Già làng Rơ Châm Tích: "Cột mốc sống" trên biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cũng đã vài lần ghé thăm nhưng chẳng lần nào tôi gặp được già làng Rơ Châm Tích (làng Mook Đen 1, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai). Khi thì ông sang làng bên tham gia giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp; khi lại cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tuần tra đường biên, cột mốc... Phải đến lần này nhờ người hẹn trước, tôi mới gặp được ông.
“Sống tốt, làm tốt thì dân làng sẽ tin”
Ông Rơ Châm Tích khác xa so với hình dung ban đầu của tôi về một già làng ở cái tuổi 70. Và càng ngạc nhiên hơn khi ông nói về các con số mà chẳng cần giở sổ sách, giấy tờ. Ông cho biết, làng Mook Đen 1 hiện có 179 hộ dân tộc thiểu số với 785 khẩu và 70 hộ người Kinh với hơn 450 khẩu. Thu nhập của người dân trong làng chủ yếu dựa vào cây điều, cây cao su. Một số người dân trong làng đang làm công nhân của Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15)...
Hỏi về bí quyết để được người dân tin và nghe theo, ông Tích cười bảo: “Đơn giản lắm! Mình cứ sống tốt, làm tốt thì dân làng sẽ tin, sẽ nghe”. Như để dẫn chứng cụ thể hơn, ông nói: “Mình muốn vận động người dân phát triển kinh tế thì trước hết kinh tế gia đình mình phải vững”. Thực tế đúng như lời ông nói. Dù vẫn trồng cây điều giống địa phương để phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt trên biên giới nhưng thay vì phó mặc hoàn toàn cho thiên nhiên như bao người, ông bón phân đều đặn mỗi năm 1-2 lần và luôn dọn sạch vườn trước khi thu hoạch. Nhờ vậy, vườn điều của gia đình ông cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm. Riêng 3 ha cao su, mỗi ngày cũng cho gia đình ông nguồn thu hơn 1 triệu đồng. Không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, ông còn là tấm gương mẫu mực về nuôi dạy con cái. Hiện nay, 2 trong 4 người con của ông đang công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, trực tiếp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. 
  Già làng Rơ Châm Tích cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ cột mốc. Ảnh: P.D
Già làng Rơ Châm Tích cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ cột mốc. Ảnh: P.D
Ông Rơ Châm Tích nói như khoe rằng, năm 2018, trong làng có 2 hộ thoát nghèo và không có trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp nào để ông phải giải quyết. “Mâu thuẫn xảy ra thuộc người của dòng họ nào thì dòng họ đó có trách nhiệm giải quyết thông qua mô hình dòng họ tự quản. Nếu dòng họ không giải quyết ổn thỏa thì mình mới tham gia”-ông Tích cho hay. Không những thế, bằng kiến thức, kinh nghiệm và cách giải quyết “thấu tình đạt lý”, ông Tích còn được người dân ở các làng lân cận tín nhiệm nhờ đến mỗi khi có việc cần. Mới đây, ông đã tham gia giải quyết thành công tranh chấp đất rẫy giữa hộ ông Siu Hít và hộ ông Siu Thích ở làng Mook Trê. Ông Thích cho rằng, nhiều năm nay, ông Hít đã trồng lấn sang đất của gia đình mình 10 cây điều. Vì vậy, khi phát rẫy chuẩn bị vụ trồng mới, ông Thích đã chặt bỏ luôn 10 cây điều của ông Hít khiến 2 bên xảy ra tranh chấp. Sau khi nghe 2 bên nói rõ sự tình, ông Tích đã phân tích đúng, sai và thống nhất phương án kéo dây để phân chia ranh giới rõ ràng.
Tận tụy bảo vệ chủ quyền biên giới

Thượng tá Đinh Hữu Ninh-Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh: “Ông Rơ Châm Tích là một trong những già làng tiêu biểu, có vai trò quan trọng và sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng dân cư. Dù tuổi đã cao song ông vẫn tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự thôn làng, cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc và cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị cho Bộ đội Biên phòng trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”.

