Hoài niệm với “cà phê muôn năm cũ”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Pleiku hiện có đến hàng trăm quán cà phê lớn nhỏ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của khách, song không vì thế mà những quán lâu đời thưa vắng khách. Là bởi, không gian ấy luôn đong đầy hoài niệm.

1. Trong khi các quán mới ghi danh trong “bản đồ cà phê Phố núi” hiện nay ra sức đầu tư cảnh quan, đa dạng thức uống, đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp thì các quán xưa hầu như không có gì khác ngoài… cà phê, bàn ghế đơn sơ, ít góc để thực khách check-in sống ảo. Vậy nhưng, khách vẫn nườm nượp. Một trong số đó là quán cà phê không biển hiệu ở số 66 Đinh Tiên Hoàng, ra đời từ trước năm 1980. Căn nhà có bề ngang chỉ 2,5 m luôn kín khách, nhất là sáng sớm.

Nhiều người trung niên luôn chọn quán cà phê của ông Chín Thứ làm điểm đến đầu ngày. Ảnh: Lam Nguyên

Nhiều người trung niên luôn chọn quán cà phê của ông Chín Thứ làm điểm đến đầu ngày. Ảnh: Lam Nguyên

Chủ quán trước kia là ông Ngô Hồng Hà, tên thường gọi là Chín Thứ, năm nay 83 tuổi. Giao quán cà phê lại cho con do tuổi đã cao nhưng ông Chín Thứ luôn có mặt ở quán mỗi ngày để “điều hành”. Khách đến đây đa phần đã thân quen nên ông Chín Thứ thuộc gu từng người, như đã thuộc lòng từng ngóc ngách của thành phố này. Ông liên tục quan sát, chỉ cần thấy xe vừa trờ tới, còn chưa kịp gạt chân chống là đã nhanh nhảu gọi với vào trong: “1 ly đen cho anh H.” hoặc “1 ly sữa đá cho anh T.”. Thế nên, vừa ngồi xuống bàn là đã có ngay ly cà phê đúng ý để trước mặt. Ông Chín Thứ vui vẻ cho hay, quán phục vụ cà phê pha sẵn, phù hợp với khách không có nhiều thời gian cà kê chờ “giọt đắng” chậm rơi như một cái thú. Chất lượng cà phê thì khỏi phải bàn. Đó là loại cà phê nguyên chất với màu nâu cánh gián đặc trưng, vị đắng vừa chứ không gắt, hương thơm hấp dẫn.

Đáng nói, trong thời đại bùng nổ thông tin trên internet, đây là một trong số ít quán cà phê vẫn phục vụ báo giấy. Không chỉ tỏ tường gu uống, ông Chín Thứ còn thuộc gu đọc của từng người. Ngay khi báo vừa được giao đến, ông cầm đến đưa tận tay từng khách đang nhâm nhi cà phê. Đọc báo giấy là thú vui xưa cũ của không ít người thuộc thế hệ trước. Vì vậy, họ đến đây như để được đắm chìm vào không gian của ký ức. Thi thoảng, ông Chín Thứ còn chạy vào khu pha chế lấy lon sữa bò đựng nước sôi để khách ngâm và giữ ấm cà phê. Chiều khách đến thế là cùng!

Hàng chục năm nay, quán đều đặn mở cửa từ 4 giờ sáng để đón khách đủ thành phần, từ người lao động đến dân công sở. Ông Nguyễn Quý (phường Diên Hồng) là người đã gắn bó với quán cà phê “không tên” này suốt 30 năm qua. Ông trò chuyện: “Quen rồi, sáng nào cũng phải tới đây làm ly cà phê. Ở đây có một chỗ ngồi ấm cúng, mang lại cảm giác thân quen, gần gũi. Lần nào tới cũng gặp anh em bạn bè thân quen, được cập nhật đủ chuyện “trên trời dưới biển”, từ thời sự, tin tức trong nước, ngoài nước, bóng đá… đến chuyện cuộc sống thường ngày”.

2. Nhắc đến những quán cà phê “muôn năm cũ” ở Pleiku, không thể không kể đến cái tên Thu Hà (09 Nguyễn Thái Học), có tuổi đời ngang ngửa với quán ông Chín Thứ. Khác với những quán lâu đời khác, Thu Hà “bao trọn gói” từ sản xuất đến chế biến, xuất khẩu cà phê. Có lẽ không cần phải nói quá nhiều bởi cà phê Thu Hà lâu nay đã nổi tiếng, đến nỗi khách phương xa ai một lần đến đều phải ghé để thưởng thức hương vị ngọt đắng với câu slogan “Còn chút gì để nhớ”.

