Sống trong tâm 'khủng hoảng' nước sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên mạng xã hội, người dân sinh sống ở Đà Nẵng kêu trời vì không có nước cho ăn uống. Khắp các góc quán, tiệm cà phê..., câu chuyện nước sạch được mọi người bàn tán xôn xao. 
 
Xe quân đội cấp nước tận nhà cho người dân và các chung cư. Ảnh: Hoàng Sơn
Trong "cơn khát" lịch sử ở Đà Nẵng, cuộc sống người dân bị đảo lộn. Nhiều tình huống cười ra nước mắt bên cạnh những câu chuyện ấm áp tình người.
Oái oăm chuyện... vệ sinh cá nhân
Niềm hy vọng thoát khỏi cảnh nhịn tắm, nhịn giặt trong nhiều ngày của hàng trăm ngàn người dân ở vùng tâm “khủng hoảng” nước sạch (thuộc nhiều phường của 2 quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn) đã bị dập tắt khi 2 thủy điện lớn ở đầu nguồn sông Cầu Đỏ xả nước liên tục nhưng vẫn không đẩy nổi mặn. Đến chiều 22.8, ngành chức năng TP.Đà Nẵng chính thức thông báo, việc đẩy mặn bất thành buộc họ phải đóng cửa thu nước và... chờ độ mặn giảm xuống để lấy nước thô. Vậy là gần cả tuần qua, nhiều người không còn thấy vòi nước nhà mình tuôn dòng nước mát mà thay vào đó là cảnh chực chờ lấy nước từ các bồn chứa “dã chiến”, hoặc chen chân trong các tiệm tạp hóa, siêu thị để mua nước đóng chai về dùng.
 
Các điểm cấp nước “dã chiến” trong khu dân cư
Không có nước vài giờ đã thấy mệt mỏi, huống chi nhiều khu vực không hứng được một giọt nước nào trong nhiều ngày liền. Trên mạng xã hội, người dân sinh sống ở Đà Nẵng kêu trời vì không có nước cho ăn uống. Khắp các góc quán, tiệm cà phê..., câu chuyện nước sạch được mọi người bàn tán xôn xao. Ở các khu chợ tại P.Nại Hiên Đông (Sơn Trà), có lẽ chưa khi nào tiểu thương bán thùng chứa nước “được mùa được giá” như lúc này. Còn nhiều tiệm tạp hóa, siêu thị mini trong các khu dân cư, nước uống đóng chai cỡ lớn (loại 5 lít trở lên) “cháy” hàng vì nhu cầu tăng đột biến. Bà Nguyễn Thị Châu (65 tuổi, ngụ đường Bùi Huy Ích) than thở: “Mấy ngày nay, nước sạch cúp tiệt. Người không có nước để tắm nên áo quần thay ra cứ thế chất đống, bốc mùi...”.
Khổ sở nhất là các chung cư, nhất là các hộ ở tầng trên cùng bởi vừa xa chỗ cấp nước “dã chiến”, lại ở tầng cao, nước gom góp được chút ít thì cư dân tầng dưới “hút” sạch. Nhiều gia đình có trẻ sơ sinh ứa nước mắt vì đồ thay ra không có nước để giặt nên hôi thối. Trẻ em không có nước tắm sinh ra rôm sảy... “Chưa khi nào chứng kiến cảnh thiếu nước nghiêm trọng như vậy. Tôi canh me cả đêm. Sáng dậy thấy xô nước được vài lít mà ngao ngán”, ông Trần Văn Hải, ngụ chung cư Blue House (P.Nại Hiên Đông) kể.
Nhiều gia đình không cam lòng nhìn con mồ hôi nhễ nhại đã mua bình nước 20 lít về tắm cho con. Bà Hòa cùng ngụ chung cư trên cho biết, để đối phó với thiếu nước, bà mua nước đóng chai về trữ. Còn giặt giũ, tắm gội, bà “di tản” cả nhà sang gia đình bên nội tại Q.Hải Châu vì bên đó có nước...
Câu cửa miệng: “cho tắm nhờ tí!”
Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn là địa bàn nằm cuối tuyến ống nước sạch, cách Nhà máy nước Cầu Đỏ hàng chục ki lô mét. Từ đầu mùa khô đến nay, 2 địa phương này đã nhiều lần thiếu nước nhưng đây là lần khốc liệt nhất. Câu hỏi “cửa miệng” của nhiều người những ngày này là “nhà có nước không, cho tắm nhờ tí”. “Chuyện thô nhưng mà thật. Số là, người ở trọ ở Q.Sơn Trà, vì cúp nước nhiều ngày nên không dám đi vệ sinh ở nhà vì không có nước, nên phải xin “đi” nhờ. Có hôm, cũng đang “đi” nhờ thì nhà đó cũng cúp nước (do cấp nước luân phiên - PV). Oái oăm!”, một nam thanh niên kể.
Hy vọng trong ngày hôm nay

Hôm qua (24.8), ông Hồ Minh Nam, Phó tổng giám đốc Công ty CP cấp nước Đà Nẵng, cho biết, hiện độ mặn vẫn biến thiên và nước trên sông Cầu Đỏ đang xuống thấp vì cạn kiệt đầu nguồn. “Hy vọng đến ngày 25.8, nước sạch sẽ được khôi phục ở các điểm cuối tuyến”, ông Nam bày tỏ.

