Bảo vệ trẻ trong vùng an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Một hôm, con trai nói với tôi: “Mẹ ơi, cô dặn là ba mẹ phải đón con sớm hơn, đừng đón muộn quá. Cô còn dặn là không được nhận đồ ăn, đồ uống từ người lạ và nhất quyết không được đi theo họ”. Dù con cũng nhận thức được như thế là trường hợp nguy hiểm, nhà trường cũng đã trang bị cho con kiến thức và kỹ năng xử lý song trong lòng tôi không khỏi lo lắng.

Cách đây vài tháng, khi đọc những dòng tin về vụ lừa đảo gọi điện thoại thông báo con bị tai nạn, cần tiền nhập viện để phẫu thuật gấp ở TP. Hồ Chí Minh, tôi đã rất hoang mang. Không phải ai cũng có đủ bình tĩnh khi tiếp nhận những thông tin như thế đối với người thân của mình. Và, không thể trách được những phụ huynh vô tình “sập bẫy” bởi họ không lường trước được kẻ phạm tội sẽ lấy tính mạng của con trẻ để tạo tình huống lừa đảo. Khi sự việc ấy xảy ra ở Gia Lai, không chỉ tôi mà nhiều bậc cha mẹ khác đều bày tỏ sự lo lắng bởi mối nguy đang rình rập, hiện hữu ngay tại nơi mình đang sống.

Việc cho trẻ tiếp xúc với internet sớm và sử dụng không được kiểm soát cũng là mối nguy gây lộ thông tin, mất an toàn. Ảnh minh họa, nguồn VGP

Việc cho trẻ tiếp xúc với internet sớm và sử dụng không được kiểm soát cũng là mối nguy gây lộ thông tin, mất an toàn. Ảnh minh họa, nguồn VGP

Khoa học công nghệ đem đến nhiều lợi ích cho mọi người, song cũng tạo ra môi trường cho tội phạm công nghệ hoạt động lừa đảo. Thông tin cá nhân do chính mỗi người tự cung cấp khi dùng ngân hàng điện tử, các loại ví điện tử, khám bệnh, mua sắm, đăng ký làm khách hàng thân thiết… Đặc biệt, thông tin còn lộ lọt khi cha mẹ vô tình chia sẻ những hình ảnh liên quan đến tên tuổi, trường học của con cái (ví dụ như giấy khen, đồng phục…) trên mạng xã hội. Việc cho trẻ tiếp xúc với internet sớm và sử dụng không được kiểm soát cũng là mối nguy gây lộ thông tin, mất an toàn.

Vì thế, đảm bảo an toàn cho con trẻ giờ đây không chỉ là việc phòng tránh tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, ngộ độc thực phẩm, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, dặn dò tránh xa thuốc lá điện tử, ma túy... mà còn là giữ kín thông tin trên không gian mạng. Một thực tế cần nhìn nhận là thông tin của chúng ta đã không hề bảo mật hoàn toàn dù các nơi đều cam kết không cung cấp cho bên thứ 3. Bất kỳ ai cũng ít nhất 1 lần nhận được những cuộc gọi từ những số thuê bao lạ để tư vấn “việc nhẹ lương cao”, lừa thông báo nộp phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ hoặc nhận quà miễn phí từ các sàn giao dịch điện tử…

Con cái của chúng ta cũng vô tình bị bọn tội phạm lợi dụng, mà mới nhất là việc lừa đảo con bị tai nạn nhập viện như đã nêu ở trên. Ở một số thành phố lớn, đã có một số trường hợp xảy ra như kẻ xấu cố tình đi theo trẻ hỏi số nhà, tên đường, đưa cho đồ ăn, giả danh người nhà đón hoặc thông báo tin thất thiệt về gia đình như bố bị tai nạn, bà ốm nặng cần về nhà ngay… Thậm chí, có đối tượng còn dùng thuốc mê để lừa bắt cóc trẻ em. Tất cả điều ấy, đều do việc lộ thông tin mà ra.

Không ai có thể lường trước hết được tình huống nào sẽ xảy ra bởi các loại tội phạm ngày càng trở nên tinh vi, bất chấp mọi thủ đoạn. Vì thế, bên cạnh nỗ lực của nhà trường thì gia đình là mấu chốt trong việc bảo vệ con trong vùng an toàn. Các bậc cha mẹ cần quan tâm hơn, trò chuyện nhiều hơn và kiểm soát tốt hơn việc con cái sử dụng internet để học tập, giải trí. Đặc biệt, cần cảnh giác cao độ trước mỗi cuộc gọi không xác thực từ người lạ, tránh cung cấp thông tin một cách bừa bãi nhằm giữ an toàn cho bản thân, gia đình, nhất là con trẻ.

Có thể bạn quan tâm