Tự tin làm giàu trên đồng quê (kỳ 3): Đam mê tạo giống mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mười mấy năm qua, hễ ai gọi điện hỏi, ông đều nhiệt tình trả lời đến nơi đến chốn rồi chuyển qua đường bưu điện tặng các loại giống thích hợp mà không lấy đồng nào.

Ông là nông dân Hoa Sĩ Hiền (SN 1969), ngụ thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Theo PGS-TS Trương Trọng Ngôn, Viện Công nghệ sinh học Trường ĐH Cần Thơ, chuyện nông dân làm khoa học không phải hiếm ở nước ta nhưng rặt nông dân như ông Hiền mà tạo ra 30 giống lúa chất lượng thì không phải chuyện nhỏ. Đó là việc không dễ làm nếu không thực tài và thiếu niềm đam mê.

Tự học, tự đọc

Ông Hiền trông già trước tuổi, dáng gầy nhom, xuề xòa nhưng rất nhanh nhẹn. Ít khi nói về mình nhưng nếu ai khơi chuyện giống lúa mới là ông rổn rảng dường như khó dừng được.

 

Ông Hoa Sĩ Hiền (đứng) kiểm tra giống lúa mới được trồng thử nghiệm.
Ông Hoa Sĩ Hiền (đứng) kiểm tra giống lúa mới được trồng thử nghiệm.

Sinh ra trong gia đình thuần nông, dù chỉ học đến lớp 6 nhưng từ nhỏ, ông Hiền đã đam mê tìm hiểu các giống lúa. Để nuôi chí đam mê, ông luôn nỗ lực tự học, tự đọc nhiều tài liệu khoa học.

Cơ duyên đến khi năm 2004, ông Hiền được đi học lớp kỹ năng chọn giống cộng đồng do Trường ĐH Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông TP tổ chức. Tại đó, ông được làm quen với cách cải tiến giống lúa bằng phương pháp lai. Một năm sau khóa học, ông khiến mọi người bất ngờ khi cho ra đời liên tiếp 12 giống lúa mới mang tên Tân Châu (TC) từ 1 đến 12 và nay là các giống lúa mới từ TC12 đến TC30.

Mỗi giống lúa của ông Hiền có những đặc tính nổi trội khác nhau: TC26, TC30 cho gạo thơm, dẻo; TC21, TC30 chú trọng năng suất; SH33, SH34 hạt dài, thích ứng điều kiện khô hạn và mặn, cho gạo thơm ngon... Đặc biệt, ông đã tạo thành công giống lúa chịu mặn TC7, chịu phèn TC6 và đang dồn tâm huyết nghiên cứu loại chịu được độ mặn đủ thích ứng sự biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Trong số rất nhiều giống lúa mà ông tạo ra, TC2 đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Ông Hiền dành 4.000 m2 đất của gia đình cho việc nghiên cứu giống lúa. Hơn 14.000 m2 còn lại dành để sản xuất, trang trải chi phí cho gia đình. "Đã đủ ăn, có đất, tại sao không làm cơ chứ" - ông Hiền cười khi nói với chúng tôi về đam mê của mình.

Tiếng lành đồn xa

Không chỉ ủng hộ khi chồng thành công mà lúc thất bại, vợ ông Hiền cũng luôn sát cánh động viên, góp vốn để ông tiếp tục nghiên cứu.

"Dù sao thì tôi cũng có lỗi với vợ con vì hàng chục năm nay, công việc hầu như bất biến là từ đồng ruộng đến bàn nghiên cứu, chẳng đỡ đần gì cho gia đình. Tôi may mắn có người vợ luôn thấu hiểu công việc của chồng nên không hề phàn nàn. Bà ấy chỉ đứng phía sau động viên chứ chưa bao giờ ngăn cản tôi. Nhiều lúc việc nghiên cứu thất bại, vợ tôi lại góp vốn để tôi tiếp tục" - ông Hiền cảm kích.

Nhà ông Hiền giống như trại thực tập của sinh viên. Hằng năm, nhà ông đều đón nhiều đoàn sinh viên của Trường ĐH An Giang và Trường ĐH Cần Thơ về thực tập. Nhiều nông dân cũng đến học hỏi và xin lúa giống về trồng. Ông cho biết đã tiết kiệm rất nhiều thời gian do được Quỹ Tiếp sức tài năng tặng một máy sàng lọc hạt.

Có giống lúa tốt, khi đưa vào sản xuất, ông Hiền hoàn toàn không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, thay vào đó là các loại phân chuồng, phân trùn quế... Tiếng lành đồn xa, mới đây, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn đã tìm đến ông Hiền để trao đổi, học tập mô hình sản xuất sạch, an toàn, theo xu hướng chú trọng chất lượng lúa gạo và sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng.

Một lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ cho rằng họ muốn sinh viên đến với ông Hiền là để các em học được nhiều thứ. Chẳng hạn, khi lai tạo thành công loại lúa mới, đầu tiên ông gửi tặng nông dân nhân giống để họ chủ động được nguồn giống chất lượng tốt, an tâm mà sản xuất. Đó cũng là cách để ông quên đi cảnh từng mua giống kém chất lượng với giá cao rồi sản xuất không hiệu quả.

Sinh viên còn học được cách nghiên cứu của ông Hiền - như một nhà khoa học thực thụ. Vào những năm 2000, ở xã Tân An heo hút, thuộc thị xã Tân Châu, phong trào sản xuất lúa giống phổ biến trong nông dân. Ông Hiền âm thầm nghiên cứu sản xuất lúa giống và để ngoài tai tất cả lời ra tiếng vào về chuyện mình làm khoa học. Khởi đầu, ông chọn 0M 2514 làm giống cái lai với giống đực MTL429 và MTL415, tạo ra 4 giống lúa mới là TC 1, 2, 3, 4. Ông còn dày công nghiên cứu cây lúa ma với mong muốn bổ sung những đặc tính tốt cho giống lúa hiện tại.

Đã có người xin nhượng quyền tác giả hay mời về làm cho doanh nghiệp kinh doanh giống lúa nhưng ông Hiền đều từ chối. "Niềm đam mê to lớn của tôi là lai tạo ra các giống lúa mới, khắc phục được nhược điểm, ít lệ thuộc vào hóa chất. Tôi làm vô điều kiện, không vụ lợi, miễn sao tạo được càng nhiều giống lúa càng tốt. Vì vậy, tôi chỉ muốn làm việc độc lập để có thể dồn hết tâm huyết của mình mà không có sự can thiệp nào. Có như vậy mới tạo ra những giống tốt nhất, chất lượng cao để cạnh tranh kịp với lúa Thái Lan và các nước khác. Nghiên cứu của nông dân phải do nông dân sở hữu và toàn quyền quyết định" - ông bày tỏ.

Với nỗ lực trong nhiều năm qua, ông Hiền đã nhận được 2 bằng khen của cấp trung ương, 7 bằng khen cấp tỉnh và nhiều giấy khen của thị xã Tân Châu vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất theo hướng công nghiệp hóa. Ông còn được mời ra Hà Nội dự lễ tuyên dương về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Trần Đình Phượng/nld

Có thể bạn quan tâm

Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.