(GLO)- Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, song năm học 2022-2023, toàn tỉnh Gia Lai vẫn thiếu 3.016 giáo viên. Tình trạng này khiến việc dạy và học đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Đã thiếu lại càng thiếu
Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Lê Lai (xã Chư Á, TP. Pleiku) có 21 lớp với 641 học sinh. Thế nhưng toàn trường chỉ có 15 giáo viên dạy các môn văn hóa và đang thiếu 6 giáo viên. Hiệu trưởng Lê Minh Tùng cho hay: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm tránh xảy ra tình trạng có trường, lớp nhưng không có giáo viên. Theo đó, nhà trường ưu tiên bố trí 13 giáo viên cho 5 lớp 1, 5 lớp 2 và 4 lớp 3 để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (có 1 giáo viên phải dạy 2 lớp 1). Đối với 4 lớp 4 thì bố trí 2 giáo viên dạy tăng thay ở 2 lớp. Riêng 3 lớp 5, giáo viên còn lại đảm nhận 1 lớp; Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng phải phụ trách mỗi người 1 lớp mới có thể đảm bảo việc dạy-học. Ngoài ra, vì thiếu giáo viên nên nhà trường vẫn còn 2 lớp 1 chưa thể tổ chức dạy 2 buổi/ngày mà chỉ có thể tăng số tiết/buổi để đảm bảo đủ 25 tiết/tuần theo quy định”.
Tuy nhiên, giải pháp “gỡ khó” đó chỉ là tạm thời vì trên thực tế, nó đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe giáo viên, công tác quản lý cũng như duy trì chất lượng giáo dục của nhà trường. Cô Vương Thị Xuân Huyền chia sẻ: “Tôi được phân công chủ nhiệm và giảng dạy lớp 4/1 tại điểm trường trung tâm và lớp 4/3 tại điểm trường làng Wâu. Sau 5 tiết buổi sáng, tôi trở về nhà và hầu như không được nghỉ ngơi, có hôm chẳng kịp ăn cơm trưa đã phải di chuyển vào điểm trường lẻ cách nhà khoảng 10 km để lên lớp buổi chiều. Nhiều khi tôi còn đi sớm hơn bởi phải đến tận nhà vận động, chở học sinh ra lớp. Vất vả chưa bàn tới nhưng việc dạy song song 2 lớp khiến tôi khó bề sâu sát hết quá trình học tập của từng học sinh, chất lượng dạy cũng ít nhiều bị ảnh hưởng”.
|
Vì thiếu giáo viên nên thầy Lê Minh Tùng-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai (xã Chư Á, TP. Pleiku) phải làm công tác chủ nhiệm và đứng lớp. Ảnh: Mộc Trà |
Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Viết Xuân (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) cũng đang gặp khó vì không có giáo viên Vật lý bậc THCS. Theo Hiệu trưởng Trần Thanh Vĩnh, sau khi giáo viên Vật lý chuyển công tác về TP. Pleiku vào cuối tháng 9-2020, nhà trường tiến hành hợp đồng giáo viên để giảng dạy nhưng chưa hết năm học thì bị cắt chỉ tiêu do tinh giản biên chế. “Năm học này, nhà trường được cấp trên tạo điều kiện tăng cường 1 giáo viên từ Trường THCS Nguyễn Huệ (phường Đoàn Kết) về giảng dạy để đảm bảo số tiết môn Vật lý theo quy định đối với khối THCS và 1 giáo viên của Trường THCS Phạm Hồng Thái (xã Chư Băh) giảng dạy môn Công nghệ-Kỹ thuật cho khối 8, 9. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi rất cần giáo viên bộ môn để đảm đương cho học sinh trường mình”-thầy Vĩnh bày tỏ.
Theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12-7-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, mỗi trường tiểu học dạy 1 buổi/ngày được bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp, dạy 2 buổi/ngày bố trí tối đa 1,5 giáo viên/lớp; trường THCS tối đa 1,9 giáo viên/lớp; trường THPT tối đa 2,25 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều cơ sở giáo dục trong tỉnh, tỷ lệ giáo viên/lớp so với quy định còn khá thấp. Thầy Nguyễn Thế Hùng-Hiệu trưởng Trường THPT Pleime (huyện Chư Prông) thông tin: “Nhà trường có 26 giáo viên đảm đương 17 lớp với 780 học sinh. Tỷ lệ giáo viên/lớp chỉ đạt 1,52 và còn thiếu 8 giáo viên. Vì không được hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế được giao nên chúng tôi phải đề xuất và được Sở GD-ĐT xem xét biệt phái thêm 7 giáo viên để đảm bảo công tác giảng dạy; đồng thời, động viên giáo viên trong trường dạy tăng giờ. Thế nhưng, cái khó ở đây là không có nguồn kinh phí nào để chi trả cho số giờ dôi dư ấy”.
|
Nguồn giáo viên cho các môn Tin học, Nghệ thuật, Thể dục, Công nghệ và một số môn năng khiếu khá hạn chế nên nhiều địa phương vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu biên chế được giao. Ảnh: Mộc Trà |
Trên thực tế, số lượng học sinh đến trường tăng dần hàng năm, song ngành GD-ĐT tỉnh vẫn phải tiếp tục thực hiện việc cắt giảm biên chế 10% theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, dẫn đến các cơ sở giáo dục đã thiếu giáo viên, nhân viên lại càng thiếu trầm trọng hơn. Mặt khác, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai giảng dạy bắt buộc môn Tiếng Anh, Tin học ở lớp 3 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng số lượng giáo viên 2 môn này ở bậc tiểu học chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Còn các môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở lớp 10 dẫu là môn lựa chọn nhưng hiện nay tại các trường THPT trực thuộc Sở cũng không có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật.
Một khó khăn khác là “đầu vào” hạn chế. Bà Phạm Thị Thu Hằng-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Prông-lý giải: “Hiện nay, một số trường ở vùng sâu, vùng xa dù còn chỉ tiêu biên chế nhưng lại không tuyển dụng được giáo viên. Đơn cử như Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (xã Ia Piơr) đang thiếu đến 16 giáo viên so với biên chế được giao, phải thực hiện hợp đồng ngắn hạn. Nguyên nhân là nguồn tuyển dụng bị hạn chế khi Luật Giáo dục năm 2019 thay đổi đã nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên, trong đó, giáo viên mầm non phải đạt trình độ từ cao đẳng trở lên, các bậc học khác từ đại học trở lên. Ngoài ra, giáo viên nộp hồ sơ dự tuyển ở các môn Tin học, Nghệ thuật, Thể dục, Công nghệ và một số môn năng khiếu cũng khá khan hiếm”.
Tìm giải pháp gỡ “nút thắt”
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành GD-ĐT, Nội vụ cùng các địa phương quyết liệt, chủ động tìm giải pháp để tháo gỡ “nút thắt” về thực trạng thiếu giáo viên. Một trong số đó là đẩy mạnh rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, sáp nhập các trường quy mô nhỏ trên cùng địa bàn để giảm biên chế cán bộ quản lý, nhân viên trường học; nâng sĩ số học sinh/lớp ở từng bậc học lên mức tối đa theo Điều lệ trường học... “Nhờ đó, năm học 2022-2023, mặc dù tăng 9.892 học sinh, song toàn tỉnh đã giảm được 1 trường, 78 lớp và 74 điểm trường; sĩ số bình quân chung ở tất cả bậc học đều tăng so với năm học 2021-2022. Đặc biệt, bậc mầm non tuy tăng 277 học sinh nhưng giảm 12 lớp, bậc tiểu học tăng 3.104 học sinh nhưng giảm 110 lớp. Điều này cho thấy sự nỗ lực của ngành GD-ĐT và các địa phương trong việc sắp xếp trường lớp theo chỉ đạo của UBND tỉnh để góp phần giải quyết bài toán thiếu giáo viên”-Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.
