Những cô gái đẻ... mướn - Kỳ cuối: Vết thương khó lành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tìm được người đẻ thuê, sinh được đứa con như ý muốn nhưng mọi việc không hẳn đã êm xuôi. Những hệ lụy xảy ra sau đó nhiều khi nan giải...

Bà Bích sẵn sàng đón nhận con do chồng thuê đẻ, nhưng bà Phương không chịu giao con
Bà Bích sẵn sàng đón nhận con do chồng thuê đẻ, nhưng bà Phương không chịu giao con



Bà Hoàng Thị Bích và ông Nguyễn Văn Phong (56 tuổi), cưới nhau từ năm 1980. Từ ngày cưới nhau cho tới hai năm trước gia đình vẫn luôn êm ấm. Chỉ tới khi chuyện ông Phong thuê người đẻ mướn bị vỡ lở, gia đình bắt đầu vắng tiếng cười.

Đỉnh điểm là khi người đàn bà đẻ thuê tìm bà Bích yêu cầu bà nhường chồng thì mọi chuyện không thể giải quyết êm xuôi được nữa.


 

Sau khi đẻ mướn, bà Phương gặp vợ ông Phong yêu cầu nhường chồng và không chịu giao con
Sau khi đẻ mướn, bà Phương gặp vợ ông Phong yêu cầu nhường chồng và không chịu giao con



“Từng thương nhau tới mức củ khoai bẻ nửa, chia nhau từng miếng thịt mỡ, vậy mà chỉ vì khao khát một đứa con trai anh ấy đi thuê người đẻ mướn để rồi gia đình xào xáo, con xém từ cha, vợ sắp mất chồng…”, bà Bích bùi ngùi.

Bạn đời hay đứa con trai ?

Ngôi nhà ba lầu nằm trên đường Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) trước đây luôn ấm cúng nhưng gần một năm nay vắng tanh. Việc ông Phong thuê người đẻ con trai đã rất nhiều người bàn qua, tán lại nhưng mặc thiên hạ nói gì bà Bích vẫn tuyệt đối tin tưởng chồng. Chỉ tới khi chính miệng ông Phong thừa nhận chuyện đó, bà mới đổ sụp.

 

Nếu có tình yêu thật sự thì đứa con là sự gắn kết. Còn khi không có tình yêu thì việc tìm một cách nào đó để có con cũng chỉ là giải pháp tình thế và không mang lại sự bền vững.
 

Chị Bùi Thị Hoa (32 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM)

Bà kể: “Năm ngoái, hết ba ngày tết, anh ấy thắp một nén hương lên bàn thờ gia tiên rồi thừa nhận anh thuê người đẻ vì sức ép từ dòng họ anh phải có con trai nối dõi. Tuy nhiên sẽ chỉ lấy con rồi cắt đứt mọi quan hệ”.

Mặc dù sốc nhưng bà Bích bình tĩnh bảo ông Phong đón đứa con trai về để bà nuôi. Bà sẽ đối xử với nó không khác gì con đẻ. Tuy nhiên, bà Phương (người đẻ mướn) không chịu giao con. Ngược lại, còn chủ động gặp bà Bích để yêu cầu bà nhường chồng.

Theo lời bà Bích, bà Phương luôn tìm cách kéo ông Phong gần mình. Lúc thì con trai bị sốt, lúc thì nó đòi bố... Những lý do như thế cứ lặp đi lặp lại để buộc ông Phong phải về thăm con trai. Nhưng khi bà Bích đi cùng chồng, bà Phương đóng cửa nói đứa bé không muốn gặp. Chạm tự ái, bà Bích lôi ông Phong bỏ về.

Tới nhà thì bà Phương gọi điện dọa tự tử, ông Phong sợ nên lật đật chạy sang. Những đêm như thế ông thường không về nhà.

Đến tết năm 2018 thì mọi chuyện quá sức chịu đựng, bà Phương bế con về quê ra mắt họ hàng. Dù không nhiều người chào đón nhưng bà Phương chủ động đi chào hỏi họ hàng chẳng khác nào con dâu. Không muốn ghen tuông đầu năm, cố giữ hết cái tết cho trọn vẹn, nhưng bà Bích buộc phải về Hà Nội trước. Bà Bích thổ lộ: “Nếu ông ấy vẫn không thể dứt khoát thì ly hôn. Công ty, nhà cửa ông ấy muốn giữ thì giữ, tôi sẽ đi Úc ở với con gái và không quay về nữa”.


