Đô thị xanh và bãi rác lở lói

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thêm một lần nữa, bãi chứa rác của cả TP Đà Lạt (bãi rác Cam Ly) đổ ập xuống. Sự cố môi trường lần thứ 3 đã xảy ra ngay tại bãi rác tai tiếng này chỉ trong chưa đầy một năm.
 

 Hàng trăm tấn rác từ bãi rác Cam Ly ập xuống thung lũng - Ảnh: MAI VINH
Hàng trăm tấn rác từ bãi rác Cam Ly ập xuống thung lũng - Ảnh: MAI VINH



Một dấu hỏi lớn được đặt ra cho tỉnh Lâm Đồng về vấn đề xử lý rác thải trong tiến trình xây dựng đô thị xanh - thông minh đối với TP Đà Lạt, một mục tiêu đã được xác lập trong nghị quyết của tỉnh.

Các sự cố môi trường xuất phát từ bãi rác Cam Ly xảy ra thường xuyên trong quá trình tồn tại của bãi rác này, và tần suất dày thêm trong thời gian gần đây.

Trận sạt lở khiến hàng nghìn tấn rác ập xuống vườn nhà dân vào tháng 8-2019 chưa kịp khắc phục thì bãi rác này lại bốc cháy không thể kiểm soát, khiến khói độc tràn vào trung tâm TP.

Và lần này là sự cố sạt lở núi rác tương tự như từng xảy ra vào năm 2019. Chiếu theo quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bãi rác Cam Ly thuộc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Chính sự tồn tại của bãi rác này ở trên một đỉnh đồi ngay trong nội ô Đà Lạt hàng chục năm qua đã là sự bất hợp lý tiềm ẩn những rủi ro về môi trường.

Bãi rác Cam Ly cách trung tâm TP chỉ 3km, không phải là bãi rác nhỏ, xử lý rác cho đô thị có quy mô tương đối lớn với hơn 400.000 dân, chưa tính lượng khách du lịch lưu trú hơn 10.000 người/ngày.

Mỗi ngày, bãi rác này bắt buộc phải nhận 200 tấn rác chưa được phân loại, được ép nén sơ sài để xử lý bằng cách không thể cũ kỹ hơn: chôn lấp.

Năm 2015, bãi rác Cam Ly quá tải phải đóng cửa khi tại đây đã chôn lấp hở hơn 300.000 tấn rác. Rác thải rắn của Đà Lạt được chuyển tới nhà máy xử lý chất thải ở xã Xuân Trường, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 20km. Tuy nhiên từ năm 2017 đến nay, do nhà máy xử lý chất thải ở Xuân Trường không xử lý hết nên rác thải lại được chuyển về bãi rác Cam Ly.

Lúc này, khi không chỉ người dân trong nước mà cả du khách và nhiều tổ chức quốc tế đang nhìn nhận Đà Lạt là đô thị xanh, điểm đến hấp dẫn thì chính bản thân TP này lại loay hoay xử lý rác, một vấn đề rất cơ bản về môi trường, quy hoạch và vận hành đô thị.

Cùng là một điểm đến du lịch như Đà Lạt nhưng Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã khiến du khách phải trầm trồ bởi có bước tiến lớn trong việc xử lý rác. Đảo nhỏ ấy đã trở thành một điểm đến không nilông và tương lai sẽ trở thành một nơi không rác thải.

Thành phố di sản Hội An đang xem cách xử lý rác của Cù Lao Chàm như một mô hình cần nhân rộng để không chỉ sạch, ngăn nắp mà còn đạt đến một tầm cao trong ứng xử với rác và môi trường.

Quay lại phố núi, Đà Lạt dẫu đang đi chậm hơn nhưng vẫn là một kỳ vọng đáng tin tưởng trong quá trình xây dựng đô thị xanh - thông minh, có cách ứng xử với rác tương xứng với mức ưu đãi của khí hậu và thiên nhiên nơi đây.

Khi một người mẹ bảo dọn nhà đón khách, các thành viên trong nhà sẽ hiểu ý ưu tiên làm sạch khu vệ sinh. Nếu khách khó chịu vì điểm tế nhị ấy thì gia chủ mất mặt. Với một đô thị đáng sống như Đà Lạt và đang là điểm đến của 7 triệu lượt khách/năm, có lẽ không nên tiếp tục mang tiếng xấu chỉ vì các sự cố rác thải.

Theo MAI VINH (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Nhân lên niềm vui chiến thắng

Nhân lên niềm vui chiến thắng

(GLO)- Sau 49 năm giải phóng, Gia Lai đã vươn lên trở thành trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực của Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Tinh thần Chiến thắng 30-4 đã được kế thừa, phát huy và nhân lên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Nâng chất lao động ngành du lịch

Nâng chất lao động ngành du lịch

Người lao động làm trong ngành du lịch đến từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore có mặt ở các khách sạn 4-5 sao tại Việt Nam đang khá nhiều. Điều này cho thấy, lao động ngành du lịch đang bị cạnh tranh việc làm ngay trên sân nhà.
Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.