Ăn các món giàu chất này, bớt lo tăng axit uric

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nghiên cứu mới cho thấy một số thực phẩm dễ tìm có thể giúp giảm nguy cơ tăng axit uric máu lên tới 39%.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Y khoa Tề Tề Cáp Nhĩ (Trung Quốc) đã chứng minh thói quen ăn các món giàu mangan có thể là chìa khóa để chống lại chứng tăng axit uric máu.

Tăng axit uric máu cũng có thể có nguyên nhân di truyền, bệnh lý nhưng cũng có thể do tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu purine như nội tạng động vật, thịt đỏ, hải sản, bia, rượu...

Về lâu dài, tăng axit uric máu có thể dẫn tới bệnh gout (gút), sỏi thận, một số vấn đề tim mạch...

Cà phê, trà và một số thực phẩm dễ tìm là nguồn cung cấp mangan cho cơ thể - Ảnh đồ họa AI

Cà phê, trà và một số thực phẩm dễ tìm là nguồn cung cấp mangan cho cơ thể - Ảnh đồ họa AI

Cải thiện chế độ ăn được coi là yếu tố quan trọng để chống lại tình trạng tăng axit uric máu. Bên cạnh việc hạn chế các món giàu purine, ăn thêm một số món khác dường như mang lại lợi ích bất ngờ.

Trong bài công bố trên tạp chí khoa học Nutrition, Metabolism & Cardiovascular Diseases, nhóm tác giả Trung Quốc đã đánh giá chế độ ăn và tình trạng tăng axit uric máu ở 6.886 người tham gia một cuộc khảo sát sức khỏe trong nước.

Kết quả cho thấy nam giới có chế độ ăn giàu mangan nhất trong thời gian dài có thể giảm được trung bình 39% nguy cơ tăng axit uric máu so với nhóm ăn ít nhất.

Ở những phụ nữ có chế độ ăn giàu mangan, mức giảm nguy cơ trung bình là 24%.

Từ đó, các tác giả kết luận rằng tiêu thụ lượng mangan tương đối cao trong thời gian dài có thể có tác dụng bảo vệ chống lại tăng axit uric máu, cho dù cơ chế dẫn đến lợi ích này vẫn chưa rõ ràng.

Trong khi đó, theo Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), mangan là nguyên tố vi lượng có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa axit amin, cholesterol, glucose và carbohydrate... cũng như đối với hệ xương khớp, quá trình sinh sản, đáp ứng miễn dịch, đông máu...

Cũng theo NIH, các loại thực phẩm giàu mangan phổ biến nhất bao gồm ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, lúa mì nguyên hạt, lúa mạch đen, yến mạch...), động vật có vỏ (nghêu, sò, trai...), các loại đậu và hạt, rau lá, cà phê, trà và một số gia vị như hạt tiêu đen.

Có thể bạn quan tâm

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Vitamin C là một trong những chất chống ô xy hóa quan trọng, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và góp phần vào nhiều chức năng khác của cơ thể. Việc thiếu hụt vitamin C không những khiến hệ miễn dịch suy yếu mà còn gây nhiều tác động tiêu cực.