Loài Culi nhỏ cực kỳ quý hiếm được phát hiện tại Bắc Kạn. (Ảnh: TTXVN phát) |
Thời gian qua, tại khu vực Khu Bảo tồn loài-sinh cảnh Nam Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, đã phát hiện 2 cá thể Culi nhỏ cực kỳ quý hiếm (tên khoa học Nycticebus pygmaeus).
Đây là loài động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, thuộc nhóm IB (theo Nghị định 84/2021-NĐ-CP).
Thông tin từ Khu bảo tồn loài-sinh cảnh Nam Xuân Lạc cho biết sáng 3/4, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 1 cá thể Culi hoang dã đang đu bám trên cửa sổ của Trạm Kiểm lâm Cốc Tộc (xã Đồng Lạc).
Ngay sau đó, đơn vị đã tiến hành các thủ tục thả về môi trường tự nhiên.
Trước đó, sáng 28/3, một cán bộ Ủy ban Nhân dân xã Bản Thi (huyện Chợ Đồn) cũng phát hiện một cá thể Culi hoang dã đang đu, bám trên bảng tin của Ủy ban Nhân dân xã. Sau đó, cán bộ địa phương đã báo cáo lại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc.
Qua kiểm tra sơ bộ, cá thể Culi nhỏ này không bị thương tích, khỏe mạnh bình thường. Ban Quản lý khu bảo tồn loài-sinh cảnh Nam Xuân Lạc phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Bản Thi đã thả cá thể Culi này về môi trường tự nhiên trong phạm vi rừng đặc dụng của khu bảo tồn.
Culi Nycticebus pygmaeus, hay còn gọi là Culi nhỏ, có đặc điểm nhận dạng là xung quanh hai mắt có vòng tròn lông màu nâu vàng. Có hai dải lông màu nâu sẫm chạy từ đỉnh đầu xuống trên hai mắt. lông mềm mại màu hung nâu xen kẽ ít lông trắng bạc. Dọc sống mũi có vết trắng. Dọc sống lưng có vết hoe đỏ thẫm. Bụng trắng vàng ánh bạc.
Một cá thể Culi Nycticebus pygmaeus trưởng thành có chiều dài cơ thể từ 19-23cm, trọng lượng từ 377-450gram. Con đực thường lớn hơn con cái. Chúng thường kiếm ăn vào ban đêm, thức ăn chủ yếu là lá cây, hoa quả và các dịch tiết từ thực vật.
Culi nhỏ thích leo trèo, chuyển động nhanh hơn loài Culi lớn. Culi nhỏ sống đơn độc hoặc thành nhóm nhỏ 3-4 cá thể. Chúng sống trong nhiều sinh cảnh khác nhau, thích nghi với điều kiện rừng thưa, thoáng, trên các gốc cây, bụi rậm, ven rừng, trên nương rẫy.
Loài Culi nhỏ có tên khoa học Nycticebus pygmaeus. (Ảnh: TTXVN phát) |
Hiện nay, số lượng quần thể Culi Nycticebus pygmaeus tại Việt Nam đang suy giảm mạnh, nguyên nhân do nơi cư trú của chúng bị xâm hại, rừng bị chặt phá, diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp và chúng cũng là đối tượng săn bắt để nuôi làm cảnh, buôn bán và xuất khẩu.
Ông Lường Quốc Hải, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài-sinh cảnh Nam Xuân Lạc, cho biết sau khi phát hiện 2 cá thể Culi nhỏ, Khu bảo tồn và chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ, tuyên truyền người dân xung quanh khu bảo tồn không có hành vi xâm hại đến 2 cá thể Culi này nói riêng và động vật hoang dã nói chung.
Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc có diện tích rừng tự nhiên gần 4.000ha, tại đây có hệ động, thực vật đa dạng, phong phú.
Cũng trong tháng 3/2024, lực lượng Khu bảo tồn cũng vừa phát hiện một cá thể khỉ mốc (thuộc loài động vật quý hiếm). Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn đã phát hiện 3 cá thể động vật hoang dã quý hiếm tại khu bảo tồn.