Kông Chro: Đồng bào Bahnar thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhờ chịu khó lao động và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ đồng bào Bahnar ở huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã làm giàu trên chính quê hương mình.

Anh Đinh Văn Hlinh (tổ dân phố Plei Ktoh, thị trấn Kông Chro) là con đầu trong gia đình có 4 anh chị em. Năm 2013, sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh trở về địa phương để xây dựng cuộc sống gia đình.

Với số vốn ban đầu là 27 triệu đồng, anh Hlinh vay thêm 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua 5 con bò về nuôi. Hàng năm, anh bán bớt bò để lấy tiền mua đất trồng bắp, trồng mì. Cuối vụ thu hoạch, anh bán nông sản, dành một phần tái đầu tư, phần còn lại tiếp tục mua đất, sắm sửa máy móc phục vụ sản xuất.

“Sau nhiều năm chịu khó làm việc và tiết kiệm chi tiêu, tôi đã mua được chiếc xe chuyên vận chuyển nông sản, máy tách hạt bắp, chiếc máy cày nhỏ và mua chung với bạn 1 chiếc máy cày cỡ lớn. Tôi mua đất trồng 2 ha bạch đàn, 7 ha bắp, mì, rau màu và trồng cỏ chăn nuôi đàn trâu, bò 11 con.

Ngoài ra, tôi còn cho 4 hộ khó khăn trong tổ dân phố nuôi rẽ 9 con bò. Tổng thu nhập của gia đình gần 400 triệu đồng/năm”-anh Hlinh cho biết.

Nhờ thay đổi cách làm, mô hình trồng mía của gia đình ông Đinh Rânh (bìa phải, làng Tpôn, xã Chơ Long) đạt hiệu quả cao. Ảnh: A.P

Nhờ thay đổi cách làm, mô hình trồng mía của gia đình ông Đinh Rânh (bìa phải, làng Tpôn, xã Chơ Long) đạt hiệu quả cao. Ảnh: A.P

Ông Đinh Rânh (làng Tpôn, xã Chơ Long) cũng là điển hình sản xuất giỏi tại địa phương. Từ 5 ha đất bố mẹ cho, ông cùng vợ bắt tay gầy dựng cuộc sống mới. Hiện nay, gia đình anh có 7 ha mía, 4 ha mì, 4 ha bắp và 3 ha đất trồng cỏ chăn nuôi gần 30 con trâu, bò mang lại thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Với quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, ông Rânh tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động địa phương với mức tiền công 170 ngàn đồng/người/ngày bao ăn uống. Ông còn giúp đỡ 6 hộ nghèo và cận nghèo về giống, vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.

Ông Rânh cho biết: Năm 2000, vợ chồng ông ra ở riêng, bố mẹ cho đất nhưng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm kỹ thuật nên hiệu quả sản xuất thấp. Sau đó, ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Khi có kiến thức, ông quy hoạch vùng trồng trọt, chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

“Với cây mía, gia đình liên kết với Nhà máy Đường An Khê sản xuất theo mô hình cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khi thu hoạch. Đối với cây mì, cây bắp thì tôi chú trọng sử dụng giống mới và tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao. Tôi không thả rông gia súc như trước mà làm chuồng trại, quây lưới sắt thành vùng thả vật nuôi trong đó để dễ kiểm soát, chăm nom.

Hàng ngày, tôi cắt cỏ, bổ sung nước, muối khoáng và vệ sinh chuồng trại. Phân chuồng được bón cho cây trồng, giảm một phần kinh phí đầu tư, giúp đất tơi xốp, tăng hiệu quả sản xuất. Những kinh nghiệm đúc rút được trong chăn nuôi, trồng trọt tôi đều chia sẻ với bà con làng xóm để cùng nhau phát triển kinh tế”-ông Rânh chia sẻ.

Ông Đinh Rânh (làng Tpôn, xã Chơ Long, huyện Kông Chro) chăm sóc đàn bò. Ảnh: An Phát

Ông Đinh Rânh (làng Tpôn, xã Chơ Long, huyện Kông Chro) chăm sóc đàn bò. Ảnh: An Phát

Theo ông Đinh A Nhái-Chủ tịch Hội Nông dân xã Chơ Long: Xã có 654 hội viên nông dân, phần lớn là người Bahnar. Để hỗ trợ hội viên người dân tộc thiểu số, ngoài tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý điều hành của chính quyền, Hội chủ động tham mưu UBND xã phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; tích cực vận động hội viên nông dân chuyển đổi cây trồng, mạnh dạn triển khai mô hình kinh tế mới, hiệu quả và tham gia phong trào “Sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

“Đến cuối năm 2023, toàn xã có 200 hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, 35% hội viên là người dân tộc thiểu số”-ông A Nhái thông tin.

Từ việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm cộng với chịu khó lao động, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nhiều hội viên nông dân người Bahnar huyện Kông Chro đã tận dụng lợi thế của địa phương để làm giàu với các mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi.

Tiêu biểu như gia đình bà Đinh Thị Hmei (làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning) thu nhập hơn 1 tỷ đồng từ mô hình trồng mía, keo, bạch đàn, đậu, bí và chăn nuôi bò lai sinh sản; gia đình chị Đinh Thị Byer (làng Húp, xã Kông Yang) thu nhập hơn 350 triệu đồng từ trồng chuối, trồng mía, chăn nuôi bò, dê; gia đình ông Đinh Brung (làng Rơng, xã Yang Nam) trồng mía, mì kết hợp chăn nuôi bò, đem lại lợi nhuận hơn 350 triệu đồng/năm.

Bà Trịnh Thị Nguyện-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kông Chro-cho biết: Tỷ lệ hội viên người dân tộc thiểu số chiếm 72,5%. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện những năm qua không ngừng phát triển, nhân rộng, xuất hiện ngày càng nhiều nông dân Bahnar vượt khó làm giàu.

Đến cuối năm 2023, toàn huyện có 47 hội viên người Bahnar được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, giai đoạn 2017-2022.

Có thể bạn quan tâm

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

(GLO)- Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được duy trì suốt 1 thập kỷ qua. Thông qua mô hình, phụ nữ Ia Rsai thực hành tiết kiệm để giúp người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn.

Khôn lỏi !

Khôn lỏi !

Hành vi trồng cây, xây dựng tạm trong phạm vi dự án để chờ đền bù thể hiện sự khôn lỏi, cố tình trục lợi bất chính từ chính sách của nhà nước.

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.

Vị quê giữa phố

Vị quê giữa phố

(GLO)- Đó là những thức món rất dân dã, thậm chí trước kia còn được gọi là món “con nhà nghèo”. Vậy mà giờ đây vị quê lại thành “đặc sản” giữa phố.