Năm 1966, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Tích đã tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ và được biên chế về Sư đoàn 320B đóng ở tỉnh Kon Tum. Trong suốt những năm tháng chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, ông đã trực tiếp tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở khắp các chiến trường Tây Nguyên. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, ông được phân công về làm công tác thống kê tuyển quân của Tỉnh đội; đến năm 1983 thì xin xuất ngũ trở về địa phương với lý do... “nhớ làng quá!”.
Sinh ra, lớn lên tại làng, bản thân lại từng kinh qua những năm tháng khốc liệt của lửa đạn chiến tranh nên ông Tích hiểu rất rõ ý nghĩa của việc bảo vệ đường biên, cột mốc. Mỗi khi có dịp, ông không quên nhắc nhở người dân phải có trách nhiệm bảo vệ biên giới và mỗi người dân phải là một cột mốc trên biên giới. Bởi lẽ, biên giới có ổn thì cuộc sống người dân mới ấm no. Đối với một số hộ dân có đất rẫy ở gần khu vực đường biên, cột mốc, ông luôn nói: “Các cô, các chú trong quá trình làm rẫy phải tuyệt đối tuân thủ quy định, đừng xâm phạm đất của người dân Campuchia, vì vi phạm vào đất của họ là vi phạm pháp luật”. Ngoài vai trò già làng, ông còn là thành viên tổ tự quản an ninh trật tự thôn làng và tổ tự quản đường biên, cột mốc. Do đó, đều đặn mỗi tháng, ông duy trì việc tham gia tuần tra, kiểm soát địa bàn và tuần tra đường biên, mốc giới. “Mình biết rõ từng người dân trong làng, biết luôn cả khu vực rẫy của họ sản xuất. Vì vậy, hàng năm, vào thời điểm này, mình đều phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tăng cường tuần tra, khảo sát vừa để nhắc nhở người dân, vừa để kiểm tra cụ thể tình hình, không để xảy ra tình trạng xâm lấn”-ông Tích bộc bạch.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Trên đại công trường đường dây 500kV mạch 3 - Bài cuối: Trạm biến áp cuối tuyến đã sẵn sàng

Trên đại công trường đường dây 500kV mạch 3 - Bài cuối: Trạm biến áp cuối tuyến đã sẵn sàng

Trên đầu là tiếng kêu ro ro phát ra từ đường điện cao thế nhưng công nhân, kỹ sư vẫn miệt mài đào đắp, lắp ráp thiết bị một cách cẩn trọng. Ngày mưa, họ tranh thủ từng phút để làm công tác chuẩn bị. Vì thế, trạm biến áp 500kV Phố Nối về đích sớm hơn dự kiến…
Góc khuất các video triệu view của 'thánh ăn': Bí quyết ăn hay cần 'tiểu xảo'?

Góc khuất các video triệu view của 'thánh ăn': Bí quyết ăn hay cần 'tiểu xảo'?

Cách mà những 'thánh ăn - mukbanger' trở nên nổi trên mạng là gì? Một ngày của họ với 3 - 4 bữa ăn khổng lồ ra sao? Làm sao họ có thể ăn không ngừng nghỉ lượng đồ ăn lên đến hàng chục ký? Một mukbanger đang nổi trên mạng đã chia sẻ lý do thi ăn thử thách là để vượt qua giới hạn bản thân.
Trên đại công trường đường dây 500kV mạch 3 - bài 18: Niềm tin về đích đúng tiến độ

Trên đại công trường đường dây 500kV mạch 3 - bài 18: Niềm tin về đích đúng tiến độ

Không khẩu hiệu, không băng rôn cổ động nhưng công nhân thi công trên công trường cột 336, đường điện 500kv mạch 3 vẫn hừng hực khí thế. Mỗi người mỗi việc, nhuần nhuyễn phối hợp lắp đặt cấu kiện để hoàn thành những hạng mục cuối cùng dựng lên cột điện sừng sững giữa đất trời, đảm bảo công trình đúng tiến độ đề ra.
Thoi chỉ giữa đền đài

Thoi chỉ giữa đền đài

Họ mang khung dệt về với Mỹ Sơn. Giữa không gian u tịch của tháp cổ, những phụ nữ Chăm dệt lấy tinh hoa chất chứa như đang thủ thỉ cùng đất trời với âm vọng ngàn năm thổ cẩm.
Khi người lính trở về

Khi người lính trở về

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Có ở thôn Xóm Bùng, xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn không chỉ giỏi làm kinh tế mà còn tâm huyết với công tác an sinh xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
Chàng du học sinh Việt giúp người trẻ tìm về cội nguồn

Chàng du học sinh Việt giúp người trẻ tìm về cội nguồn

Ngoài thành tích học tập đáng nể, tốt nghiệp loại giỏi cùng lúc 2 bằng cử nhân kinh tế và khoa học nhận thức tại ĐH California - Berkeley, Mỹ, Trương Thời Tiến (24 tuổi), còn là người sáng lập VieTalk, dự án giới thiệu văn hóa, dạy tiếng Việt cho người trẻ gốc Việt.