Ám ảnh lá ngón

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ mất chừng 0,31 giây để cho ra hơn 651.000 kết quả trên Google liên quan đến lá ngón. Ở vùng cao của huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), người dân thường chọn lá ngón để giải quyết những mâu thuẫn, bí bách trong cuộc sống.
Nỗi đau dai dẳng 
Ông Nguyễn Đỗ Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) thừa nhận với chúng tôi rằng, việc kiểm soát người dân dùng lá ngón để giải quyết mâu thuẫn, bí bách trong cuộc sống đang lâm vào cảnh bế tắc; dù đã dùng mọi cách để tuyên truyền, vận động người dân nhưng không có kết quả.
Toàn xã có 7 thôn, 38 nóc, 900 hộ với hơn 4.800 nhân khẩu, thì có đến gần 60% là hộ nghèo. Từ khoảng năm 2017 đến nay, đã có hơn 10 người chết do lá ngón. Nóc Măng Lâng (hay còn gọi là Măng Lưng) thuộc thôn 3, xã Trà Cang là nơi xảy ra nhiều trường hợp tự tử vì lá ngón nhất. 
Gia đình ông Hồ Văn Xuất vẫn còn ám ảnh với nỗi đau lá ngón 
Có lẽ, trường hợp của vợ chồng bà Hồ Thị Nê và ông Hồ Văn Xuất đang phải gánh gồng nuôi 7 đứa cháu khi đã cao tuổi là một điển hình của nỗi đau từ lá ngón. Ông bà có 4 người con thì có đến 2 người dùng lá ngón tự tử, những đứa trẻ nhỏ bị bỏ lại bơ vơ.
Bà Nê kể, vào một ngày đầu tháng 8-2018, con dâu bà là Hồ Thị Thiên (32 tuổi) đã dùng lá ngón để kết thúc cuộc đời mình, bỏ lại 3 đứa con thơ dại. Người chồng là Hồ Văn Hai, trước đó cũng vì mâu thuẫn gia đình, túng quẫn nên chọn cách treo cổ để giải quyết. 

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên toàn huyện Nam Trà My trong khoảng 3 năm trở lại đây có chừng hơn 30 trường hợp ăn lá ngón tự tử nhiều trường hợp may mắn được cấp cứu kịp thời.


Cách đó chừng 3 năm, vợ chồng người con trai khác của bà Nê là Hồ Văn Thiên và Hồ Thị Thôi cũng đã chọn lá ngón để ra đi, bỏ lại cho bà 4 đứa cháu nhỏ. “Chẳng thể dự đoán trước được điều gì, vì trước khi mất, chúng không có biểu hiện gì là không muốn sống cả. Nhiều người bảo là do túng quẫn, nghèo khó. Nhưng lâu nay vẫn thế, vẫn sống tốt mà...”, bà Nê gạt nước mắt nhớ lại.
Ngôi nhà lạnh lẽo của bà Nê chẳng ai dám tới, vì đó là nơi có “cái chết xấu” (tự tử bằng lá ngón). “Già, yếu rồi. Không đủ sức lên rẫy nữa. Cũng may là mấy đứa lớn biết lo, nên cũng đỡ”, bà Nê nói. “Thế mấy đứa nhỏ thì sao? Hình như còn đang học mẫu giáo và lớp 1 phải không?”, tôi hỏi. Đáp lại là tiếng thở dài: “Thì cũng còn làng xóm, nhà nước hỗ trợ, rồi cũng rau cháo qua ngày”, bà trả lời.
Nhắc đến lá ngón ở huyện vùng núi này là nhắc đến những câu chuyện bi thảm, như câu chuyện mà chị Hồ Thị Lý kể về cái chết của chồng là Hồ Văn Noan (nóc Măng Lâng, thôn 3). Noan, chồng chị Lý là một cán bộ xã, lao động chính trong gia đình. Trước khi tìm đến lá ngón, anh Noan chẳng hề có mâu thuẫn gì với gia đình hay hàng xóm láng giềng.
Một buổi tối cách đây chừng 1 năm, khi cả 4 mẹ con đang nằm ngủ thì Noan gọi dậy, ngồi nói rành rọt từng câu một: “Người ta gọi tôi rồi, phải đi thôi. Đừng cố gắng cấp cứu làm gì, tôi nấu nước để uống chứ không nhai. Mấy mẹ con ở lại, cố gắng sống”, chị Lý kể. Đó là khoảnh khắc ám ảnh chị Lý cho đến bây giờ. Chị chẳng hiểu mình có làm gì sai để chồng phải tự tử, tại sao đành tâm bỏ lại những đứa con còn rất nhỏ... 
Kỳ vọng ở làng mới
Cách đây chừng 3 năm, tại nóc Măng Dí 4 (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My), người dân đã đồng loạt bỏ làng đi vì “cái chết xấu”, mặc cho chính quyền ra sức vận động, ngăn cản. Tất cả cơ sở vật chất, hệ thống điện lưới, giao thông nông thôn vừa được đầu tư phải bỏ ngang. Họ chẳng cần, bởi theo lý của họ, nếu tiếp tục ở đó sẽ có người chết. Chẳng biết “con ma rừng” trong tâm thức họ ra sao, nhưng nó lại có một sức ám ảnh kinh hoàng.
Và giờ, gần 70 hộ dân nóc Măng Lâng đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để chuyển sang ngôi làng mới, cách đó chừng 1km. Nhưng đây là cuộc di dân theo chủ trương của chính quyền địa phương. Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang, ngọn đồi ở phía sau lưng làng đã bị nứt một đường dài, nguy cơ đổ ập xuống bất cứ khi nào nên phải dời qua làng mới để tránh nguy hiểm khi mùa mưa tới. Chưa bao giờ việc dời làng lại được sự ủng hộ của người dân đến vậy. 
Nói như anh Hồ Văn Sang (27 tuổi, nóc Măng Lâng) là để tìm một vùng đất mới. “Ở đó từ năm 2014 đến nay đã có 7 người chết vì lá ngón rồi. Nhà của họ, 7 ngôi vẫn ở đó, không ai dám bén mảng tới. Giờ dời làng đi, tìm khu đất mới, tránh đi những “cái chết xấu” cứ bám lấy làng nên mừng”, anh Sang bộc bạch.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết, việc di dời nóc Măng Lâng không phải là vì “cái chết xấu” mà bởi nguy hiểm tiềm ẩn, hơn nữa đây cũng nằm trong quy hoạch khu dân cư của huyện đã có từ trước. “Đối với việc người dân, trước tiên phải ngăn chặn được tình trạng uống rượu bất kể thời gian, địa điểm đang tồn tại; thứ nữa là phải tạo công ăn việc làm ổn định thì họ mới thoát ra được cái vòng luẩn quẩn ấy, ông Bửu nói.
Nguyễn Dương (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.