Khởi nghiệp từ vườn hoa giấy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tốt nghiệp Đại học Đông Á, từ chối công việc ổn định với mức lương 7 triệu đồng/tháng, anh Phạm Văn Thắng (SN 1990, tổ 3, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, Gia Lai) quyết định về quê thực hiện khát vọng làm giàu từ trồng hoa giấy.



Đến thăm “cơ ngơi” của anh Thắng, mọi người đều bị cuốn hút bởi một rừng hoa giấy ngũ sắc đẹp mê hồn. Trên 6 sào đất rẫy, đầu năm 2019, anh Thắng đầu tư trồng 6.000 cây hoa giấy với đủ màu sắc đỏ, cam, trắng, hồng, vàng. Chia sẻ về cái duyên với cây hoa giấy, anh Thắng cho biết: Từ nhỏ, anh đã đam mê cây cảnh. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh đi làm cho một công ty với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, niềm đam mê từ thuở nhỏ luôn thôi thúc anh tìm tòi, khám phá. Thấy cây hoa giấy đang được ưa chuộng trên thị trường, lại rất thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại quê nhà, sau một thời gian tìm hiểu về nguồn gốc, thị trường tiêu thụ, đầu năm 2019, anh quyết định nghỉ việc về quê làm giàu với hướng đi mới. Mấy sào đất ruộng trước đây chỉ trồng lúa và hoa màu cho thu nhập chẳng đáng là bao. Vì vậy, khi nghe anh Thắng trình bày nguyện vọng chuyển đổi cây trồng, gia đình rất ủng hộ. Với số vốn huy động được là 130 triệu đồng, anh quyết định nhập 6.000 cây hoa giấy về trồng.

 Anh Phạm Văn Thắng (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) chăm sóc vườn hoa giấy. Ảnh: V.C
Anh Phạm Văn Thắng (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) chăm sóc vườn hoa giấy. Ảnh: V.C


Tháng 10-2019, anh Phạm Văn Thắng vinh dự được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn biểu dương là “Thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu giai đoạn 2014-2019”.



Hoa giấy là loại cây ưa nắng và chịu hạn tốt nên sinh trưởng, phát triển rất nhanh, sau 6-8 tháng chăm sóc là có thể xuất bán. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các khu du lịch, resort, vùng đô thị… Xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân nâng cao nên nhu cầu chơi hoa, đặc biệt vào dịp Tết tăng cao. Vì vậy, anh Thắng đầu tư mở rộng thị trường tiêu thụ, phân phối cho các chợ hoa trong và ngoài tỉnh. Với giá bán trung bình 70.000 đồng/cây, vườn hoa giấy của anh tạo ra nguồn thu hơn 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Nhờ nắm vững yêu cầu kỹ thuật nên anh Thắng có thể khiến cây ra hoa quanh năm, đặc biệt nở rộ vào đúng thời điểm theo yêu cầu của khách hàng. Giai đoạn đầu, anh chủ yếu cho cây phát triển thân, khi cây cao 1-1,3 m mới cho ra hoa. Khi hoa có dấu hiệu tàn, anh xuống hoa một loạt để cây dưỡng sức. Trung bình cách 15-20 ngày, anh bón phân một lần, chủ yếu là phân hữu cơ cung cấp dinh dưỡng giúp cây bung hoa trở lại. Anh Thắng chia sẻ: Trồng cây cảnh khó nhất là chỉnh sửa, tạo thế. Điều này đòi hỏi người làm vườn phải có tay nghề cao. Giai đoạn đầu do chưa có kinh nghiệm nên anh gặp nhiều khó khăn, thân cây tạo thế không như mong muốn buộc phải cắt bỏ hàng loạt. Sau một thời gian mày mò, tìm hiểu qua mạng xã hội và đến trực tiếp một số nhà vườn học hỏi kinh nghiệm, anh đã cho ra đời những cây hoa giấy ưng ý.

Hiện nay, anh Thắng đang nghiên cứu cách giâm cành tạo cây giống. Điều này giúp anh tiết kiệm thời gian, chi phí, có thể trồng xen ngay sau khi tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, do nắng nóng nên tỷ lệ nảy mầm chưa được như mong muốn. Từng tham gia chương trình “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” do Tỉnh Đoàn tổ chức, anh học hỏi được nhiều mô hình hay từ các bạn trẻ. Cuối năm 2019, anh đầu tư trồng thêm 100 cây chanh và 100 cây dừa. Hiện nay, vườn chanh bắt đầu cho thu hoạch.

Nhận xét về chàng trai 9X với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, chị Nguyễn Thị Lý-Bí thư Đoàn thị trấn Phú Túc-cho hay: Với mô hình trồng cây hoa giấy và cây ăn quả cho thu nhập cao, anh Thắng trở thành gương thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện, tiếp lửa cho phong trào đoàn viên thi đua phát triển kinh tế của địa phương. Với thành công bước đầu, anh không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách làm cho các đoàn viên, thanh niên khác trên địa bàn khi đến tham quan, học hỏi.

VŨ CHI




 

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.