 

Khi có đứa con trai, ông Phong đối mặt với nguy cơ mất vợ
Khi có đứa con trai, ông Phong đối mặt với nguy cơ mất vợ

Theo thỏa thuận ban đầu, khi đứa bé tròn một tuổi bà Phương phải giao con cho ông Phong. Mọi thỏa thuận kết thúc và căn chung cư ông Phong mua cho mẹ con bà Phương ở trước đó sẽ thuộc về bà Phương.


Tuy nhiên, tới thời điểm giao con bà Phương từ chối với lý do con trai đã quen sống có mình, sợ con thiếu thốn tình thương. Nếu muốn, ông Phong có thể lấy lại chung cư mẹ con bà Phương sẽ dọn ra ngoài.

Những tưởng sau khi có con trai mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp nhưng không ngờ việc thuê người đẻ mướn lại đẩy ông vào tình cảnh trớ trêu phải lựa chọn một mất một còn.

Ông Phong bị giằng co giữa một bên là tình nghĩa vợ chồng, một bên là con trai máu mủ. Tự tay lấy nước tưới cho cây lan Ý trước cửa nhà, ông Phong tâm sự: “Cây lan này tôi mua tặng bà ấy khi kỷ niệm 30 năm ngày cưới, vì đây là loại cây bà ấy thích nhất. Tôi sẵn sàng đánh đổi để có đứa con trai, nhưng nếu thứ phải đánh đổi là bà ấy thì tôi không thể. Không có bà ấy, ngôi nhà này chẳng còn ý nghĩa gì”.

Dù bà Bích thấu hiểu và sẵn sàng tha thứ, nhưng ông Phong hiểu việc ông từng thuê người đẻ mướn đã trở thành một vết thương khó lành trong lòng người bạn đời luôn thủy chung, son sắt với ông.
Vợ chồng ly tán

Chuyện gia đình ông Phong dù sao vẫn có thể cứu vãn, không như vợ chồng chị Bùi Thị Hoa (32 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM).

Khi biết chị Hoa không thể sinh con, gia đình chồng ra điều kiện: Muốn tiếp tục cuộc hôn nhân thì phải tìm người sinh con thế. Cả hai vợ chồng đồng ý bằng cách thụ tinh trong ống nghiệm tại bệnh viện.

Tuy nhiên, gia đình chồng cho rằng trẻ được thụ tinh trong ống nghiệm không bằng những đứa trẻ được tạo ra tự nhiên nên yêu cầu tìm người đẻ mướn theo phương pháp thụ tinh trực tiếp.

“Từ khi có con hầu hết sự quan tâm của anh Tú và gia đình tập trung vào bé. Người phụ nữ đẻ mướn vẫn giữ liên lạc với anh Tú và được phép tới thăm. Nhiều khi tôi có cảm giác thừa thãi ở nhà chồng. Ba năm sau khi nhà có thêm thành viên mới, tôi quyết định ly hôn. Giờ tôi đã có gia đình mới, bên chồng và các con chồng. Sau mọi chuyện tôi nghĩ, nếu có tình yêu thật sự thì đứa con là sự gắn kết. Còn khi không có tình yêu thì việc tìm một cách nào đó để có con cũng chỉ là giải pháp tình thế và không mang lại sự bền vững”, chị Hoa tâm sự.

Từ năm 2015, cho phép mang thai hộ

Từ ngày 15.3.2015, theo luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) những cặp vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ cần có xác nhận của đơn vị y tế có thẩm quyền rằng người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi làm thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), vợ chồng đang không có con chung, đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng bên vợ (hoặc bên chồng) người nhờ, đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần duy nhất ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của đơn vị y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Nếu người mang thai hộ đã có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của chồng, đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Theo PGS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, bệnh viện không thể xác nhận người nhờ và người mang thai hộ là người thân cùng họ hàng. Phía công an địa phương cũng cho rằng rất khó (hoặc không thể) xác nhận được người nhờ và người mang thai hộ là bà con thân thích.

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)
 

Lam Ngọc (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.