Pleiku và lời hẹn hò cùng sơn nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi gọi chị là sơn nữ bởi nhìn chị có một nét gì rất hoang dại, tựa như ngọn cỏ mọc lên giữa núi rừng, hòa mình cùng thiên nhiên. Ngọn cỏ mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được chút gì duyên dáng, ngọt ngào bởi được nâng niu, ấp ủ trong sương núi, nắng đồi, lớn lên từ mảnh đất bazan màu mỡ.

  Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Tôi gặp chị một cách đầy bất ngờ trên chuyến xe đêm. Lâu lắm rồi tôi không có dịp trở lại phố núi Pleiku để nỗi nhớ cái lạnh trên đồi cao cứ chất chồng. Gặp chị, người con gái sinh ra và lớn lên trên miền khói sương bảng lảng, bao nhiêu hồi ức về Pleiku bỗng chốc trở về trong tôi. Dường như chị đã gói ghém ngọn gió lành xứ Pleiku thả vào lòng tôi trong chuyến xe đêm chòng chành ở một nơi xa xôi trên hành trình thiên di.

Chị nói với tôi Pleiku đẹp lắm! Mùa nào cũng rực rỡ, mùa nào cũng thơm nồng hương hoa đặc trưng. Pleiku trong mắt tôi những năm tháng ấy là màu xanh mơn mởn của đồi chè, là sắc hoa muồng vàng tươi mỗi độ thu về, là mặt nước hồ Tnưng trong veo như tấm gương khổng lồ soi cả bầu trời và dãy núi. Nơi Biển Hồ thênh thang ấy đã có một nhạc sĩ ngợi ca rằng: “Không dám nhìn vào đôi mắt ấy/Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy/Có hàng thông xanh trong đôi mắt em/Có dòng Sê San trong đôi mắt em/Có hương rượu cần say men, say men/Có ngọn lửa nào đang nhen, chơi vơi…”.

Đối với mỗi người, Pleiku đẹp theo một cách rất riêng. Với tôi, một kẻ thích lang thang từ miền đất này sang miền đất khác, Pleiku có gì đó đượm buồn, nhưng đó là một nỗi buồn đẹp đẽ, thơ mộng. Tôi nhớ những buổi sáng cao nguyên lộng gió, dưới ánh mặt trời rực rỡ, tôi hít một hơi thật sâu vào lồng ngực cái không khí mát lành để rồi thấy bao ưu phiền biến tan như mây gió. Tôi nhớ những buổi chiều ngắm hoàng hôn buông lơi. Hoàng hôn Pleiku thật đẹp, cái khoảnh khắc huy hoàng cuối ngày khiến tôi muốn thốt lên rằng: Đẹp quá Pleiku, tuyệt vời Tây Nguyên yêu dấu! Đi để cảm nhận, để biết rằng Tây Nguyên đẹp vô cùng. Thấp thoáng đâu đó trên mảnh đất bazan ấy là bóng hình sơn nữ, mà chính Pleiku cũng là một sơn nữ có đôi mắt long lanh là hồ Tnưng, có mái tóc dài ngả nghiêng vắt từ đỉnh đến chân ngọn núi Hàm Rồng hùng vĩ…

Chị nói, Pleiku là tất cả đối với chị! Chị yêu men rượu cần, yêu những khoảnh khắc giao lưu uống rượu trong ánh lửa bập bùng trên đồi đêm sương lạnh, yêu màu đỏ của đất, yêu những mùa hoa… Dù đi đâu thì Pleiku vẫn giữ một vị trí không hề thay đổi trong trái tim chị. Tôi chợt nghĩ về mình. Trong tim tôi cũng có một miền quê. Trong tim bất cứ người nào cũng đều có riêng cho mình một nơi chốn để yêu, để nhớ. Như chị có Pleiku, có đại ngàn hùng vĩ. Nhưng những nơi ta đặt chân đến đều để nhớ để thương, đều trở thành những kỷ niệm lung linh trong tâm tưởng. Đó chính là tình yêu lớn lao, cao thượng.

Chị mời tôi về thăm Phố núi. Tôi sẽ đi, chắc chắn như thế! Tôi nhìn chị, nhìn đôi hàng mi cong vút và mái tóc xoăn nhẹ được ướp nắng Tây Nguyên, lòng nghĩ ngợi về một chuyến đi. Tây Nguyên hùng vĩ Pleiku thơ mộng, hữu tình. Và chị-sơn nữ ngọt ngào, duyên dáng… Tất cả trở thành nỗi nhớ trong tôi để lời hẹn hò được chắp cánh. Một ngày không xa, cánh chim này sẽ bay về Phố núi. Một ngày không xa, tôi sẽ lại đứng giữa núi đồi, soi mình trong đáy mắt Pleiku để rồi những kỷ niệm ấy không bao giờ phai nhạt trong cuộc đời.

 

 HOÀNG KHÁNH DUY

 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.