Những ngày tăng cường ở A Dơk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Ngay sau vụ bạo loạn chính trị xảy ra ở các tỉnh Tây Nguyên vào đầu tháng 2-2001, hệ thống chính trị của tỉnh triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Tháng 4-2004, Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan cấp tỉnh tăng cường xuống cơ sở, nhất là các “điểm nóng”. Báo Gia Lai được phân công phụ trách xã A Dơk, huyện Đak Đoa.

A Dơk có 6 làng Bahnar, 1 làng Jrai và một ít hộ người Kinh ở xen kẽ. Hầu hết người dân trong xã sinh sống bằng nghề nông, nhiều hộ đã biết trồng cà phê và có người vào làm công nhân nông trường cao su. Tuy nhiên, nhìn chung đời sống của bà con còn chật vật. Còn nhớ, vào thời điểm năm 2004, cả xã có trên 4.000 người nhưng chỉ có 25 đảng viên, trong đó có cả cán bộ tăng cường từ huyện về. Đời sống vật chất của bà con khó khăn, hoạt động của chính quyền, đoàn thể lại yếu kém nên đã tạo cơ hội cho bọn xấu xúi giục một số người nhẹ dạ tham gia vượt biên, biểu tình bạo loạn, gây rối an ninh trật tự địa phương.

Một góc đường làng xã A Dơk, huyện Đak Đoa. Ảnh nguồn internet

Một góc đường làng xã A Dơk, huyện Đak Đoa. Ảnh nguồn internet

Báo Gia Lai được Tỉnh ủy phân công phụ trách xã A Dơk với mục tiêu xây dựng xã đến khi nào đạt danh hiệu vững mạnh toàn diện thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Theo đó, Báo xây dựng chương trình hành động rồi cử cán bộ tăng cường xuống xã. Mỗi đợt phân công 2 người, thời gian 1 tháng, sau đó rút lại còn 10 ngày. Ngoài chế độ chung còn cấp thêm cho mỗi người 100 ngàn đồng/ngày để hỗ trợ sinh hoạt. Thường thì cứ vài ba ngày, 1 trong 2 người tranh thủ về thăm nhà rồi sẵn dịp mua thực phẩm. Lúc này, cán bộ tăng cường ở trong một gian nhà nhỏ, lợp tôn, vách xây, nằm một bên hông đầu hồi phía sau hội trường UBND xã. Gian nhà ẩm thấp, kê 2 chiếc giường cá nhân, bàn làm việc, 1 chiếc ti vi 14 inch, bếp gas (gas phải ra thị trấn Đak Đoa mua về) và vài vật dụng lặt vặt. Ngay buổi chiều đầu tiên xuống xã, chứng kiến anh Phạm Văn Thư (đi cùng đợt) chở can nước từ giếng nhà hàng xóm về, tôi không khỏi buồn cười: can nhựa 20 lít bị nứt, nước nhỏ thành dòng, đem về đến nơi, anh Thư đặt trên chiếc thau nhôm lớn để nước khỏi chảy ra đất. Hỏi ra thì được biết không có dây nối để dẫn nước bơm từ giếng của xã về. Một nồi cơm điện, 2 cái xoong nấu thức ăn, còn chén, bát, đũa, muỗng… đều thiếu hoặc “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Sáng hôm sau, tôi gọi điện thoại cho Tổng Biên tập Đoàn Minh Phụng đề xuất trang bị một số đồ dùng thiết yếu để đảm bảo sinh hoạt thường ngày cho cán bộ làm công tác tăng cường như thùng lớn đựng nước, ống nhựa nối với máy bơm nước, chén bát... Có lẽ thấy tôi nói nghe cũng có lý nên anh Phụng đồng ý và ngay chiều hôm đó, xe U oát cơ quan đã chở xuống đủ cả, lại thêm đôi chiếu mới nữa!

Hàng ngày lo xong 2 bữa chính và 1 bữa điểm tâm sáng chủ yếu là mì tôm, chúng tôi thay nhau xuống làng. Có lúc thì đi cùng với ông Wich-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, lúc thì đi với anh Nguyễn Tiến Dũng-cán bộ huyện tăng cường vào làm Bí thư Đảng ủy xã (sau này là anh Huỳnh Văn Kính). Đi đâu, làm những công việc gì, gặp ai, kết quả thế nào, nhận xét ra sao, kế hoạch ngày hôm sau làm gì đều ghi vào quyển sổ nhật ký. Cuối đợt về báo cáo lãnh đạo cơ quan. Chúng tôi thường xuyên vào làng, gặp người dân, gặp trưởng thôn, già làng trao đổi công việc hôm sau. Cũng khá nhiều việc, nào là cải tạo đồng ruộng, đưa lúa giống về, nhờ cán bộ khuyến nông về tập huấn kỹ thuật canh tác, chăm sóc cà phê…

Vậy là, cứ hết đợt này đến đợt khác, A Dơk như ngôi nhà thứ hai của cán bộ, phóng viên Báo Gia Lai. Ai cũng ít nhất vài ba đợt xuống xã. Vài năm sau, UBND xã chuyển ra làm việc tại trụ sở mới xây sát đường giao thông liên xã. Cán bộ tăng cường cũng được bố trí một phòng ở khang trang, khá tiện nghi. Được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến tỉnh và đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực của Báo Gia Lai với tư cách là “đơn vị đỡ đầu”, sau mấy năm, A Dơk đã không còn là “điểm nóng” mà phát huy nội lực vươn lên trở thành xã vững mạnh toàn diện, nhất là về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cao su, cà phê, hồ tiêu, chanh dây… bạt ngàn cùng với ruộng nước và chăn nuôi gia súc đã giúp bà con A Dơk thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Tuy không còn phụ trách A Dơk nữa nhưng Báo Gia Lai vẫn giữ mối liên lạc mật thiết, thường xuyên thăm hỏi nhau vào những dịp lễ, Tết. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tăng cường tại xã A Dơk, anh Nguyễn Tiến Dũng được phân công đảm nhận chức Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa; anh Huỳnh Văn Kính chuyển lên làm Giám đốc Bảo tàng tỉnh rồi nghỉ hưu. Đội ngũ cán bộ tại chỗ của xã trưởng thành, giữ những vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị của địa phương. Mỗi lần có dịp gặp nhau ai nấy đều nhắc: A Dơk được như hôm nay, không thể không kể đến một phần đóng góp của cơ quan Báo Gia Lai!

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.