Tháo gỡ vướng mắc trong phòng cháy, chữa cháy cho doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Việc bị “mắc kẹt” với các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn này sắp được giải quyết khi Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 220/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC.

Doanh nghiệp gặp khó

Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho biết: Theo phản ánh của các doanh nghiệp, những vướng mắc về PCCC mà họ gặp phải trong khoảng 2 năm qua chủ yếu liên quan đến Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, có hiệu lực từ ngày 10-1-2021.

“Hầu hết quán karaoke đều đang gặp khó khăn trong việc thực hiện yêu cầu kiểm định vật liệu trên tường, vách ngăn và trần treo của đường thoát nạn, lối thoát nạn, buồng thang thoát nạn, các gian phòng tập trung đông người được thiết kế bằng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu không cháy hoặc khó cháy. Những doanh nghiệp khác, kể cả doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm, hệ thống PCCC cũ đã xuống cấp thì nay cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trang bị hệ thống PCCC phải theo quy định mới. Cũng theo quy định mới, các nhà xưởng, cơ sở sản xuất phải đáp ứng yêu cầu về giới hạn chịu lửa của các cấu kiện xây dựng, giải pháp ngăn cháy, chống tụ khói…”-ông Tuấn thông tin.

Tủ dụng cụ PCCC, các loại bình chữa cháy chuyên dụng... được trang bị đầy đủ tại Showroom Kia-Mazda-Peugeot (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Tủ dụng cụ PCCC, các loại bình chữa cháy chuyên dụng... được trang bị đầy đủ tại Showroom Kia-Mazda-Peugeot (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đức Minh-Giám đốc Dịch vụ Showroom Kia-Mazda-Peugeot (244 Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku) cho hay: “Showroom của chúng tôi đi vào hoạt động từ năm 2016. Vì đặc thù loại hình kinh doanh nên các showroom trưng bày sản phẩm của chúng tôi phải sử dụng các loại hóa chất dễ cháy như xăng, dầu, nhớt… Chúng tôi đã đầu tư hệ thống PCCC bài bản, đúng quy định để luôn đảm bảo an toàn với hệ thống báo cháy tự động khi có khói, nhiệt; máy bơm nước chữa cháy; gần 50 bình chữa cháy chuyên dùng cả loại bột lẫn loại khí. Tủ dụng cụ PCCC, bảng cảnh báo, bảo hiểm cháy nổ cũng được chúng tôi trang bị đúng theo quy định. Tuy nhiên, với việc siết chặt các quy định về PCCC, chúng tôi phải lắp đặt thêm hệ thống chữa cháy tự động, chi phí đội lên cả tỷ đồng. Tôi cho rằng điều này rất tốn kém, lãng phí, không cần thiết”.

Còn bà Trần Thị Kim Hoa-Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngọc Hoa (232 Hùng Vương, TP. Pleiku) thì chia sẻ: “Chúng tôi đang cải tạo lại một chi nhánh kinh doanh trên đường Trường Chinh (TP. Pleiku). Lẽ ra tiến độ thiết kế gần xong rồi nhưng hiện phải thiết kế lại hệ thống PCCC theo quy định mới. Tất nhiên đã là quy định thì phải tuân theo, nhất là việc PCCC liên quan đến tài sản và tính mạng con người lại càng phải cẩn thận, nhưng chúng tôi cũng mong muốn việc áp dụng các tiêu chuẩn ở mức vừa phải, hợp lý, thời gian thư thả để đừng gây khó cho doanh nghiệp”.

Sớm tháo gỡ vướng mắc

Trước thực tế doanh nghiệp đang “mắc kẹt” với những quy định về PCCC, ngày 5-4-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 220/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương rà soát chính sách, pháp luật về PCCC để kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; phân loại cụ thể theo nhóm các công trình, cơ sở có khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục sau kiểm tra, rà soát; chủ động, kịp thời giải đáp, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể chi tiết các quy định và giải pháp để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân khắc phục tổng thể các vi phạm, thiếu sót về PCCC của công trình, cơ sở, phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh.

"Bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải trang bị hệ thống máy bơm nước chữa cháy luôn hoạt động ổn định để sử dụng được ngay khi có sự cố. Ảnh: Hà Duy

"Bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải trang bị hệ thống máy bơm nước chữa cháy luôn hoạt động ổn định để sử dụng được ngay khi có sự cố. Ảnh: Hà Duy

Đại tá Nguyễn Văn Minh-Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) cho biết: “Chúng tôi đã biết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định về PCCC của doanh nghiệp và cũng đã nhận được văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đảm bảo an toàn PCCC của Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, về áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC, công trình nào đã được góp ý thiết kế cơ sở, thẩm duyệt theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn phiên bản trước thì được tiếp tục áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn đó, không kiến nghị, yêu cầu phải thiết kế theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới. Chỉ có các công trình, dự án khởi công mới thì phải áp dụng các tiêu chuẩn theo quy định mới”.

Đại tá Nguyễn Văn Minh thông tin thêm: Đơn vị đã hướng dẫn chủ đầu tư các giải pháp, yêu cầu để được nghiệm thu từng phần theo nguyên tắc hạng mục nào của công trình bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về PCCC theo nội dung đã được thẩm duyệt thiết kế và có thể hoạt động độc lập, không bị ảnh hưởng bởi các hạng mục công trình đang tiếp tục thi công thì đơn vị tổ chức kiểm tra kết quả nghiệm thu theo đề nghị của chủ đầu tư, đảm bảo phù hợp với quy định về nghiệm thu hạng mục công trình.

Về việc nghiệm thu đối với kết cấu được bọc bảo vệ bằng sơn chống cháy, trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp thường xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh ở địa điểm rộng rãi chứ không san sát như ở các thành phố lớn. Vì vậy, chưa có công trình nào phải sử dụng giải pháp sơn chống cháy.

“Đối với các cơ sở còn tồn tại, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn phương án, giải pháp và thống nhất thời gian khắc phục; yêu cầu cơ sở có văn bản cam kết thời hạn hoàn thành và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ trong suốt thời gian khắc phục. Sau khi khắc phục xong, chủ cơ sở có văn bản báo cáo (kèm hồ sơ, bản vẽ thiết kế, bản vẽ hoàn công, tài liệu liên quan đến việc sửa chữa, khắc phục các tồn tại, vi phạm) gửi đến cơ quan quản lý trực tiếp để kiểm tra xác nhận kết quả. Đối với cơ sở, doanh nghiệp vướng mắc, khó khăn trong khắc phục tồn tại, thiếu sót về PCCC và cứu nạn cứu hộ, đơn vị đều cử cán bộ phối hợp khảo sát, đánh giá thực tế và tư vấn, hướng dẫn thực hiện các giải pháp khắc phục đảm bảo đúng quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ”-Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ cho biết.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: “Các doanh nghiệp đều vui mừng trước sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ cũng như sự hỗ trợ từ phía đơn vị chức năng. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng mong muốn đối với từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh cần có quy chuẩn riêng phù hợp với cấp độ rủi ro”.

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước