: "Một trong những biện pháp xử lý mang lại hiệu quả kinh tế nhất đối với các con đập cũ và không an toàn là phá bỏ.
Dỡ bỏ đập giúp sông ngòi chảy tự nhiên, từ đó cải thiện chất lượng nước, chống ngập lụt, bảo vệ môi trường sống của cá và động vật hoang dã, bảo vệ hệ sinh thái và nhu cầu giải trí...
Lũ lụt và hạn hán gia tăng do biến đổi khí hậu, nhiều quần thể cá và động vật hoang dã giảm sút. Lúc này những dòng sông trong lành tự do chảy chưa bao giờ quan trọng đến thế đối với hạnh phúc và tương lai chúng ta".
Theo số liệu của American Rivers, năm 2019 đã có 26 bang phá hủy tổng cộng 90 con đập. Bốn bang đi đầu là California (23 đập), Pennsylvania (14 đập), New Hampshire (6 đập) và Vermont (6 đập).
Tiêu biểu là đập Howle and Turner trên sông Tallapoosa ở bang Alabama đã bị phá bỏ vào tháng 6-2019. Đập bằng thép và bêtông cao 4,8m được xây dựng vào năm 1935.
Làn sóng phá bỏ đập bùng nổ ở Mỹ sau khi đập Edwards trên sông Kennebec ở Augusta (bang Maine) được phá bỏ năm 1999. Kể từ đó, quần thể cá trích sông đã tăng đáng kể, từ dưới 100.000 con lên hơn 5 triệu con. Cá trích còn thu hút chim ưng biển và đại bàng đầu bạc đến săn mồi trên dòng sông.
Hầu hết các đập bị phá là đập nhỏ như đập hồ Burton ở Burton (bang Ohio). Năm 2014, do mưa lớn cuối mùa đông, nước đã tràn qua con đập cao 2,7m. Nếu nâng chiều cao đập và xây thêm đập tràn theo đúng quy chuẩn hiện hành phải tốn 3,5 triệu USD. Năm 2019, hạt Geauga bèn chi 100.000 USD thuê nhà thầu phá bỏ luôn.
Hầu hết các đập ở Mỹ thuộc sở hữu tư nhân. Ngày càng nhiều chủ đập chọn giải pháp phá bỏ đập bởi lẽ đập càng cũ, chi phí nâng cấp và bảo trì càng cao. Nếu chọn phá đập, đôi khi chủ đập còn nhận được hỗ trợ tài chính với danh nghĩa cải thiện môi trường sống.
Năm ngoái, Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA) đề xuất chương trình hỗ trợ nâng cấp các đập không đạt tiêu chuẩn nhưng kinh phí chỉ 10 triệu USD/năm, chẳng bõ bèn gì so với nhu cầu.

