9X khởi nghiệp từ trồng hoa hồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ sự đam mê và ham học hỏi, anh Trần Mạnh Cường (SN 1993) đã khởi nghiệp thành công với vườn hoa hồng có quy mô hơn 2.000 m2, cho thu nhập trung bình 20-30 triệu đồng/tháng.
Nói về cái duyên với nghề trồng hoa hồng, anh Cường cho biết: “Gia đình tôi ở tỉnh Thái Bình, có nghề trồng hoa cảnh lâu năm. Năm 2015, sau khi tốt nghiệp ngành Lâm sinh và Quản lý môi trường (Đại học Nông nghiệp Hà Nội), tôi xin làm việc ở một công ty phân bón tại Gia Lai. Trong thời gian làm việc ở đây, nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng khá thuận lợi để trồng hoa hồng nên tôi quyết định khởi nghiệp bằng cách gây dựng một vườn hoa cho riêng mình”.
 Anh Trần Mạnh Cường đang chăm sóc các gốc hồng bonsai.    Ảnh T.B
Anh Trần Mạnh Cường đang chăm sóc các gốc hồng bonsai. Ảnh T.B
Để biến ý tưởng thành hiện thực, ngoài kinh nghiệm của gia đình, năm 2018, anh Cường đã đến những vườn trồng hoa hồng ở huyện Mê Linh (Hà Nội) và TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) để học hỏi thêm. Đến đầu năm 2019, nhận thấy đã đủ điều kiện khởi nghiệp, anh thuê 2.000 m2 ở địa chỉ 595 đường Lê Duẩn (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) để trồng hoa hồng. Bước đầu, anh Cường được bố mẹ cho một số cây hồng trồng lâu năm trong vườn nhà. Ngoài các giống hồng ngoại, anh còn tìm đến các tỉnh Lào Cai, Sơn La và TP. Hải Phòng để tìm mua nhiều giống hồng cổ về chiết, ghép, nhân giống.
“Muốn có một cây con khỏe, sinh trưởng tốt thì cây mẹ phải khỏe mạnh. Do Gia Lai khá thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu nên các cây hoa hồng đem từ ngoài Bắc vào đều phát triển tốt”-anh Cường cho biết. Theo anh, khi chiết phải chọn các cành khỏe, có 2-3 nhánh, tốt nhất là cành vừa tàn bông khoảng 3-4 ngày. Sau 3 tháng thì có thể xuất bán cây con. So với giống hồng nội, hồng ngoại khó trồng hơn do sự khác biệt về thời tiết, chất đất. Quá trình chăm sóc đòi hỏi người làm vườn phải thực sự am hiểu đặc tính của từng loài để điều chỉnh lượng nước, bón phân hữu cơ theo từng giai đoạn, chú ý cắt tỉa để cây sinh trưởng ổn định.
Nhằm tạo sự khác biệt, anh Cường đã nghiên cứu tạo ra những cây hoa hồng bon sai. Để có một sản phẩm bonsai dáng thế đẹp, anh phải dày công chăm sóc từ khi cây còn non, cắt tỉa cành, định hình dáng cây. Cũng chính vì sự dày công này mà nhiều gốc hồng bonsai có giá cả triệu đồng/gốc; loại bình thường cũng tầm 350.000 đồng/gốc.
Để tiếp cận thị trường tốt hơn, anh Cường thường đăng tải hình ảnh, thông tin các loại hoa tại vườn trên trang facebook “Vườn hoa Gia Lai”. Với những người đam mê hoa hồng, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc. Ông Trần Văn Hà (đường Lạc Long Quân, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku)-một khách quen chia sẻ: “Chủ vườn khá trẻ nhưng lại đam mê và biết cách chăm sóc hoa hồng. Đặc biệt, những giống hồng cổ tại vườn vẫn giữ được màu sắc và mùi hương vốn có, chưa bị lai tạp với các giống khác. Nhà tôi có sân vườn nên thường đến đây mua hoa và được anh Cường hướng dẫn tận tình”.
Hiện tại, vườn hồng của anh Cường có hơn 9.000 chậu hoa hồng với hơn 50 loài khác nhau, trong đó chủ yếu là hồng ngoại và một số hồng cổ. Mỗi tháng, anh Cường xuất bán gần 1.000 chậu hoa, phân phối sỉ cho các cửa hàng trên địa bàn tỉnh. Hồng ngoại có giá dao động từ 80.000 đồng đến 150.000 đồng/cây; hồng cổ có giá từ 100.000 đồng đến 400.000 đồng/cây. Ngoài chiết, ghép để bán cây, anh Cường còn nhận tư vấn, thiết kế sân vườn trồng hoa hồng.                                                                                                                                          
 THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.