Gặt lúa đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Về đồng trũng Hải Lăng, vựa lúa phía nam của tỉnh Quảng Trị những ngày mùa, tưởng như những người nông dân đang... trẩy hội. Thu hoạch ban ngày chưa đủ, họ còn “lấn” sang cả ban đêm.
Đồng làng có “ma”

"Nông dân chúng tôi bây giờ lúc thu hoạch chỉ cần chắp tay sau lưng đi ra đồng. Ra chủ yếu là để chỉ chỏ, quan sát hoặc uống lon bia, nói chuyện với mấy người lái máy. Tiền thuê thì khi nào bán lúa rồi trả, người ta cũng chẳng vội đòi"

Lão nông Nguyễn Như Lập

Nếu không phải là người bản địa mà lỡ có việc phải ngang qua những cánh đồng Hải Lăng vào đêm mùa gặt, nhiều người hẳn sẽ phải bất ngờ vì nhưng thứ âm thanh ánh sáng đang “quần tụ” giữa đồng. Có người non gan, cũng rợn tóc gáy vì tưởng... ma.
Không lạ sao được, bởi giữa những cánh đồng mênh mông tối mò như hũ nút về đêm, ngoài lúa má còn có ti tỉ mồ mả. Tiếng đồn về những linh hồn vất vưởng ngoài đồng xa khiến không ít nhà nông thứ thiệt cũng chờn chợn, chẳng muốn nhón chân ra đồng vào ban đêm. Vậy mà, mùa gặt đã “đẩy” họ ra ruộng lúa giữa đêm đen. Có người tếu táo, nếu ma quỷ có thật thì cũng đã... bỏ chạy hết khi gặp cảnh đông vui ồn ã thế này. “Trên đồng chỉ còn những “con ma vui vẻ”, là chúng tôi đây”, một nông dân cười sảng khoái.
Cũng như hầu hết mọi người, ban đầu tôi vẫn chưa tin lời rủ rê của anh Nguyễn Như Khoa (trưởng thôn 8X của thôn Hưng Nhơn, xã Hải Hòa, H.Hải Lăng): “Về quê tui coi ngó bà con đi gặt lúa vào ban đêm. Vui lắm!”. Một đêm cuối tháng 8, khi đứng trước cánh đồng làng Hưng Nhơn, đưa mắt ra phía xa để nhìn những ánh điện sáng lòa, dỏng tai nghe tiếng máy và tiếng “những con ma vui vẻ” í ới vang lên giữa cả một khoảng trời đen kịt, tôi biết Khoa nói đúng.
Đối phó với... ông trời
Những người lớn tuổi từng đi qua chiến tranh, hoặc khán giả từng xem bộ phim kinh điển Cánh đồng hoang, mới hiểu hết nội tình của gặt lúa đêm. Ngày đó, nông dân phải khốn khổ lội ruộng trong đêm đen để tránh sự nhòm ngó của địch, bảo toàn tính mạng. Chuyện cực chẳng đã. Còn bây giờ, khi đã thanh bình, cớ gì người nông dân lại hè nhau ra ruộng lúc tối trời mà gặt, mà hái? Câu hỏi đó cứ văng vẳng trong đầu tôi suốt cả một đoạn ruộng mấp mô để đến với những đốm sáng ở giữa đồng với nhiều nông dân đứng ngồi.
Vác lúa từ chân ruộng chất lên xe tăng bo lúa vào nhà
Vác lúa từ chân ruộng chất lên xe tăng bo lúa vào nhà
Nhưng với sự lý giải của “thổ địa” Nguyễn Như Khoa, mọi thứ chẳng có gì là thần bí hay khó hiểu. “Có 2 lý do cơ bản để nông dân vùng trũng gặt đêm. Hoặc là để thu hoạch nhanh, tiết kiệm thời gian, đem lúa vào nhà nhanh nhất có thể và tránh những cơn lũ về sớm. Hoặc để tránh cái nắng chói chang và cái thứ gió Lào khô khốc của đất Quảng Trị này. Chính vì thế, nhiều người mới bảo gặt đêm là cách nông dân đối phó với... ông trời”, nói rồi Khoa nhẩm tính rằng ở thôn Hưng Nhơn có 205 ha lúa, nếu gặt chỉ vào ban ngày thì mất từng chục ngày, còn gặt cả ban đêm thì thời gian chỉ mất ngót một nửa. “Gặt đêm cũng chỉ có chừng 5 năm trở lại đây thôi, nhưng giờ người ta thích gặt đêm hơn gặt ngày”, Khoa nhún vai nói.