Phá dỡ đập Vezins cao 36m trên sông Sélune (Pháp) - Ảnh: La Manche libre
Phá dỡ đập Vezins cao 36m trên sông Sélune (Pháp) - Ảnh: La Manche libre
Châu Âu thay đổi thái độ với sông ngòi
Theo tổ chức American Rivers, đập giết chết sông ngòi bằng bốn hình thức:
. Đập ngăn cá di cư: Từ đó, cá không thể tiếp cận môi trường sinh sản, tìm kiếm thức ăn và tránh bị săn mồi.
. Đập ngăn dòng chảy: Một số loài cá như cá hồi, cá trích sông phụ thuộc vào dòng chảy ổn định để dẫn đường. Nước bị giữ lại làm cá di cư mất phương hướng. Đập còn hủy hoại những biến đổi tự nhiên theo mùa của dòng chảy vốn giữ vai trò kích hoạt chu kỳ sinh trưởng và sinh sản của nhiều loài.
. Đập thay đổi môi trường sống: Đập có thể bẫy trầm tích chôn lấp lòng sông nhiều đá vốn là nơi cá tìm đến đẻ. Nhiều yếu tố cần cho sinh vật bị ảnh hưởng khiến môi trường sống ở hạ lưu phức tạp hơn. Các đoạn dưới đập thủy điện có thể bị mất nước hoàn toàn.
. Đập ảnh hưởng đến chất lượng nước: Nước hồ chứa không được luân chuyển nên nóng lên, dẫn đến biến động nhiệt độ bất thường ảnh hưởng đến các loài nhạy cảm. Từ đó tảo tăng nhanh và lượng oxy giảm. Đập còn làm giảm nhiệt độ khi xả nước lạnh thiếu oxy từ đáy hồ chứa.
Ở châu Âu, đến nay đã có 4.984 con đập được phá bỏ. Vụ phá đập lớn nhất trong lịch sử châu Âu là vụ phá đập Vezins cao 36m trên sông Sélune (Pháp) vào năm 2019 sau 92 năm hoạt động. Đây là dự án tham vọng nhất ở châu Âu mặc dù Tây Ban Nha và Phần Lan đã phá hủy nhiều đập nhỏ lỗi thời trong những năm gần đây.
Phá hai đập Vezins và La Roche quy Boit (xây năm 1914, phá năm 2020) sẽ giải phóng thông suốt 90km sông Sélune, cải thiện chất lượng nước, tạo điều kiện cho cá hồi, cá chình cùng nhiều loài động vật hoang dã trở lại và đến vịnh di sản thế giới Mont-Saint-Michel.
Ông Roberto Epple - chủ tịch tổ chức Mạng lưới sông ngòi châu Âu (ERN), người đã nhận giải thưởng bảo vệ môi trường EuroNatur (Đức) năm 2018 - nhận xét: "Dỡ bỏ đập Vezins đánh dấu một cuộc cách mạng trong thái độ với sông ngòi của châu Âu.
Thay vì xây dựng đập mới, các quốc gia đang trả lại môi trường trong lành và khôi phục tính đa dạng sinh học cho dòng sông". Ông bộc bạch: "Thiên nhiên có thể phục hồi nhanh chóng khi dỡ bỏ đập. Tôi nóng lòng được nhìn thấy cá hồi bơi qua vịnh Mont Saint-Michel và sinh sản trên sông Sélune như lần đầu tiên nhìn thấy lúc ông bà tôi còn trẻ".
Tại Pháp, đập Larive trên sông Célé (tỉnh Lot) chặn toàn bộ chiều rộng con sông tạo thành thác nước cao 2m nên cá không thể vượt qua.
Mùa thu năm 2018, đập đã bị phá bỏ. Một năm sau, Văn phòng Đa dạng sinh học Pháp đã lấy mẫu cá để so sánh trước và sau khi phá đập. Kết quả công bố vào tháng 7-2020 cho thấy số lượng các loài cá nhiều hơn trước, hai loài cá vắng bóng là cá kim cương đầu lân (sinh vật ngoại lai có nguồn gốc ở Bắc Mỹ) và cá chép vây đỏ (loài cá thích nước tù đọng), nhưng nhiều loài cá quay trở lại, trong đó có một số loài cá đặc hữu của sông Célé như cá mù làn, cá chạch, cá hồi nâu.
Chỉ thị khung về nước (DCE) của Liên minh châu Âu (EU) đã quy định chậm nhất đến năm 2027, các nước EU phải có biện pháp khôi phục sông ngòi đạt được "tình trạng tốt về sinh thái". Phá bỏ đập cũ và mất an toàn chính là biện pháp hiệu quả đáp ứng cam kết của chỉ thị này.

Phá đập để khôi phục 25.000km sông

Ngày 20-5, Ủy ban châu Âu đã thông qua chiến lược mới về đa dạng sinh học đến năm 2030. Mục tiêu hấp dẫn nhất là khôi phục ít nhất 25.000km sông bằng cách dỡ bỏ đập, khôi phục đồng bằng ngập lũ và vùng đất ngập nước.

Bà Eva Hernandez - người phụ trách Sáng kiến Sức sống sông ngòi châu Âu của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) - nhận xét: "Khôi phục 25.000km dòng chảy tự do là một bước đột phá và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của dỡ bỏ đập nhằm mang lại sức sống cho các dòng sông đang chết dần chết mòn ở châu Âu".

HOÀNG DUY LONG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.