Bài 3: Đoạn kết của cuộc tháo chạy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau 35 năm, những dấu tích chiến tranh trên mảnh đất Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) có thể ít nhiều bị thời gian bôi xóa nhưng có một điều vẫn mãi mãi vẹn nguyên, ấy là ký ức hào hùng của chiến thắng đường 7.
Theo lời khai của tướng ngụy Phạm Duy Tất, hồi 13 giờ ngày 18-3-1975, sau khi bị tấn công dồn dập suốt dọc đường 7- đoạn từ Kon Tum xuống đến cầu Kà Lúi, Thiếu tướng Phạm Văn Phú- Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy-đã hốt hoảng ra lệnh cho quân sĩ: “Mở đường máu mà thoát thân, xe không đi được thì phá xe, bỏ qua mọi tình huống mà chạy, lấy Củng Sơn làm tụ điểm”. Trước đó, ngay từ ngày 17-3, để chuẩn bị cho cuộc rút lui chiến lược khỏi Tây Nguyên, địch đã nhiều lần cho máy bay trinh sát OV10, L19 bay lượn trên đường số 7, đường 5 theo dõi hoạt động của quân ta. Đồng thời, địch cũng cho nhiều trực thăng và xe quân sự chở công binh và các phương tiện, thiết bị nhằm mở đường tháo chạy.
Thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên). Ảnh: T.D
Thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên). Ảnh: T.D
“Những toan tính đó của địch đã không qua khỏi mắt quân ta”- ông  Nguyễn Hồng Lạc- Ủy viên Thường trực Huyện ủy Sơn Hòa, người trực tiếp tham gia chặn đánh địch trên đường 7 ngày ấy kể lại. Trong hai ngày (18 và 19-3), đám tàn quân của địch theo đường 7 kéo xuống đến Củng Sơn đã bị quân ta chặn đánh quyết liệt. Biết không thể tháo chạy bằng đường 7, địch dồn quân về Thạnh Hội (xã Sơn Hà) bắc cầu phao để vượt sông Ba, rút theo đường 5 về đồng bằng Tuy Hòa. Hàng ngàn chiếc xe của địch bị ứ lại tại Thạnh Hội. Lương thực cạn kiệt, tâm lý hoảng loạn, đám tàn quân địch quay sang cướp bóc của dân, bắn giết lẫn nhau để giành giật từng lon gạo.
Ý đồ vượt sông Ba của địch đã không thể thành hiện thực khi hỏa lực của ta bất ngờ dội xuống đầu chúng. Mặc dù đã huy động tất cả lực lượng với các loại vũ khí mạnh nhất như: Máy bay ném bom, pháo tấn công vào phòng tuyến của bộ đội ta nhưng địch cũng không thể giải vây cho đám tàn quân ở Thạnh Hội. Bức bí, Bộ chỉ huy cuộc hành quân của địch phải ra lệnh cho máy bay ném bom xăng vào đám phương tiện cơ giới của chúng để tránh rơi vào tay quân ta. Hàng loạt xe tăng, cơ giới của địch nhanh chóng bị phá hủy. Chiếc nào liều mạng vượt qua sông đều bị ta tiêu diệt. Mất phương tiện, địch đành tổ chức hành quân chạy bộ. Nhưng rồi chúng cũng không thoát khỏi sự truy quét của bộ đội ta. Những ngày ấy, trong những cánh rừng ở Sơn Hòa, đâu đâu cũng gặp những bóng địch đói khát, vật vờ. Ngoài một bộ phận bị bộ đội ta tiêu diệt, số còn lại cũng bị nhân dân bắt giao nộp cho Quân Giải phóng. Chuẩn tướng ngụy Trần Văn Cẩm cũng bị bắt khi y đang tìm cách lẩn trốn trong dòng người di tản.
Sau khi đánh tan tác những toán quân cuối cùng của địch trong cuộc rút chạy trên đường 7, trên đà thắng lợi, quân và dân các dân tộc huyện Sơn Hòa dốc toàn bộ lực lượng tấn công chi khu quận lỵ của địch. Với sự hỗ trợ của những chiếc xe tăng mà Sư đoàn 320 đưa từ Tây Nguyên xuống, hàng ngàn tên địch đã bị tiêu diệt, nằm phơi xác bên đường. Số còn lại hoảng sợ quăng súng ra đầu hàng. Huyện Sơn Hòa nhanh chóng được giải phóng hoàn toàn ngày 24-3 trong niềm hân hoan vô bờ của người dân.
Báo cáo tường trình về cuộc rút quân khỏi Tây Nguyên của Bộ Tư lệnh Quân đoàn II cho Nguyễn Văn Thiệu ghi nhận: “Cuộc hành quân dự trù không có áp lực của đối phương; nhưng khi thực thi đã gặp áp lực nặng nề làm cho chỉ huy lúng túng không sao đối phó được”.
35 năm đi qua, những dấu tích ác liệt của chiến tranh trên mảnh đất Sơn Hòa đã ít nhiều bị thời gian xóa nhòa. Nhưng vẫn còn có thể nhận ra con đường quân địch rút chạy qua Củng Sơn về Thạnh Hội nay đã trở thành một dãy phố sầm uất; tòa nhà quận lỵ Củng Sơn nay cũng đã thành một trường mẫu giáo sáng chiều vang tiếng học bài của con trẻ. Từ chỗ tan hoang, đổ nát sau một cuộc chiến kéo dài và trận đánh chặn địch trên đường 7 vô cùng ác liệt, thị trấn Củng Sơn nói riêng, huyện Sơn Hòa nói chung đã ngày càng thay da đổi thịt với những dãy phố hiện đại, những cánh đồng mía, mì, bắp xanh ngát và những nhà máy công nghiệp bề thế.
Trong sự đổi thay đáng tự hào ấy, ta vẫn dễ dàng nhận một điều không bao giờ thay đổi trong tâm trí của rất nhiều người dân Sơn Hòa, nhất là những người đã trực tiếp chiến đấu giải phóng quê hương như ông Nguyễn Hồng Lạc. Đó chính là những ký ức hào hùng về những ngày kháng chiến oanh liệt, đặc biệt là chiến thắng đường 7, nơi đánh dấu những hơi thở cuối cùng của Quân đoàn 2 ngụy trong cuộc rút chạy chiến lược năm xưa. Và giống như con sông Ba hiền hòa muôn đời vẫn chảy quanh những xóm làng từ Tây Nguyên xuống đồng bằng Tuy Hòa, ký ức ấy sẽ mãi được khắc ghi như một bản anh hùng ca bất tận của người dân các dân tộc huyện Sơn Hòa.
Nhóm PV Chính trị- Xã hội

Có thể bạn quan tâm

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.