Phàm khi đã “đối phó” được với ông trời, thì khỏi phải nói con người ta sung sướng hả hê đến thế nào. Bà con nông dân ở Hải Lăng cũng thế. Nên dễ hiểu khi ở những điểm gặt đêm, tiếng người cười nói át cả tiếng máy cắt. Đến cả ông Lê Chí Thọ, Bí thư Đảng ủy xã Hải Hòa, cũng tự hào mà rằng: “Năng suất lúa Hải Hòa là nhất tỉnh và dân Hải Hòa gặt lúa đêm cũng nhiều nhất tỉnh”. Lời ông Thọ không phải là cao hứng trong lúc sảng khoái. Bởi muốn gặt lúa đêm, điều tiên quyết phải chủ động được máy móc, mà ở Hải Hòa 635 ha lúa đã “gom” tới 36 máy gặt đập liên hợp, 46 máy tăng bo lúa, ấy là chưa tính sức người. Xem ra chuyện gặt đêm trở nên đơn giản cứ như sấp ngửa bàn tay. “Dân xã tôi gặt đêm xong thì túa sang các xã khác để gặt giúp, lấy tiền công...”, ông Thọ không giấu được sự phấn khởi.
Trong đêm, từng đoàn xe chở lúa từ ruộng vào tận nhà nông dân
Trong đêm, từng đoàn xe chở lúa từ ruộng vào tận nhà nông dân
Sướng như làm nông dân
Tôi phát hiện một sự thật có phần trái khoáy sau đêm đi gặt lúa với nông dân: Họ... rất sướng. Bởi ngoài tận hưởng niềm vui ngày mùa, tránh được nóng, thoát được lũ thì họ hầu như chả phải làm gì trong đêm. Tất cả đã được thuê khoán.
Giá cả cũng không quá đắt đỏ, với 2 triệu đồng/ha để thuê máy cắt và 1 triệu đồng/ha thuê xe tăng bo chở lúa từ chân ruộng vào tới tận sân nhà. “Nông dân chúng tôi bây giờ lúc thu hoạch chỉ cần chắp tay sau lưng đi ra đồng. Ra chủ yếu là để chỉ chỏ, quan sát hoặc uống lon bia, nói chuyện với mấy người lái máy. Tiền thuê thì khi nào bán lúa rồi trả, người ta cũng chẳng vội đòi”, lão nông Nguyễn Như Lập cười tít mắt bảo.
Còn Khoa kể rằng, nhà anh cũng vừa gặt đêm hôm trước. Xong việc đã 23 giờ, nên chỉ kịp đếm số bao lúa rồi để lại trên đồng, bỏ về nhà đi ngủ. 6 giờ sáng hôm sau, thức giấc đã thấy lúa đã được chở vào sân nhà, không thiếu một bao. “Báo hại tôi phải tốn khá nhiều tiền điện thoại để hỏi ai đã làm việc này để còn... thanh toán cho người ta”, Khoa nói.
Vất vả nhất trong những đêm gặt lúa theo “bình chọn” của cánh nông dân thì chắc chắn là những người lái máy cắt, máy tăng bo lúa. “Nói cực là so với nông dân không làm gì thôi, chứ thực tế người ta cũng điều khiển máy móc chứ đâu có dùng sức người”, một lão nông nói chen vào.
Ông Nguyễn Đức Nhơn, chủ một máy cắt, thổ lộ rằng thứ ông thiếu nhất mùa gặt chính là thời gian. “Tôi phải chạy đua với thời gian để gặt từ đồng này sang đồng khác. Ăn uống trên đồng chỉ qua loa, họa hoằn lắm mới có tí thời gian uống lon bia với quả trứng lộn. Nói xin lỗi, đến đi vệ sinh mà cũng vội vội vàng vàng...”, ông Nhơn “kể khổ” nhưng khuôn mặt vẫn rất tươi.
Cánh lái máy chuyên tăng bo lúa vào nhà như Nguyễn Hữu Phụng, Lê Văn Bình... cũng chỉ tranh thủ làm thêm. Máy của họ là dạng máy cày, được gia cố thêm để trở thành phương tiện vận chuyển lúa. “Siêng sắn chạy một chút thì vừa kiếm thêm thu nhập mà vừa giúp người nông dân bớt vất vả”, anh Phụng tặc lưỡi.
23 giờ, tôi dò dẫm trở ra theo bờ ruộng lúc nãy. Phía trước vẫn là một màn đêm đen kịt nhưng vẳng nghe tiếng cười nói sang sảng của những người dân đang hăng say gặt đêm ở sau lưng. Càng đi xa, âm thanh càng bé đi và khi ngoái lại nhìn chỉ còn thấy quầng sáng rực rỡ giữa đồng. Chưa bao giờ thấy cánh đồng làng về đêm đẹp đến thế!
Nguyễn Phúc (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.