Còn đối với những hộ gia đình xác định việc “khát” nước dài dài, họ nghĩ ra cách lấy nước ngầm... Và, giếng khoan sau một thời gian “vắng bóng” đã quay trở lại.
“Dù biết giếng khoan gây nhiều hệ lụy nhưng đành phải như vậy. Tình hình nhiễm mặn thế này, biết khi nào mới có nước trở lại. Mình tự cứu mình trước đã”, anh Đinh Văn Thạnh (40 tuổi, ngụ đường Khúc Hạo) chia sẻ, “cái khó ló cái khôn” đến ngày thiếu nước thứ 2, anh liền nghĩ tới việc khoan giếng để lấy nước. Anh Thạnh liên hệ thợ khoan giếng nhưng đã kín lịch. Năn nỉ mãi thợ mới tranh thủ khoan xong cái giếng cho anh đến tận khuya. “Giếng sâu 8 m, giá 1 triệu đồng. Khoan xong, nước dùng thoải mái”, anh Thạnh nói: “Giờ khách gọi, ổng không nghe máy đâu. Ổng kẹt nhiều “sô” lắm...”. Quả đúng như vậy!
 
Người dân dắt díu nhau đi lấy nước trong cơn “khủng hoảng” nhiều ngày qua
Hàng xóm anh Thạnh kể, cách đây mấy hôm, thấy anh Thạnh khoan giếng, bà cũng định khoan. Nhưng anh Thạnh bảo có nước thì dùng chung cho khỏi tốn kém. “Chú Thạnh “tài trợ” bơm, điện, còn tôi góp ống dẫn nước về nhà thôi”, bà góp chuyện. Cách đó không xa, “trạm” giếng khoan của ông Trần Thanh Nhàn (52 tuổi, ngụ đường Hồ Sĩ Tân) trở thành điểm đến lấy nước của cả trăm người dân sống trong các chung cư gần đó. Ông Nhàn cho biết, khoảng 5 ngày qua, chiếc máy bơm của ông hoạt động từ sáng sớm đến tối khuya để cấp nước cho người dân. “Nước thì có sẵn rồi chỉ bỏ điện ra để hút lên thôi. Cũng không đáng bao tiền điện. Tôi chỉ lo, máy bơm “ho hen” thì khổ cho cả trăm hộ dân”, ông nói.
Để có nước phục vụ ăn uống cho người dân, ông Nhàn còn sai con đi mua phèn chua về nghiền nhỏ bỏ vào bồn xử lý nước cho người ta lấy về. Cứ có phụ nữ nào mang bình tới lấy nước, vợ ông Nhàn là bà Nguyễn Thị Tơ bảo họ mang áo quần đến “trạm” bơm giặt giũ. “Thương nhất là có 2 gia đình mới đón bé sơ sinh. Không biết bao nhiêu áo quần, tã lót bốc mùi mấy ngày qua. Nghe tôi nói vậy, cả 2 gia đình mang đống đồ xuống giặt”, bà Tơ nói. Cụ bà Bùi Thị Hồng (71 tuổi, ngụ chung cư 4A) vừa hứng xong 10 lít nước, xúc động: “Nếu không có cái giếng khoan của chú Nhàn chắc dân đây chết khát mất thôi. Tình cảm của vợ chồng chú xứng đáng được tri ân lắm”.
Công an, quân đội cứu dân thoát “khát”
Sáng 22.8, ngày thứ 4, Đà Nẵng lâm cơn “khủng hoảng” nước sạch, trên đường Vân Đồn bỗng xuất hiện một chiếc xe bồn cỡ lớn. Đây là lần đầu tiên, xe quân đội được huy động cấp nước cho người dân. Chiếc xe chạy và dừng ở một số địa điểm để người dân ra lấy nước. Tuy không “giải khát” được vì xe bồn ít sử dụng khiến nước có màu vàng nhưng người dân vốn dĩ thiếu nước lâu ngày rất cảm kích vì có thêm ít nước để sinh hoạt. Trong khi đó, mặc dù ở Hải Châu - quận trung tâm TP nhưng do lưu lượng nước yếu nên Bệnh viện Đà Nẵng cũng rơi vào tình cảnh thiếu nước. Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết số lượng bệnh nhân, người nhà, cán bộ... khoảng 5.000 người. Với con số này, lượng nước tiêu thụ rất lớn khiến nguồn nước dự trữ thiếu hụt.
Đứng trước tình thế này, bệnh viện đã “cầu viện” lực lượng Cảnh sát PCCC, Công an TP.Đà Nẵng cấp nước. “Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Đà Nẵng phải nhận viện trợ nước từ các họng nước dự trữ PCCC. Bệnh viện cũng thông tin đến các khoa phòng và yêu cầu tiết kiệm nước sinh hoạt, hạn chế giặt giũ để giữ nước dùng cho bệnh nhân”, ông Nhân nói.
Chưa khi nào, hệ thống nước sạch của TP.Đà Nẵng thiếu hụt lượng nước nghiêm trọng và kéo dài như những ngày qua. Người dân quay cuồng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và tổ chức nhiều cuộc họp khẩn với các ngành để tìm giải pháp.
Cả TP gần một tuần qua sống như thời dã chiến, quay quắt vì thiếu nước sạch!
Hoàng Sơn (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.