Chái bếp, cõi riêng của má

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người quê tôi thường xây gian nhà trên rộng nhất. Không phải ở mà để thờ. Gian nhà dưới đơn giản hơn, dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Còn chỗ nhỏ nhất, phía sau hè, để làm chái bếp. Nếu nhà trên được ưu tiên xây gạch thì cõi riêng của má được dựng bằng đất. Bùn non dưới ao trộn chung rơm rạ mà đắp thành tường. Bức tường đó vương những sợi khói từ ngày này qua ngày khác rồi ngả màu. Tôi không nhớ rõ chái bếp nhà mình bao nhiêu tuổi, chỉ biết vách đã qua màu đen óng.
 

Má tôi có một cõi riêng. Đó chính là chái bếp.
Má tôi có một cõi riêng. Đó chính là chái bếp.

Đơn sơ lắm, nhưng với tôi, bếp chính là linh hồn của ngôi nhà. Nơi đó, ngày ngày tháng tháng, má luôn giữ lửa cho gia đình từ những bữa cơm chan chứa tình thương. Má nói, đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, muốn biết đàn bà đảm đang hay không cứ ngó vô bếp. Bếp có thể đơn sơ nhưng phải ngăn nắp. Bếp có thể nghèo nhưng không được lạnh. Bếp luôn ấm áp, gia đạo mới hạnh phúc.

17 tuổi, má về nhà chồng. Cũng từ đó, phần lớn thời gian của má quyện chặt vào gian bếp. Hơn sáu chục năm qua, cứ bốn giờ sáng, má lại âm thầm nhóm bếp. Những buổi bình minh thường được má đánh thức bằng tiếng củi lửa tí ta tí tách, tiếng cơm sôi ùng ục và mùi cơm gạo mới thơm lừng...

 

Má tôi có một cõi riêng. Đó chính là chái bếp.
Má tôi có một cõi riêng. Đó chính là chái bếp.

Hồi nhỏ, mỗi sớm, cứ vừa từ trên giường tuột xuống đất, chị em tôi đã chạy ra sau bếp kiếm má. Trong hơi sương lành lạnh, tôi thích cảm giác ấm áp ngồi bên má, hít hà mùi khói cay cay thơm nức mùi vườn tược. Mùi cây bạch đàn, mùi bẹ dừa, mùi cây dong, cây bắp... Có khi là mùi con cua đồng, con ốc bươu hay củ khoai mì nướng... Cái mùi mộc mạc nhà quê đó cài trong nỗi nhớ từ bao giờ, để thỉnh thoảng, trong sớm mai, tôi bần thần nhớ. Nhớ bếp, nhớ má. Một bếp lửa đơn sơ thôi, nhưng có lẽ đi hết cuộc đời này, đi hết hành tinh này, tôi không tìm được ở đâu...

Thương nhất ngày mưa dầm. Củi ẩm ương, khói nhiều. Má loay hoay thổi lửa, nước mắt ròng ròng... Những ngày nắng nóng, mồ hôi má ướt đẫm lưng áo. Cực vậy đó, nhưng trừ khi bệnh liệt giường, ngày nào má cũng lụi cụi trong bếp.

 

Cõi riêng của má được dựng bằng đất.
Cõi riêng của má được dựng bằng đất.

Với má, bếp không chỉ là nơi nấu nướng. Không ít lần tủi thân, má trốn ra chái bếp ngồi khóc. Có lần, tôi hỏi, má trả lời tại khói làm cay mắt. Hóa ra những sợi khói mỏng manh còn giúp che giấu nỗi buồn. Gian bếp mộc mạc cũng là không gian gần gũi nhất, dễ sẻ chia nhất của những người đàn bà.

Bây giờ, mỗi lần về nhà, muốn kiếm má, tôi cũng hay đi thẳng ra sau bếp. Cõi riêng của má vẫn là cái cà ràng phủ lọ đen. Vẫn là mảng vách đất ám khói kết nối với khu vườn bằng khung cửa sổ nhỏ. Má vẫn lụi cụi trong không gian thơm lừng mùi cây lá khô. Chỉ có điều, thời gian đã đè nặng lên đôi vai mỏng manh của má. Lưng má đã còng hơn. Suối tóc đen nhánh đã ngả màu sương khói. Đôi mắt má đã không còn tinh anh. Mỗi lần ngồi trước đống lửa rực sáng, nóng hổi, nước mắt sống lại chảy và lòa đi.

Có lần, bưng chén cơm má nấu lẫn ít muội than, em tôi sụt sịt khóc. Má hỏi làm sao mít ướt, nó trả lời không khóc, chỉ tại khói bếp nhiều quá chừng. Má lặng im, mái tóc bạc phơ ánh lên bên làn ánh sáng từ khu vườn xuyên qua cửa sổ. Tôi hiểu, mắt má đang yếu dần.

Tuổi tám mươi dần đưa má rời xa cõi riêng ấm áp ấy. Má cũng dần xa cõi tạm, dần xa chúng tôi. Má nói người của má giờ làm biếng sống lắm, cứ trở trời là tay chân nhấc lên hổng nổi. Ngày nào đó, nếu các con trở về, thấy bếp củi lạnh tanh là biết má hổng thèm lui cui trong bếp nữa mà má đang nằm ngoài vườn. Má sẽ bắt đầu một hành trình rong chơi thong dong ở cõi vĩnh hằng với hoa lá cỏ cây...

Mấy chục năm phiêu dạt đời người toan tính thiệt hơn rồi có lúc chỉ thèm một nỗi rất giản đơn. Đó là được ngồi bên mẹ trong chái bếp thơm mùi thời gian trong một ngày cuối năm.

Theo thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.