Thu Hà-điểm đến từ hàng chục năm qua của các tín đồ cà phê. Ảnh: Lam Nguyên

Thu Hà-điểm đến từ hàng chục năm qua của các tín đồ cà phê. Ảnh: Lam Nguyên

Dân Pleiku nhiều người quen vị cũng đều đặn đến đây như một “tín đồ”, bất kể mưa hay nắng. Cái thú của họ là được ngồi vỉa hè, bàn san sát bàn, vừa nhấp ngụm cà phê vừa ngắm Pleiku khi tấp nập cộ xe, khi dịu dàng và êm đềm đến lạ vào mùa cây trút lá. Ông Ngô Văn Hòa (20 Cù Chính Lan) là “khách ruột” của Thu Hà hàng chục năm qua. Ông luôn chọn nơi này là điểm đến không thể thiếu đầu ngày. Lần nào tới ông cũng chỉ ngồi đúng một chỗ quen thuộc, tán gẫu chuyện thời sự một lúc rồi quay về làm việc. Với ông và nhiều người mê hương vị cà phê cùng một góc nhỏ hoài niệm của Thu Hà, đây không chỉ là thói quen đơn thuần mà như một “nghi thức” không thể thiếu. Vậy nên, mới có câu chuyện xúc động: Nhân 49 ngày bố mình qua đời, một người con đã ghé nơi này, chọn đúng bàn bố thường ngồi, gọi riêng cho ông ly cà phê và châm điếu thuốc như thói quen xưa cũ để bái biệt.

3. Dù đã có hơn 40 năm tồn tại nhưng những quán kể trên vẫn không “già lão” bằng quán Kim Liên (07 Tăng Bạt Hổ), ra đời những năm 60 của thế kỷ trước. Theo lời kể của chủ quán là ông Nguyễn Văn Giáp, Kim Liên từng là nơi dừng chân của nhiều tao nhân mặc khách khi đến Pleiku hàng chục năm trước, trong đó có những tên tuổi như: nhà thơ Kim Tuấn, nhạc sĩ Phạm Duy, diễn viên Nguyễn Chánh Tín, nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà văn Thái Bá Lợi…

Ở tuổi “xưa nay hiếm” nên từ lâu ông Giáp đã bàn giao “thương hiệu” này cho con cái. Sau hơn 60 năm ra đời, dù đã qua vài lần tu sửa, xây mới nhưng quán vẫn chủ tâm giữ lại những gì gợi hoài niệm nhất: bảng tên quán, tranh ảnh, bàn ghế cũ, thậm chí chọn lót sàn bằng mẫu gạch bông cũ… Và đặc biệt, nhạc xưa-”đặc sản” của Kim Liên-chính là điều níu chân những người vừa mê cà phê pha phin nguyên chất vừa chuộng dòng nhạc này. Đến đây, khách như “rơi tự do” vào khoảng trời ký ức với thanh âm êm đềm của các bài nhạc Việt tiền chiến, nhạc tình bất hủ từng làm say lòng bao thế hệ.

Không đầu tư cảnh quan, không chạy theo trào lưu cà phê pha máy, nhân viên phục vụ cũng thường lặng lẽ, kiệm lời, vậy nhưng, Kim Liên lại là gu của nhiều khách, đa phần là dân công sở, người làm việc tự do. Có lẽ họ thích cảm giác được “để mặc” trong không gian của riêng mình. Ông Nguyễn Quang Hiền (phường Yên Đổ), người đều đặn mỗi ngày 1 ly cà phê Kim Liên vào mỗi sáng chia sẻ thêm về lý do gắn bó: “Tôi thích không gian quán này vì nó đậm màu hồi ức, lối pha chế cà phê phin đậm đà, hợp vị. Hơn nữa, giá lại rất mềm, chỉ 12-14 ngàn đồng/ly”.

Vậy mới thấy, chỗ đứng khó chuyển lay của những quán cà phê “muôn năm cũ” giữa lòng Phố núi. Thì chẳng phải, ký ức đẹp đẽ vẫn cần lưu giữ theo một cách nào đó. Cùng với ngọt đắng cà phê, Phố núi vẫn giữ một dáng xưa gần gũi, dung dị và đầy mến thương.

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.