Năm học này, số biên chế sự nghiệp giáo dục vẫn được giao giữ nguyên so với năm học 2021-2022 là 19.901 chỉ tiêu. Tuy nhiên, căn cứ các quy định của Trung ương và tình hình thực tế về trường lớp, học sinh, toàn tỉnh vẫn còn thiếu 3.016 giáo viên (1.231 giáo viên mầm non, 817 giáo viên tiểu học, 660 giáo viên THCS, 308 giáo viên THPT) và 1.512 nhân viên. Nhằm giải quyết khó khăn trước mắt, đầu năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT đã điều động, biệt phái 93 giảng viên, giáo viên thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai và một số trường THPT trong tỉnh đến giảng dạy tại các trường có tỷ lệ giáo viên/lớp thấp. Thầy Phan Gia-giáo viên Trường THPT Pleime-tâm sự: “Tôi nguyên là giảng viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai được biệt phái đi dạy tại nhiều nơi kể từ năm học 2020-2021. Năm nay, tôi tiếp tục được điều động đến dạy tại Trường THPT Pleime. Tuy nhiên, sau đó, tôi đã viết đơn xin chuyển hẳn công tác về trường với mong muốn chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp nơi đây trong bối cảnh thiếu giáo viên”.
|
Việc tỉnh đẩy mạnh rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp đã góp phần đáng kể trong việc giải quyết bài toán thiếu giáo viên. Ảnh: Mộc Trà |
Năm học 2022-2023, TP. Pleiku có 66 trường công lập với 1.329 lớp và 51.331 học sinh (giảm 6 lớp, tăng 950 học sinh so với năm học 2021-2022). Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Nguyễn Đình Thức cho hay: Trên cơ sở quy mô trường lớp và số lượng học sinh, UBND thành phố đã đề nghị UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT xem xét bổ sung thêm 443 chỉ tiêu biên chế gồm: 362 giáo viên và 81 nhân viên ngoài tổng số biên chế được giao. Trong thời gian chờ đợi kết quả, Phòng đã chỉ đạo các trường linh hoạt dạy tăng thay theo quy định để đảm bảo số tiết còn thiếu, nhất là đối với 25 lớp của 11 trường tiểu học đang thiếu giáo viên văn hóa đứng lớp.
Toàn tỉnh có 761 trường mầm non và phổ thông (713 trường công lập và 48 trường tư thục, dân lập) với 415.318 học sinh/12.104 lớp. Tổng số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông hiện có mặt là 22.505, gồm: 1.871 cán bộ quản lý, 18.274 giáo viên, 1.530 nhân viên. Tổng số hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 830 người. |
Tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị, năm học 2022-2023, tỉnh Gia Lai được bổ sung 1.244 biên chế giáo viên, trong đó có 574 chỉ tiêu bậc mầm non, 339 chỉ tiêu bậc tiểu học, 237 chỉ tiêu bậc THCS và 94 chỉ tiêu bậc THPT. Sau khi làm việc với 17 huyện, thị xã, thành phố, Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ đã thống nhất đề xuất Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để trình HĐND tỉnh kỳ họp chuyên đề phê duyệt tổng số lượng người làm việc thuộc sự nghiệp giáo dục được bổ sung cho năm học 2022-2023. Tuy nhiên, ngày 18-9 vừa qua, Bộ Nội vụ có Công văn số 4600/BNV-TCBC trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV về việc bổ sung biên chế giáo viên với nội dung: Ngày 9-8, Bộ Nội vụ đã có Văn bản số 3788/BNV-TCBC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện giao biên chế giáo viên năm học 2022-2023 cho các địa phương theo Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị, trong đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ hướng dẫn các địa phương về việc quản lý, sử dụng biên chế giáo viên được bổ sung của năm học 2022-2023. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương để triển khai thực hiện. “Vì thế, tỉnh vẫn đang chờ hướng dẫn từ Trung ương để thực hiện quy trình phân bổ 1.244 chỉ tiêu biên chế giáo viên cho các địa phương tuyển dụng theo quy định”-Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết.
MỘC TRÀ