Gốc vông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Khoảng 20 năm trở về trước, “gốc vông” là một địa danh rất nổi tiếng ở Pleiku. Đơn giản nó là một cây vông rất to, thuộc loại cổ thụ ở đầu đường Trường Chinh bây giờ, chếch phía trên nút giao Phù Đổng, đối diện tòa nhà Hoàng Anh Gia Lai.

Xưa, Bến xe Pleiku chính là vị trí Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai bây giờ. Trong bến xe có rất nhiều cây thông cổ thụ, xe xếp lớp đậu dưới các gốc cây. Tất nhiên, xe hồi ấy đa phần xe nhỏ, chạy dầu hoặc than. Bên trong bến xe có vài nhà trọ lụp xụp, mấy quán lơ thơ bán bún phở, cà phê chai, đèn dầu lù mù.

Hồi ấy, sau 22 giờ thì xe không được chạy trên đường 14 sang Đak Lak nữa nên các xe từ đồng bằng lên Đak Lak đa phần phải vào Bến xe Pleiku nghỉ qua đêm. Nhiều lần, bạn học của tôi từ Huế, Quảng Trị lên Buôn Ma Thuột xe dừng nghỉ ở bến xe đã lội bộ vào nhà tôi, khi ấy ở tập thể Ty Văn hóa trên đường Trần Hưng Đạo ngủ, sáng sớm lại đi bộ ra bến xe tiếp tục hành trình.

“Gốc vông” nổi tiếng là bởi, đây là nơi bà con đón xe. Dân ta có cái lạ, rất thích đón xe dọc đường, kể cả bây giờ, việc di chuyển rất thuận tiện, đặt vé online, bến xe hiện đại, nhưng vẫn có người đón xe dọc đường. Hồi ấy, rất ít người vào bến xe mua vé, mà có khi chen mãi xếp hàng mãi tới lượt mình thì... hết vé. Vậy nên, thượng sách là chủ động ra gốc vông đón xe. Tất cả các loại xe từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng đi đường 19 lên để sang Buôn Ma Thuột đều chạy qua đây, và tới đây, như một “mệnh lệnh”, đều dừng để đón khách.

Xe thời bao cấp luôn như con thuồng luồng khát nước, bao nhiêu khách cũng chứa được. Ghế cho 3 người có thể nhét 5-6, chưa kể ghế súp, đường luồng, người đứng nhiều hơn người ngồi. Mà có xe nào đầy quá, lặc lè quá không chứa nổi thì lại đợi xe sau, xe chạy thường xuyên mà và đấy chính là “ưu điểm” của “bến xe gốc vông”.

Tất nhiên, người dân quanh đấy không để khách phải buồn, phải bơ vơ. Những cái quán cóc bày ra phục vụ bà con đợi xe. Tôi thi thoảng tiễn bạn đi Sài Gòn, sau một chầu chính thức ở đâu đó, kéo nhau ra gốc vông đợi đón xe, thế nào cũng tranh thủ làm thêm vài lượt nữa. Mà hồi ấy, xe đã chật, người hút thuốc lá lại nhiều, lên xe thi nhau đốt, mùi rượu, mùi thuốc lá quyện nhau, chả hiểu sao các bà các cô lại cũng chịu được.

Mà không phải người thường đi, cả khách VIP cũng từng đón xe như thế. Là tôi nhớ lần đưa nhà văn Nguyễn Chí Trung, khi ấy là Thiếu tướng, Trợ lý Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ra đón xe ở gốc vông. Ấy là hồi cách đây hơn 20 năm, trước đó tôi chưa từng gặp ông. Đang lơng tơng chạy ngoài đường thì có điện thoại, số lạ. Mở ra a lô thì nghe giọng miền Trung pha Bắc rất nhẹ: “Chào anh, tôi là Trung đây”. “Dạ, Trung nào ạ”. “Nguyễn Chí Trung ạ”. Tôi vẫn ngơ ngác ơ a thì đầu kia giải thích thêm: “Tôi ở Hội Nhà văn ạ”. “Ôi giời, em chào anh”. “Tôi mới vào, xin gặp anh một lúc được không?”. “Dạ, anh ở đâu em đến đón”. “Tôi đứng ở cổng Tỉnh ủy nhé”.

Vù con Cúp 81 mọi thứ kêu loảng xoảng, trừ còi, lên đến nơi thì thấy ông già quần áo bộ đội nhàu nhàu, đội mũ cối dép rọ đứng đợi, tay cầm cái bì ni lông màu đen. Tôi chở ông về phòng làm việc của mình cách đấy gần cây số. Ông bảo, tôi có việc qua đây, ghé thăm anh em tí. Ngồi nói đủ chuyện, chủ yếu là ông nói, tôi “dạ, dạ” phụ họa, rồi ông đưa cái bì ni lông: có ít kẹo cho các cháu. Tôi mời ông ăn trưa ở quán cơm Hưng Long trên đường Trần Hưng Đạo, rồi chở ông về lại trụ sở Tỉnh ủy.

Chiều muộn, ông lại điện: “Anh có rỗi cho tôi nhờ ra bến xe”. Tôi kinh ngạc: “Anh đi xe khách à?”. “Chứ sao, anh lên đón tôi nhé, để tôi kịp xe, nghe nói bây giờ có xe vào Sài Gòn”. “Anh ơi, muốn đi thì sáng mai mua vé có ghế ngồi chứ giờ là bắt xe dọc đường phải đứng đấy, xe chật lắm, phức tạp lắm, anh đi không nổi đâu”. “Kệ, anh cứ cho tôi đi”. Lại phóng lên, ông bảo tôi chở ông đi ra tiệm bánh kẹo. Ông mua một mớ bánh kẹo mang về, bảo để cho chị em phục vụ phòng. Rồi lại mũ cối dép rọ xách ba lô lép kẹp ra cổng. Tôi chở ông ra gốc vông, định mời ông ăn tạm món gì đấy thì một cái xe khói đen mù mịt lố nhố đầu người trờ tới, chưa vẫy nó đã rà vào, ông bước ra thì tay lơ xe đẩy ông lên xe, cái xe đầy nhóc. Trưa hôm sau, đang thiu thiu, ông điện: “Tôi đến Sài Gòn rồi nhé, cảm ơn anh”.

Giờ ở gốc vông ấy thi thoảng vẫn có người đứng đón xe...

Có thể bạn quan tâm

Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.