*P.V: Thưa ông, sau 30 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển (ICPD Cairo, 1994), Công tác dân số Gia Lai đã đạt những kết quả như thế nào?
- Ông VƯƠNG NHẬT: Năm 1994, tại thủ đô Cairo của Ai Cập đã diễn ra Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển với 179 quốc gia tham dự, trong đó có Việt Nam. Hội nghị đã thông qua chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực dân số và phát triển.
Nhân viên y tế huyện Đak Đoa tuyên truyền, vận động về công tác dân số mỗi gia đình để nuôi dạy con tốt. Ảnh: N.N |
Tại Gia Lai, các cấp ủy, chính quyền đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân số và phát triển. Theo đó, công tác dân số đạt được những kết quả khả quan. Các mô hình, dự án liên quan đến nâng cao chất lượng dân số (sàng lọc trước sinh sơ sinh, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống) được triển khai hiệu quả. Tình trạng du canh du cư giảm, thay vào đó, người dân các thôn, làng vùng sâu, vùng xa có nơi ở và lao động sản xuất ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý hộ khẩu, hộ tịch.
Quy mô gia đình có 2 con đã thành chuẩn mực của xã hội. Chất lượng dân số được nâng lên cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, nâng cao tuổi thọ bình quân, từng bước giảm hộ nghèo; các dịch vụ y tế, giáo dục được cải thiện; mức sống và trình độ dân trí trong cộng đồng dân cư ngày được nâng lên.
*P.V:Bên cạnh những thuận lợi, công tác dân số ở Gia Lai gặp khó khăn, thách thức nào, thưa ông?
- Ông VƯƠNG NHẬT: Bên cạnh những thành tựu, công tác dân số nước ta nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Với Gia Lai đó là sự chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, đối tượng; tỷ lệ sinh con thứ ba còn cao, nguy cơ không đạt được mục tiêu mức sinh thay thế trên phạm vi toàn tỉnh. Tốc độ già hóa dân số nhanh; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết chậm khắc phục. Chất lượng dân số, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn hạn chế. Một số nội dung quan trọng khác trong công tác dân số có tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của tỉnh cả trong hiện tại và tương lai.
Bên cạnh đó, phương tiện tránh thai không đủ đáp ứng nhu cầu các nhóm đối tượng thuộc diện được cấp miễn phí; trong khi chương trình tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai triển khai chưa được xuyên suốt và chưa tạo thói quen tự chi trả trong Nhân dân. Một số dịch vụ như: phòng-chống nhiễm khuẩn đường sinh sản/bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, sức khỏe sinh sản vị thành niên và cung cấp dịch vụ có tính đến yếu tố giới vẫn còn hạn chế...
Nhân viên y tế huyện Chư Sê tuyên truyền vận động mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, bảo đảm quyền, trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Ảnh: Như Nguyện |
*P.V: Theo ông, công tác dân số và phát triển cần ưu tiên đầu tư như thế nào để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế-xã hội giữa các vùng và các nhóm dân cư trong tỉnh?
- Ông VƯƠNG NHẬT:Ngày Dân số Thế giới năm nay có chủ đề “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”. Vì vậy, tỉnh cần tập trung nguồn lực cho công tác dân số, đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch phát triển của từng ngành, từng địa phương.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần đẩy mạnh chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội. Công tác truyền thông vận động theo hướng chủ động nâng cao chất lượng dân số và phát triển, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng; trong đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Song song đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con; bảo đảm quyền, trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Nâng cao nhận thức, thực hành bình đẳng giới, nêu cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức và hành động, từng bước hạn chế, tiến tới xóa bỏ vấn nạn tảo hôn; truyền thông thực hiện xã hội hóa về dân số và phát triển như: khám sức khỏe tiền hôn nhân; thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; chấp nhận phương tiện tránh thai và dịch vụ hàng hóa chăm sóc sức khỏe sinh sản theo hình thức xã hội hóa.
Ngoài ra, các cấp, ngành cần phối hợp giáo dục kiến thức và kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên, thanh niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, hôn nhân và gia đình bằng nhiều hình thức phù hợp. Giáo dục kiến thức, kỹ năng về dân số và phát triển, sức khỏe sinh sản trong thế hệ trẻ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dân số và tuổi thọ của người dân, góp phần phát triển đất nước.
*P.V: Xin cảm ơn ông!